Một người đàn ông cao lớn, mặc bộ jumpsuit màu đỏ trèo từ cabin xuống, mỉm cười và bắt đầu ký tặng những người đang chạy đến vây quanh. Khoảng 15 phút sau khi chiếc máy bay hạ cánh, một chiếc xe cảnh sát mới xịch tới, hai người đàn ông bước xuống yêu cầu viên phi công lên xe, rồi lái đi mất.
Chiếc máy bay của Mathias Rust đậu trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: AP |
Ngay tối đó, tin tức về vụ việc lan khắp thế giới. Viên phi công nghiệp dư người Tây Đức Mathias Rust, mới 19 tuổi, đã thuê một chiếc máy bay thể thao cất cánh từ sân bay gần Helsinki (Phần Lan), vượt qua hệ thống phòng thủ dày đặc của Liên Xô và bay qua 850km đất liền, hạ cánh ngay trung tâm thủ đô Moskva. Báo chí khắp thế giới chạy những dòng tít kiểu như: “Cậu bé Đức đấm xuyên Bức màn thép”. Đó thực sự là một cú sốc.
Sự vụ làm hé lộ những lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng không Xô-viết – những “lỗ hổng” đủ lớn để một máy bay nhỏ có thể mang những loại vũ khí ghê gớm như đầu đạn hạt nhân hay bom hóa học, xuyên qua. Nó cũng cho thấy những nguồn tài chính khổng lồ mà Liên Xô rót cho chương trình tăng cường an ninh và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang đã được chi tiêu kém hiệu quả. Đây cũng chính là đề tài bàn luận trong cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị Liên Xô khi đó.
Sau vụ việc “mất mặt”, ba Nguyên soái của Liên Xô và khoảng 300 tướng tá bị buộc từ chức. Trong số những người bị sa thải có Sergei Sokolov, Nguyên soái kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, và Alexander Koldunov, Nguyên soái kiêm Tư lệnh lực lượng phòng không Liên Xô.
Truyền thông phương Tây đánh giá đây là đợt xử lý quan chức cấp cao Quân đội Xô-viết lớn nhất kể từ chiến dịch năm 1937 dưới thời Stalin. Nhiều chuyên gia tin rằng, lãnh đạo Liên Xô khi đó, Mikhail Gorbachev đã sử dụng chuyến bay của Rust dể thanh trừng những thành phần bảo thủ trong Lực lượng vũ trang, vốn không ủng hộ các cải cách của ông.
Igor Maltsev, đại tướng kiêm Tham mưu trưởng Lực lượng phòng không Liên Xô, đã may mắn thoát do vào đúng ngày Rust “xuyên thủng” Bức màn thép, ông đang dự một phiên họp của Xô-viết tối cao nước Cộng hòa Estonia ở Tallinn. Nhiều năm sau này, sau khi đã nghỉ hưu, tướng Maltsev cho biết, khi Karl Kortelainen, Chủ tịch KGB Estonia, thông báo vụ máy bay Tây Đức hạ cánh, ông đã không tin nổi.
Mathias Rust và chiếc Cessna 172 trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Wiki Commons |
Nhưng làm thế nào mà hệ thống phòng không đầy sức mạnh của Liên Xô lại thất bại bẽ bàng như vậy?
Theo tướng Maltsev, trước hết, hệ thống phòng thủ đường không Xô-viết thời đó được thiết kế để chống trả những cuộc không kích hàng loạt nhằm vào các cơ sở hạ tầng và binh sĩ trên lãnh thổ, chứ không nhằm vào máy bay hạng nhẹ. Thứ hai, sau thảm kịch máy bay chở khách Boeing của Hàn Quốc bị bắn hạ khi vi phạm không phận Liên Xô ở Viễn Đông (ngày 1/9/1983), Liên Xô đã ký một phụ lục của Công ước Hàng không Dân dụng quốc tế, theo đó về nguyên tắc, cấm bắn hạ máy bay dân sự bất kể máy bay đó bay ở đâu hay vì lý do nào vượt qua biên giới.
Sau khi ký phụ lục này, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô đã ký lệnh cấm khai hỏa nhằm vào các máy bay động cơ nhẹ, máy bay vận tải dân sự và chở khách.
Tướng Maltsev nghi ngờ việc Rust có thể tự vượt qua biên giới và lãnh thổ Liên Xô mà không bị phát hiện. Dù sao cũng không có bằng chứng gì về sự tiếp tay của các lực lượng đặc biệt Nga hoặc NATO. Rust bị kết án 4 năm tù giam.
Lớn lên tại Hamburg, Mathias Rust chỉ say mê với hai thứ: máy bay và "Armageddon" - một bộ phim viễn tưởng về đề tài hạt nhân. Với nhiều người châu Âu, việc Mikhail Gorbachev trở thành nhà lãnh đạo Liên Xô vào năm 1985 đem tới tia hy vọng mỏng manh làm dịu cuộc Chiến tranh Lạnh, giai đoạn mà nguy cơ chiến tranh hạt nhân luôn lơ lửng trên đầu. Vì vậy khi hội nghị thượng đỉnh Xô-Mỹ tại Reykjavi, Iceland tháng 10/1986 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào về cắt giảm vũ khí, Rust cảm thấy tuyệt vọng. Chàng thiếu niên tức giận bởi sự bất tín của Tổng thống Mỹ Reagan khi đó về vấn đề Liên Xô. Rust quyết định anh ta phải làm điều gì đó - thật lớn.
Rust vạch ý tưởng về một “cây cầu biểu tượng” bằng một chuyến bay táo bạo tới Moskva. Nếu cậu “có thể tới được thủ đô Liên Xô, vượt qua 'Bức màn thép' mà không bị chặn, điều đó cho thấy Gorbachev thực sự nghiêm túc xem xét mối quan hệ mới với phương Tây” – Rust giải thích về ý tưởng của mình - “Làm sao Reagan có thể tiếp tục chỉ trích Liên Xô là ‘đế chế ma quỷ’ nếu như tôi, trên một chiếc máy bay nhỏ, có thể bay thẳng tới đó bình yên vô sự?”. Cậu còn chuẩn bị một bản đề xuất 20 trang dự định chuyển tới Tổng bí thư Liên Xô Gorbachev về giải pháp thúc đẩy hòa bình thế giới.
Rust (trái) trong một bức ảnh chụp tại Tây Đức năm 1987. Ảnh: Bild) |
Rust đã học những bài học bay đầu tiên của mình từ vài năm trước đó. Cậu chi tiêu toàn bộ tiền tiết kiệm mình có và cả của bố mẹ cho sở thích. Dù vậy, tới mùa xuân năm 1987, Mathias Rust mới chỉ có vỏn vẹn kinh nghiệm 50 giờ bay, trong đó có một vài chuyến bay xuyên Tây Đức. “Tôi nghĩ cơ hội của mình tới Moskva là 50-50”, viên phi công trẻ tuổi kể lại và lưu ý về sự cố năm 1983, Liên Xô đã bắn hạ chuyến bay dân sự số hiệu 007 của Korean Airlines khi chiếc máy bay bay lạc vào không phận Xô-viết; toàn bộ 269 người trên máy bay thiệt mạng.
Để chuẩn bị cho kế hoạch, Rust ký hợp đồng thuê một chiếc Cessna Skyhawk 172 đời 1980 tại câu lạc bộ bay của mình trong 3 tuần. Chiếc máy bay 4 chỗ ngồi được lắp thêm các bình nhiên liệu giúp tăng phạm vi hoạt động của máy bay từ 175 dặm lên 750 dặm, đủ để Rust bay tới Reykjavik (Helsinki, Phần Lan) và tiếp theo là từ Reykjavik tới Moskva.
Ngày 13/5/1987, Rust cất cánh khỏi phi trường Uetersen, ngoại ô Hamburg, bay khoảng 5 tiếng xuyên biển Baltic và biển Bắc trước khi hạ cánh xuống quần đảo Shetlands. Ngày tiếp theo cậu bay tới Vagar, trên quần đảo Faroe của Đan Mạch, nằm ở trung tâm vùng Bắc Đại Tây Dương và ngày 15/5, Rust tới Reykjavik. Đêm 27/5, Rust hầu như không ngủ được. Sáng sớm cậu lái xe tới sân bay, nạp đầy nhiên liệu cho chiếc Cessna, kiểm tra lại dự báo thời tiết rồi xin lịch bay tới Stockholm. Khoảng 12h21, Rust cất cánh.
Chiếc máy bay lạ bị radar Liên Xô phát hiện lúc 14h10 ngày 28/5 gần làng Loksa của Estonia, và vào lúc 14h18, lực lượng phòng không mới xác định được không có máy bay dân sự Liên Xô nào trong khu vực. Tư lệnh Sư đoàn phòng không số 14 quyết định coi máy bay của Rust là “kẻ xâm nhập nước ngoài” và gửi báo động tới Sư đoàn phòng không số 60 ở Leningrad. Toàn bộ các lực lượng đang làm nhiệm vụ được lệnh báo động. Một số máy bay chiến đấu đã cất cánh, nhưng tới 14h30 thì họ mất dấu mục tiêu do Rust lái vào vùng góc chết của radar.
Vào 15h30, khi không tìm được chiếc máy bay lạ, Tư lệnh sư đoàn 60 báo về Moskva rằng mục tiêu 8255 là một đàn chim dày đặc. Trong khi trên thực tế lúc đó máy bay của Rust đang ở khu vực nhà ga Dno, và chỉ đến khi bay trên cánh đồng Khodynka, ngoại ô Moskva, Rust mới bị phát hiện, lúc đó đã là 18h30.
Từ trên không trung, Rust tiến gần tới Quảng trường Đỏ, giảm tốc độ và tìm chỗ hạ cánh. Cậu muốn đậu ngay trung tâm Quảng trường, trước Lăng Lê-nin, nhưng bao quanh khu vực đó là một hàng rào có xích. Rust đành đỗ trước Nhà thờ St. Basil, tắt máy, nhắm mắt lại trong chốt lát và hít một hơi thật sâu. "Tôi vẫn nhớ cảm giác khoan khoái tột độ ấy, giống như tôi vừa rũ bỏ một gánh nặng khỏi lưng mình". Rust nhìn lên tháp đồng hồ Kremlin, lúc đó là 6h43, gần 5 tiếng rưỡi kể từ khi cậu rời Helsinki.
Ngày 4/9/1987, sau 3 ngày xét xử, Tòa án Liên Xô tuyên phạt Rust 4 năm tù giam. Đến ngày 3/8/1988, 2 tháng sau khi hai nhà lãnh đạo Reagan và Gorbachev nhất trí về hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm trung tại châu Âu, Xô-viết Tối cao đã ra lệnh phóng thích Rust như là một cử chỉ thiện chí với phương Tây.