Cái giá phải trả cho ước mơ 'chiến binh thánh chiến'

Giới chức tình báo Mỹ nhận định rằng, các chiến binh nước ngoài đang đổ xô tới Syria với một tốc độ “chưa từng có” khi có tới hơn 20.000 tình nguyện viên trên khắp thế giới đang tới đây để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm cực đoan khác.

Chiến binh thánh chiến người Anh tới Syria.


Người đàn ông đứng nép sát mình vào một góc phố gần đại lộ xuyên qua thủ đô Tunis của Tunisia. Anh ta đội một cái mũ che gần kín cả khuôn mặt, đôi mắt căng thẳng lướt dọc con phố để tìm xem liệu có sự hiện diện nào đó của các chiến binh IS ở đây hay không.

Ghaith là một trong số các thành viên của IS trước khi trốn chạy khỏi Syria một năm về trước và anh đang sợ hãi. Đốt thuốc liên tục, anh mô tả về những vụ giết chóc bừa bãi của IS, việc lạm dụng các nữ chiến binh và về cuộc sống khốn khổ tại các lán trại của IS, nơi bữa ăn chỉ có bánh mỳ, bơ hoặc dầu ăn. “Thực tế hoàn toàn khác so với những gì họ quảng bá về cuộc sống của một chiến binh thánh chiến”, Ghaith tiết lộ, song đề nghị không nói đầy đủ tên họ vì sợ bị trả thù.

Có đến khoảng 15.000 người nước ngoài chiến đấu trong hàng ngũ của IS.


Tới nay, đã có hàng nghìn người nước ngoài trên khắp thế giới tới Syria hay Iraq để gia nhập IS nhưng chỉ khi là một phần của tổ chức, họ mới khám phá ra rằng việc sẽ rút khỏi nhóm khủng bố này khó khăn hơn gấp vạn lần việc trở thành thành viên của nó. Ngay cả khi trốn chạy thành công, những người trở về này cũng bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi bị coi là một mối đe dọa đối với chính IS và quốc gia quê hương của họ.

Hàng nghìn người trở về từ Syria và Iraq hiện đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan an ninh, tình báo phương Tây hoặc đang phải ngồi trong các nhà tù tại Bắc Mỹ và châu Âu. Lý do bị bắt giữ là họ tạo ra các mối đe dọa an ninh với chính phủ, xã hội hoặc đã thực sự trở thành các phần tử khủng bố.

Báo cáo mới nhất từ Trung tâm chống chủ nghĩa khủng bố quốc gia (NCTC) Mỹ công bố ngày 10/2 cho biết trong số các chiến binh nước ngoài tới Syria có ít nhất 3.400 người đến từ các nước phương Tây và hơn 150 người đến từ Mỹ. Phần lớn các tình nguyện viên nước ngoài mới đến Trung Đông gần đây đã gia nhập lực lượng của IS tại Syria và Iraq. Giám đốc NCTC Nicholas Rasmussen cho hay, hiện chưa có con số chính xác “nhưng xu hướng là rõ ràng và đáng ngại. Tốc độ các chiến binh nước ngoài tới Syria là chưa từng có. Nó vượt qua tần suất những người từng tới Afghanistan và Pakistan, Iraq, Yemen hay Somalia tham chiến trong vòng 20 năm qua”. Ông Rasmussen lưu ý: “Các chiến trường tại Iraq và Syria cung cấp cho các chiến binh nước ngoài kinh nghiệm tác chiến, việc huấn luyện về vũ khí và chất nổ, sự tiếp cận các mạng lưới khủng bố - những lực lượng có thể đang lên kế hoạch tấn công phương Tây”.

Ác cảm của công luận đối với những thành phần này càng tăng lên sau vụ các phần tử từng được huấn luyện tại Trung Đông tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris hôm 7/1 khiến 20 người thiệt mạng. Marc Trevidic, một thẩm phán chống khủng bố hàng đầu của Pháp, cho biết: “Những người tìm cách trốn chạy khỏi IS hoặc Mặt trận Al - Nusra (chi nhánh của Al - Qaeda tại Syria) đều phải thực hiện cuộc chạy trốn một cách rất bí mật. Và không phải bất kỳ ai trở về đều trở thành tội phạm”.

Còn trong nhiều trường hợp, những kẻ đào tẩu không có cơ may sống sót. Theo các tài liệu tuyên truyền của IS, các thủ lĩnh sẽ ra lệnh giết chết những ai nghi ngờ không trung thành với chúng và những người muốn tìm cách rời khỏi tổ chức của chúng.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết trong 6 tháng qua, IS đã hành quyết 120 thành viên của tổ chức này và đa số họ là những chiến binh nước ngoài mong muốn trở về nhà. Các tài liệu tuyên truyền của IS cũng tung ra những đoạn băng hình cho thấy tổ chức này đã hành quyết các tay súng phản bội lại IS.

Trong một phóng sự điều tra, hãng thông tấn AP đã phỏng vấn hơn 10 người từng là các chiến binh tham gia IS, cũng như gia đình và luật sư của họ về cuộc sống tại “Vương quốc Hồi giáo” của IS và về việc trốn chạy khỏi tổ chức này. Đa số họ đều đề nghị giấu tên do lo sợ bị trả thù.







Thái Nguyễn

Đón đọc kỳ tới: Những người lạc lối

Nỗi kinh hoàng dưới sự cai trị hà khắc của IS
Nỗi kinh hoàng dưới sự cai trị hà khắc của IS

Tiểu đoàn al-Khansa đáng sợ tuần tra trên đường phố, tìm những người vi phạm luật Hồi giáo Sharia. Các biện pháp trừng phạt gồm đánh bằng roi và sử dụng một dụng cụ tra tấn thời trung cổ như hai hàm sắt đầy gai nhọn, có thể gây đau đớn khôn xiết hay tệ hơn nữa nếu kẹp quanh ngực nạn nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN