Chiến dịch Chariot

Chiến dịch Chariot - Kỳ 2: Phương án tác chiến

Đến cuối tháng 3/1941, hầu hết mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành theo đúng kế hoạch ngoại trừ việc tìm một chiếc tàu khu trục thích hợp.

Bộ Hải quân Anh đưa ra giải pháp dùng một tàu ngầm loại lớn để thay thế. Newman và Ryder cho rằng giải pháp này không hợp lý do sức khỏe của lính sẽ bị ảnh hưởng nếu phải chen chúc trong không gian chật hẹp như vậy trong ba ngày. Họ lại tính toán đến phương án chỉ sử dụng loại tàu đổ bộ để vận chuyển người và thuốc nổ, nhưng phương án này cũng tỏ ra không khả thi.

Cửa cống phía nam của St. Nazaire.


Sau đó, Bộ Hải quân mới xuống nước và điều động chiếc tàu khu trục cũ, HMS Campbeltown, để làm tàu đâm vào cửa cống của bến cảng St Nazaire. Con tàu này trước đây vốn được Hải quân Mỹ dùng trong Thế chiến thứ nhất và lúc đó nó có tên là USS Buchanan. Về sau, nó được chuyển cho Hải quân Hoàng gia dưới dạng thỏa thuận cho mượn và được biên chế vào Biên đội hộ tống số 7 ở Liverpool. Con tàu bị hư hỏng sau một vụ va chạm và được đưa vào sửa chữa cho đến tận tháng 3/1941. Ngày 10/3/1942, người ta đưa con tàu đến cảng Devon để tiến hành một số thay đổi quan trọng cuối cùng trước khi tham gia vào Chiến dịch Chariot.

Để làm cho quân Đức lúng túng và không kịp trở tay, tàu Campbeltown được thay đổi giống như một tàu khu trục của Đức lớp Mowe. Người ta đã dỡ 2 trong số 4 ống khói của nó và điều chỉnh 2 ống khói còn lại. Để tăng cường bảo vệ cho thủy thủ đoàn, các kỹ sư lắp thêm các tấm thép vào một số vị trí trên con tàu. Họ cũng hàn 2 dãy tấm thép dọc boong tàu để lính có chỗ ẩn nấp. Hệ thống hỏa lực cũng được tăng cường bằng cách thay thế pháo cỡ nòng 10,16 mm bằng pháo cỡ nòng 76,2 mm bắn liên thanh và bổ sung 8 khẩu pháo Mark I Oerlikon cỡ nòng 20 mm. Tất cả những trang bị và vật dụng không cần thiết đều bị tháo khỏi con tàu để làm cho tàu càng nhẹ càng tốt và để lấy chỗ đựng nhiên liệu cũng như nước ngọt cho toàn bộ chuyến đi. Tuy vậy, Campbeltown chỉ mang được hơn 3 khối nước cho chuyến đi này, bởi còn phải dành chỗ để một loại hàng cực kỳ quan trọng - hơn 4 tấn thuốc nổ. Một sợi dây cháy chậm dài được nối với lượng nổ đó.

Vị trí lính biệt kích đổ bộ lên bờ.

Lực lượng còn lại là những chiếc xuồng máy nhỏ hơn thuộc 3 lớp khác nhau. Loại có số lượng nhiều nhất là xuồng máy Fairmile B, được trang bị theo nhiều kiểu khác nhau. Một số thậm chí còn mang ngư lôi. Đó là loại xuồng máy phổ biến nhất được sản xuất ở Anh lúc bấy giờ. Người ta tính rằng, có khoảng 560 chiếc xuồng máy loại này được đóng ở hơn 70 nhà máy đóng tàu. Loại xuồng này có vỏ bằng gỗ, dài 34 m, rộng gần 6 m, và chạy bằng 2 động cơ xăng Hall - Scott 600hp, vận tốc tối đa là 36 km/h. Tổng số có 12 chiếc xuồng máy loại này và chúng được đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá W. L. Stephen.

Người ta đã tiến hành điều chỉnh một số chi tiết hệ thống vũ khí để tăng cường hỏa lực cho những chiếc xuồng này. Một khẩu pháo Hotchkiss cỡ nòng 47 mm được thay thế bằng 2 khẩu pháo Oerlikon cỡ nòng 20 mm và lắp ở phía mũi cũng như đuôi tàu. Ngoài ra, người ta còn bố trí thêm 2 khẩu súng máy Lewis ở trên đài chỉ huy. Ngay trước khi diễn ra trận đánh, bộ phận này được tăng cường thêm 4 xuồng máy của Biên đội số 7. Mỗi chiếc xuồng máy mang 2 ống phóng ngư lôi ở hai bên ống khói.

Loại xuồng thứ hai là MGB 314, được điều động từ Biên đội số 14 và thuộc lớp Fairmile C. Các xuồng được trang bị 3 động cơ Hall - Scott 850hp, với tốc độ tối đa là 46 km/h. Mặc dù MGB 314 có thêm các thùng nhiên liệu phụ nhưng chúng vẫn cần được kéo đến một vị trí rất gần với mục tiêu để tiết kiệm nhiên liệu cho hành trình trở về. Loại xuồng lớp C được trang bị khá tốt với 2 khẩu pháo cỡ nòng 49 mm ở phía trước và phía sau. Hai súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7 mm được lắp đặt ở vị trí chính giữa. MGB 314 cũng được trang bị rađa và thiết bị đo độ sâu bằng sóng âm. Hiển nhiên loại xuồng này được cả Ryder và Newman lựa chọn làm tàu chỉ huy trong hành trình từ cửa sông Loire đến St Nazaire.

Loại xuồng thứ ba là MTB 74 do Trung úy R. Wynn chỉ huy. Đây là loại tàu phóng ngư lôi Vospers được thiết kế đặc biệt với chiều dài 21 m.

Đình Vũ (tổng hợp)

Đón đọc kỳ 3: “Thiên đường” trú ẩn của tàu ngầm Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN