Hai điểm khảo cổ vào năm 2005 tái khẳng định vị trí hệ thống chiến hào chính, cũng như giúp đưa ra kết luận rằng các chiến hào huấn luyện chắc chắn không giống hệt như các chiến hào trên trận tuyến thật. Ví dụ như cách chúng được xây dựng vẫn chưa tạo độ an toàn cần thiết cho người lính vì không được đào đủ sâu.
Sơ đồ thiết kế chiến hào điển hình của quân đội Anh. |
Ngay sau khi các cuộc khai quật được tiến hành, rõ ràng là toàn bộ các chiến hào này được đào khá nông, ở dưới mức độ sâu theo quy định. Nền đất của đồng bằng Salisbury (khá giống địa chất mặt trận phía tây tại vùng Picardy và Somme của Pháp) bao gồm một lớp đất mỏng trên bề mặt và lớp đá vôi cứng bên dưới. Ngay khi khai quật đến lớp đá vôi cứng này tại đáy của các chiến hào, người ta đã rõ nguyên nhân quân đội Ôxtrâylia đã hạn chế công tác đào chiến hào vì đó thật sự là công việc quá nặng nhọc. Điều này được khẳng định với một ghi chép trong một nội san thời đó của quân đội Ôxtrâylia, tờ “F.A.B Yandoo thứ 7”, trong đó nói rằng lực lượng bộ binh đã “phải đào chiến hào bằng xẻng, đó là công việc đầy ngán ngẩm vì lớp chất đá vôi rất cứng”.
Hai vỏ đạn của năm 1917, được tìm thấy tại một trong những chiến hào thông tin. Dấu in ở vỏ đạn cho biết chúng được Công ty đạn dược và kim loại Birmingham sản xuất. |
Một trong những đặc điểm của hệ thống chiến hào bao gồm một khu vực trũng nhỏ do nổ mìn tạo ra. Phần này đã bị lấp đi nhưng nền đất mềm của đất đổ vào đã được con badger (một loại chồn thường đào hang dưới đất) tận dụng làm tổ. Các hiện vật được những chú badger đào lên trong vùng đất lõm này, và nhiều điểm khác trong khu vực, bao gồm các bình Bovril, chai cho cà phê trại lính và thậm chí là kem cạo râu Anzora. Những hiện vật này cũng thường được tìm thấy tại các điểm khai quật trên mặt trận phía tây.
Mặc dù chỉ một số khu vực nhỏ trong hệ thống lớn chiến hào tại Bustard được nghiên cứu, các khám phá từ những điểm khảo cổ cho thấy nhiều lý thú. Chiến hào tiền tuyến còn giữ được vỏ đạn cỡ 7,6 mm, chứng tỏ rằng các khóa huấn luyện bắn đạn thật đã được tiến hành tại đây. Những phát hiện tiếp theo tại địa điểm này bao gồm một cây kéo, có thể là dụng cụ trong hộp đồ y tế. Một hiện vật gây tò mò khác được phát hiện là cây nến màu hồng nhỏ, mặc dù có thể trước đây nó đã từng có thể có màu đỏ và màu đã dần phai nhạt qua thời gian nằm sâu dưới đất.
Hai hiện vật đáng lưu ý: Cái kéo và một chiếc lọ đựng chất dưỡng tóc Anzora, một sản phẩm thịnh hành vào thời Thế chiến I |
Từ góc độ kỹ thuật, việc xây dựng các chiến hào tại mặt trận phía tây trở nên vô cùng phức tạp trên nhiều phương diện. Chưa tính đến hỏa lực từ phía đối phương, chỉ riêng việc duy tu hệ thống chiến hào này đã là một cuộc chiến chống lại tự nhiên. Vì thế, các chiến hào cần phải được thiết kế một cách tinh vi.
Đường chiến hào không bao giờ được đào theo những đường thẳng tắp để phòng trường hợp kẻ địch tấn công vào chiến hào, có thể bắn dọc theo đường hào và gây thương vong lớn. Ở thời đó, quân đội Pháp có xu hướng xây những đường hào hình chữ chi, trong khi quân đội Anh lại chuộng kiểu hốc tránh đạn, hoặc ụ che chiến hào (là những khối bao cát nằm lọt trong chiến hào).
Thiếu úy John Raws, phục vụ trong Tiểu đoàn 23 Quân đội Hoàng gia Ôxtrâylia đã viết cho mẹ mình từ chiến trường Somme vào ngày 9/7/1916 (John sau đó hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ vào cuối tháng 8). Trong thư, anh mô tả hệ thống hầm hào phức tạp trên chiến trường:
“Pháo đài bao gồm các hàng rào, được xây cao dần lên phía trước với chiến hào nhỏ và hẹp được đào phía sau. Lý do là việc thoát nước quá khó khăn. Những hàng rào này được xếp bằng hàng triệu bao cát nhỏ, chồng khít lên nhau thành một khối. Cứ khoảng 8 mét lại có một ụ chiến hào, với một lượng lớn đất và bao cát được kiên cố bằng đinh tán, chạy vòng theo độ cong của chiến hào. Cứ vài mét lại có một hào thông tin và vô số các đường tiến quân cho quân chủ lực”.
Chiều 22/11/1916, lực lượng “Diggers” của Sư đoàn Bộ binh 3, Quân đội Ôxtrâylia bắt đầu những chặng cuối cùng của hành trình đến mặt trận phía tây từ Southampton. Tại đây, trong vòng hai năm dài, họ đã đối diện những gian truân nhất của cuộc chiến, làm nên danh tiếng về một đội quân quyết tâm, quả cảm và dẻo dai. Họ đã chiến đấu trên một số chiến trường khốc liệt nhất tại mặt trận phía tây, bao gồm trận Messines và trận đánh thứ 3 Ypres (Passchendaele) vào năm 1917, trước khi đối diện với các trận đánh diễn ra năm 1918.
Vào cuối cuộc chiến, Sư đoàn bộ binh 3 đã không được chọn để tiến quân sang Đức. Việc giải ngũ bắt đầu được thực hiện vào cuối năm 1918 và vào tháng 5/1919, những đội quân cuối cùng của Sư đoàn bộ binh số 3 đã lên đường hồi hương.
Dự án khảo cổ học năm 2005 ở Salisbury đã giúp làm sống lại ký ức về những người lính đã từng rèn luyện vất vả trên vùng đồng bằng này và cũng giúp làm rõ hơn vai trò của khu vực huấn luyện quân đội trong chiến tranh. Một vai trò mà vùng đất này vẫn tiếp tục đảm đương cho đến ngày nay.
Minh Châu