Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ 4)

Chủ nhật ngày 30/12/1973, tại khu ngoại ô giàu có của Luân Đôn, trước mặt quản gia tòa biệt thự của Joseph Sieff - một trong những doanh nhân Do Thái thành công và có tầm ảnh hưởng nhất ở thủ đô của nước Anh - là một thanh niên lạ mặt với nước da sẫm màu và một khẩu súng trên tay. Kẻ lạ mặt chĩa súng yêu cầu người quản gia dẫn tới chỗ chủ nhân. Ông Sieff, lúc này đang ở trong phòng tắm, nghe tiếng người quản gia gọi, liền ra mở cửa. Ngay lập tức, khẩu súng trên tay kẻ lạ mặt khạc viên đạn 9 ly nhằm thẳng khuôn mặt ông Sieff từ khoảng cách chưa đầy 1 mét. Đó là một trong những vụ tấn công tàn bạo của Carlos “Chó rừng”, cái tên đã khiến phương Tây sợ hãi suốt thập niên 1970.


Kỳ IV: Lẻ loi và hung bạo

Sau cái chết của Haddad, Carlos tự do tiếp cận nhiều chiến dịch của Mặt trận Nhân dân vốn đang chưa có thủ lĩnh. Kế hoạch của Carlos là thành lập một nhóm những trợ thủ có kinh nghiệm có khả năng thực hiện nhiều chiến dịch cùng một lúc. Nhóm này sẽ được các gián điệp "chìm" hỗ trợ và hoạt động tình báo tại chỗ cũng như ra tay hành động khi cần. Carlos tìm cách tuyển mộ các phần tử cực đoan có kinh nghiệm từ Xyri, Thụy Sỹ và Libăng với các thành viên nòng cốt từ Nhóm Cách mạng Tây Đức. Khi đó Carlos đã gặp Magdelana Kopp - một phụ nữ đã ly dị gia nhập Nhóm Cách mạng Tây Đức năm 1970, người sau này trở thành vợ của Carlos.

Magdelana Kopp, vợ và là trợ thủ đắc lực của Carlos "Chó rừng".


Cuộc đời lúc này đã mỉm cười với hắn khi có tổ chức riêng của mình, được sự hậu thuẫn của một số nước Arập và có bạn gái mới. Tất cả những gì hắn cần là một cái tên cho nhóm khủng bố của hắn và Carlos đã chọn tên là "Tổ chức Đấu tranh Vũ trang Arập", do Michel Moukharbal từng gợi ý cho hắn khi còn ở Pari. Khi Carlos gấp rút hoàn tất việc thành lập tổ chức mới, thì CIA và Cục Tình báo nước ngoài và phản gián Pháp (SDECE) tăng cường săn lùng hắn.

Tháng 1/1982, Carlos bắt đầu triển khai kế hoạch tấn công Pháp. Sau khi thiết lập liên minh với nhóm cực đoan Thụy Sỹ, tổ chức của Carlos đã thực hiện phi vụ nhằm vào một nhà máy điện hạt nhân ở miền trung nước Pháp. Đêm 18/11, nhóm này đã nã 5 quả rốckét RPG-7 vào tường ngoài của nhà máy này, tuy nhiên do lớp bê tông quá dày nên loạt rốckét của bọn chúng gây thiệt hại không đáng kể.

Trong khi đó, Kopp cùng một tên khủng bố khác, Breguet, đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ. Nghe tin, Carlos đã viết một lá thư cho Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gaston Deffere yêu cầu thả Kopp và Breguet trong vòng 30 ngày. Tới ngày 15/3, 10 ngày trước thời hạn chót, 5 kg chất nổ đã được kích nổ tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở thủ đô Bâyrút, khiến 5 người bị thương. Bốn ngày trước thời hạn chót, một quả bom trong một vali được đặt trong toa VIP của đoàn tàu Capitole, trên đường từ Pari tới Toulouse, đã phát nổ khiến 5 hành khách thiệt mạng và 30 người khác bị thương. Nhóm Khủng bố Quốc tế đại diện cho Carlos đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công trên. Một cuộc điều tra tiết lộ rằng Thị trưởng Pari và cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac lẽ ra đã lên con tàu đó, song đến phút cuối đã thay đổi lộ trình.

Hiện trường một vụ đánh bom tại Pari do nhóm khủng bố của Carlos thực hiện.


Ngày 5/4, Lữ đoàn Đỏ đã thay mặt Carlos gửi thông điệp khác lên Tòa án La Hay cảnh cáo gia tăng bạo lực nếu Kopp và Breguet không được thả. Và khi những yêu cầu không được đáp ứng, ngày 15/4, Guy Cavallo, một nhân viên Đại sứ quán Pháp tại Bâyrút, cùng người vợ có bầu 7 tháng đã bị bắn chết. Các nhà chức trách cho biết đây là nhân viên cấp thấp của tòa đại sứ, song trên thực tế nhân viên này là nhân viên của SDECE. Tới ngày 21/4, một quả bom khác đã phát nổ ngay bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Viên (Áo) khiến một cảnh sát thiệt mạng. Sáng 22/4, khi Kopp và Breguet bị áp tải tới tòa án, một xe bom đã phát nổ bên ngoài một khách sạn trên đường Marbeuf. Cùng ngày, Magdelana Kopp đã bị tuyên án 4 năm tù giam, còn Breguet nhận bản án 5 năm tù giam.

Hai tuần sau, một quả bom lớn đã phát nổ ngay trong sân Đại sứ quán Pháp ở Bâyrút, khiến 11 người thiệt mạng và 27 người khác bị thương. Nhiều tháng sau đó, Carlos cân nhắc nhiều kế hoạch khác để cứu vợ và Breguet, song không có kế hoạch nào thành công và hai tên này vẫn bị biệt giam trong tù.

Sau vụ tấn công mới nhất, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ Mitterrand đã mất lòng tin vào các tổ chức chống khủng bố hiện hành và kêu gọi thiết lập một đơn vị chống khủng bố mới nhận lệnh trực tiếp từ tổng thống. Tổng thống Mitterrand đã chọn cựu chỉ huy canh sát bán vũ trang Pháp, đại tá Christian Prouteau đứng đầu đơn vị này. Nhiệm vụ của Prouteau là "thực thi các sứ mạng hợp tác, tình báo và tác chiến chống khủng bố". Ngoài ra, ông Mitterrand còn bổ nhiệm Pierre Marion, cựu chỉ huy Cơ quan tác chiến Pháp, làm người đứng đầu SDECE và đổi tên SDECE thành DGSE. Marion đã trình "danh sách tử thần" lên tổng thống, trong đó nhấn mạnh chỉ cần tiêu diệt đối tượng khủng bố: Carlos - Chó rừng.

Lương Tuấn (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ cuối: Vòng vây khép chặt

Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ cuối)
Carlos “Chó rừng” – Cái tên đáng sợ trong thập niên 1970 (Kỳ cuối)

Vài tháng sau, khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Bộ Ngoại giao Mỹ với các quốc gia Đông Âu được nối lại, chủ đề về việc ngăn ngừa khủng bố cũng được nêu ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN