Chân dung “chúa chổm” Winston Churchill

Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill có thể là một chính trị gia tài ba nhưng về khía cạnh tài chính cá nhân, ông lại là một người quản lý cực tồi. Những khoản chi tiêu vô độ đã khiến ông chìm trong nợ nần, đến mức người ta phải thốt lên chưa bao giờ có một người lại nợ tiền nhiều người đến thế.

Theo một số bức thư mới được công bố, Thủ tướng Churchill được kính trọng và nể phục vì không bao giờ chịu đầu hàng và dường như ông cũng áp dụng nguyên tắc tương tự khi không bao giờ… chịu trả nợ.

“Chúa chổm” Winston Churchill.

Năm 1937, ông Churchill đã nợ tiền sửa bộ đồng phục Trinitry House, bộ đồng phục của thủ tướng và chiếc mũ lưỡi trai tại Henry Pool & Co, nhà may đầu tiên trên phố Savile Row. Số tiền nợ nhà may này là 197 bảng Anh, tương đương 12.400 bảng thời giá hiện nay. Hóa đơn chứng từ lưu trữ suốt hơn 200 năm qua của nhà may nổi tiếng này đã tiết lộ các khoản nợ trên. Henry Pool & Co đã may quần áo cho những người giàu có và quyền lực nhất thế giới.

Không chỉ nợ một nhà may, ông Churchill còn có nhiều khoản nợ nữa mới được phát hiện sau khi một nhà may khác ở London đã cáo buộc ông không trả hóa đơn. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, một trong những phụ tá của ông Churchill đã mang một bộ vét đến cửa hàng của một thợ may tên là Abe Green ở nam London để sửa. Sau khi lấy đồ xong, cho dù liên tục bị giục trả tiền công nhưng ông Churchill phớt lờ.

Bất chấp việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng thời chiến tranh, Thủ tướng Churchill vẫn liên tục sửa đồ và nợ tiền ông Abe Green. Ông Green đã gửi thư cho tờ The Times nói: “Việc sửa chữa đồ được thực hiện ngay tức khắc theo yêu cầu của ông ta, nhưng ông ta không bao giờ trả tiền sửa cho dù liên tục bị đòi. Không giống như nhà may Henry Pool & Co, chúng tôi không còn giấy tờ, hồ sơ để chứng minh”.

Tình hình tài chính cá nhân cũng ảnh hưởng tới cuộc sống yêu đương của ông Churchill trước khi kết hôn với bà Clementine. Lúc chưa làm thủ tướng, ông Churchill đã gặp gỡ và yêu một cô gái tên là Pamela Plowden khi còn phục vụ trong quân đội và đồn trú ở Secunderabad, Ấn Độ năm 1898. Dù đấu tranh để giành giật tình yêu của cô suốt vài tháng trời nhưng ông Churchill đành lòng nhìn cô gái lấy Bá tước xứ Lytton. Một bức thư mà ông Churchill viết cho Plowden cho thấy ông sợ tình hình tài chính bấp bênh của mình sẽ là mối đe dọa với cuộc hôn nhân nếu họ lấy nhau. Sau khi Plowden lấy chồng, ông Churchill đã rời thành phố Secunderabad trong cơn giận mà không trả các khoản nợ trị giá 103 rupee.

Từ lâu, ông Churchill, cháu trai của Công tước xứ Marlborough đã khét tiếng trong chuyện tiêu tiền. Ông chi hàng chục nghìn bảng vào rượu và đánh bạc. Dù nợ như chúa chổm nhưng ông Churchill không chịu từ bỏ lối sống xa hoa.

Một hóa đơn sửa quần áo chưa thanh toán của ông Churchill tại nhà may Henry Pool & Co.

Ông Churchill sinh ra trong giàu sang và lúc nào cũng thích đồ đắt tiền. Thói quen đó theo chân ông khi ông bắt đầu bước đi trên con đường chính trị. Churchill lúc nào cũng kêu ca với bạn bè rằng đã mất khoản tiền tương đương 500.000 bảng thời nay sau khi chứng khoán phố Wall sụp đổ năm 1929. Tuy nhiên, từ thời trước đó, khi mới hơn 30 tuổi và đã có vợ cùng 4 con, ông đã vay mượn số tiền tương đương 2,5 triệu bảng/năm.

Sở dĩ Churchill vay mượn nhiều đến thế là vì năm nào cũng đi nghỉ ở miền Nam nước Pháp. Tại đây, ông nướng tiền vào các sòng bạc sang trọng. Mỗi chuyến đi đánh bạc tốn khoản tiền tương đương 40.000 bảng thời nay. Ví dụ, kỳ nghỉ ở Cannes năm 1936, ông đã nướng 50.000 bảng Anh tại sòng bạc.

Vào năm ông Churchill thề nhịn uống rượu (không phải để tiết kiệm mà để cá cược với một người bạn nói rằng ông không thể nhịn), hóa đơn tiền rượu tích tụ lại cũng lên tới 900 bảng, tức 54.000 bảng thời nay. Khi hóa đơn rượu chất đống với riêng tiền mua sâm panh đã tốn 16.000 bảng, ông Churchill bụng bảo dạ phải giảm chi tiêu trong gia đình để tiết kiệm. Ông thường hút 12 điếu xì gà mỗi ngày, tốn 1.300 bảng/tháng. Nay ông thề giảm xuống 4 điếu nhưng cũng không được thành công lắm.

Năm 1939, năm trước khi được bầu làm thủ tướng, ông Churchill đã rút quá số tiền trong ngân hàng tới 35.000 bảng, tức hơn 2 triệu bảng thời nay. Các nhà môi giới đã yêu cầu ông phải trả 12.000 bảng (tức 720.000 bảng thời nay) ngay lập tức nếu không muốn phá sản.

May thay, vào phút chót, ông Churchill đã được những người ủng hộ hảo tâm và bí mật trả giúp nợ, giúp ông tránh khỏi cảnh phá sản. Năm sau, ông làm Thủ tướng nước Anh trong bối cảnh châu Âu mấp mé bờ vực chiến tranh. Dù suýt phá sản nhưng ông Churchill không bao giờ thực sự “chừa” thói tiêu hoang. Chỉ trong hai tháng năm 1949, Churchill và các vị khách đã nốc 454 chai sâm panh, 311 chai rượu vang, 69 chai Poóc-tô (vang đỏ nặng), 58 chai rượu mạnh, 58 chai rượu vàng và 56 chai whisky Black Label.
Thùy Dương
Winston Churchill từng đề nghị thả bom hạt nhân vào Liên Xô
Winston Churchill từng đề nghị thả bom hạt nhân vào Liên Xô

Một tài liệu mật từ kho lưu trữ của FBI mới được tiết lộ đã cho thấy thông tin về việc Thủ tướng Anh Winston Churchill từng đề nghị Mỹ thả bom nguyên tử để “xóa sổ” Điện Kremlin và giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN