Chặn đứng cơn “đại hồng thủy” ở Midway - Kỳ 2: Mục tiêu mang mật danh “AF”

Tư lệnh Joseph P. Rochefort là người đứng đầu Phòng tình báo tác chiến (OP 20 02), thường gọi là Hypo, của Mỹ. Chỉ huy một đội ngũ gồm các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về toán, thông tin liên lạc và mã thám, Rochefort hy vọng khôi phục được 10% những bức điện bị hỏng mà các thiết bị mã thám của hải quân thu được.

Quang cảnh trên boong tàu sân bay Yorktown của Nhật Bản.


Chẳng mấy chốc Hypo trở thành bộ phận giải mã quan trọng nhất, và Rochefort là một người có tầm nhìn xa trông rộng khi ông ra lệnh kiểm tra giá trị của những thông tin thu được. Bộ phận của ông ít có cơ hội được mọi người biết đến nếu như không có sự kiện các tàu sân bay của Mỹ đánh trúng vào các mục tiêu trên một hòn đảo trong một chiến dịch không kích. Cuối tháng 4 năm đó, các nhân viên giải mã đã bắt được một “con cá” lớn hơn. Họ đã thu được các bức điện vô tuyến. Kết quả giải mã cho thấy, hải quân Nhật sắp sửa tiến hành các chiến dịch quy mô lớn ở biển San Hô. Dựa vào những tin tức tình báo do bộ phận của Rochefort cung cấp, Đô đốc Nimitz đã triển khai lực lượng và khiến quân Nhật phải đại bại ở vùng biển này.

Ngay sau đó, các nhân viên của Rochefort lại nhận được các thông tin mật cho thấy Nhật đang chuẩn bị một kế hoạch mới với sự tham gia của toàn bộ các hạm đội mạnh. Vấn đề đau đầu là ở chỗ Rochefort chưa tìm ra mục tiêu của chiến dịch này. Ông chỉ phán đoán rằng mục tiêu mang mật danh “AF” có thể là Midway. Tuy nhiên, ông phải thuyết phục được cấp trên ở Oasinhtơn là Tư lệnh John Redman. Bởi vì vị tư lệnh này cho rằng nếu là mục tiêu trên Thái Bình Dương thì đó sẽ phải là quần đảo Hawaii. Rochefort nghĩ ra một kế để xem đích xác mục tiêu của Nhật có phải là Midway hay không. Theo đó, cùng với việc sử dụng đường truyền điện thoại ngầm dưới biển kết nối với Midway, ông yêu cầu bộ phận liên lạc ở Midway đánh đi một bức điện không mã hóa có nội dung: Nhà máy lọc nước biển ở Midway đã bị hỏng - đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với một hòn đảo nhỏ đứng độc lập trên Thái Bình Dương bởi nó luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.

Tàu sân bay Enterprise của Mỹ.


Quân Nhật mắc mưu. Liền sau đó, các nhân viên của Rochefort nhận được một thông tin tình báo với nội dung sau khi được giải mã là: “AF gặp sự cố với nhà máy lọc nước biển”. Ông nắm được mục tiêu chính của chiến dịch này là Midway, do đó không dính phải đòn nghi binh của Đô đốc Yamamoto ở cảng Hà Lan. Hai là, ông biết được kế hoạch triển khai lực lượng tàu ngầm của quân Nhật, do vậy ông đã triển khai trước một bước các lực lượng của Mỹ. Kế hoạch tiêu hao một phần sinh lực quân Mỹ của Yamamoto vì đó mà không thành. Và ba là, ông có thể tập trung tất cả tàu thuyền, máy bay, và áp dụng các biện pháp bảo vệ ở trên và xung quanh Midway.

Từ lúc nắm được những phát hiện quan trọng này do Rochefort cung cấp, Đô đốc Nimitz có quá nhiều công việc phải làm. Các tàu Enterprise, Hornet, và Yorktown đều đã được đưa đi sửa chữa cho đến tận giữa tháng 5. Enterprise và Honet sẽ trở lại sớm hơn Yorktown. Con tàu này vẫn đang trong quá trình sửa chữa kể từ trận đánh ở biển San Hô. Ông cũng đón nhận một tin xấu khác đó là Phó Đô đốc William F. Halsey, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, bị mắc bệnh nhiễm trùng da. Halsey được đưa vào bệnh viện. Đô đốc Nimitz hỏi xem ai là người chỉ huy thay thế. Không một chút do dự, Halsey tiến cử Phó Đô đốc Raymond A. Spruance, chỉ huy lực lượng tàu tuần dương bảo vệ cho lực lượng của Halsey.

Nimitz chấp thuận đề nghị này, không biết rằng đây lại là một vận may đối với nước Mỹ. Hai ngày sau, Đô đốc Fletcher, sau khi đi kiểm tra thực tế việc sửa chữa tàu Yorktown, đã về đến Trân Châu Cảng. Căn cứ vào những thông tin được báo cáo, Fletcher ước tính rằng Yorktown sẽ không thể đưa vào sử dụng sau ít nhất ba tuần lễ nữa. Tuy nhiên, Nimitz không thể chờ đợi lâu. Ông ra lệnh tập trung mọi nỗ lực để đưa tàu sân bay này trở lại hoạt động vào ngày 30/5, để kịp tránh vòng vây của lực lượng tàu ngầm Nhật. Đồng thời, Nimitz đã ra lệnh cho Phó Đô đốc Robert English triển khai đội tàu ngầm ở phía tây đảo Midway, và một lực lượng khác ở phía bắc quần đảo Hawaii để sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng rút lui trong trường hợp Midway bị thất thủ. Ngoài ra, ông cho chuyển tất cả máy bay đến Midway, và yêu cầu bổ sung thêm các máy bay mới. Cuối cùng, vào ngày 28/5, Đô đốc Spruance, chỉ huy tàu Enterprise cùng với hai tàu sân bay khác khởi hành đi về hướng đảo Midway.

Về phía Nhật, để đảm bảo rằng không có tàu sân bay nào của Mỹ ở quanh Midway, Bộ tham mưu của Yamamoto lên kế hoạch thực hiện một chuyến bay trinh sát bằng thủy phi cơ Emily từ đảo Wotje thuộc quần đảo Marshall đến Trân Châu Cảng. Chiếc thủy phi cơ này sẽ được tiếp nhiên liệu từ một tàu ngầm ở bãi cạn French Frigate. Trước đây, quân Nhật cũng đã từng tiến hành một chuyến bay trinh sát tương tự như vậy. Nhưng các máy bay của Mỹ đã lập tức được cử theo dõi đơn vị trinh sát này, và họ nhanh chóng phát hiện rằng chỉ có bãi cạn là nơi có thể tiến hành tiếp nhiên liệu cho các thủy phi cơ. Tại đây, vào ngày 1/6, một nhóm thủy phi cơ của Mỹ đã khống chế được chiếc tàu ngầm của Nhật khi chiếc tàu này đang tiếp nhiên liệu cho chiếc thủy phi cơ đi trinh sát Trân Châu Cảng. Sứ mệnh của chiếc tàu này đã bị hủy bỏ kể từ đó.

Đình Vũ (tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Midway bị không kích

Chặn đứng cơn “đại hồng thủy” ở Midway - Kỳ cuối: Midway bị không kích
Chặn đứng cơn “đại hồng thủy” ở Midway - Kỳ cuối: Midway bị không kích

Theo lệnh của Yamamoto, Đô đốc Kakuta Kakuji sẽ chỉ huy lực lượng oanh kích vào cảng Hà Lan, một cảng nhỏ nằm ở phía bắc đảo Unalaska, để đánh nghi binh. Tuy nhiên, do biết từ trước nhờ thông tin tình báo nên Mỹ không bố trí một đơn vị hạng nặng nào ở cảng Hà Lan...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN