Cái chết bí ẩn của một người hùng Liên hợp quốc-Kỳ cuối

HƠN NỬA THẾ KỶ NGHI VẤN

Ngay sau khi thảm kịch xảy ra, một loạt các cuộc điều tra đã được tiến hành, song đáng chú nhất là những bằng chứng của Ủy ban điều tra do nghị sỹ Anh David Lea đứng đầu thực hiện. Nhóm điều tra này phát hiện rằng những thông tin mà phi công nhận được từ đài kiểm soát đều chính xác và không có dấu hiệu rằng thiết bị đo độ cao của máy bay bị hư hỏng, càng hạ cánh được hạ thấp ở vị trí thích hợp và khóa lại, các cánh con của máy bay được lắp đặt đúng vị trí. Nói cách khác, lỗi do phi công như kết luận của cuộc điều tra ban đầu của Rhodesia là không thực sự thuyết phục.

Nhóm tìm kiếm tại hiện trường vụ rơi máy bay.


Ngoài ra, theo Ủy ban điều tra này, có “bằng chứng từ nhiều hơn một nguồn... rằng các lỗ thủng giống các vết đạn được nhìn thấy trên thân máy bay bị bốc cháy”.

Một bài báo của Thời báo New York ngày 20/9/1961 đã dẫn lời Tổng thống Mỹ Harry S. Truman nói với các phóng viên: “Dag Hammarskjold đang trên đường hoàn thành việc gì đó khi họ giết ông ấy. Chú ý tôi nói là ‘khi họ giết ông ấy’”.

31 năm sau tai nạn, năm 1992, hai người từng là các đại diện của LHQ tại Katanga là Conor Cruise O'Brien và George Ivan Smith đã gửi một bức thư cho tờ Guardian nói có bằng chứng rằng chiếc máy bay vô tình bị những tay lính đánh thuê bắn rơi. Người này cho rằng lính đánh thuê đã bắn cảnh cáo với mục đích làm máy bay đổi hướng nhưng lại trúng thân máy bay và làm nó bị rơi.

Năm 1998, Ủy ban hòa giải và sự thật của Nam Phi (TRC) dưới sự chỉ đạo của Tổng giám mục Desmond Tutu, đã cho phát hành các bức thư cho rằng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh Anh (MI5) và tình báo Nam Phi có liên quan trong vụ máy bay của ông Hammarskjold gặp nạn. Văn phòng ngoại vụ Anh sau đó cho biết những lá thư đều là những thông tin không chính xác.

Duy nhất thi thể TTK Hammarskjold không bị bốc cháy trong số các nạn nhân của vụ tai nạn đêm 18/9/1961.


Năm 2005, quan chức LHQ đầu tiên tới hiện trường máy bay rơi, Giám đốc thông tin quân sự của LHQ tại Congo vào năm 1961, ông Bjorn Egge, trả lời phỏng vấn báo Aftenposten rằng ông đã nhìn thấy một lỗ thủng giống như một vết đạn bắn trên trán của TTK Hammarskjold. Tuy nhiên những bức ảnh chụp thi thể Hammarskjold, thi thể duy nhất không bị cháy trong số các nạn nhân, được công bố sau đó đã “xóa sạch” dấu vết này. Ngoài ra, ông Edge cho rằng TTK Hammarskjold đã cố lết khỏi hiện trường khi tay ông còn nắm chặt những ngọn cỏ, lá cây. Qua đó, viên tướng người Na Uy này chắc chắn rằng TTK vẫn còn sống sau vụ tai nạn, và đã bị giết chết sau đó.

Câu hỏi đặt ra là tại sao đến tận thời điểm này, ông Bjorn Egge mới tiết lộ những chi tiết quan trọng đến vậy. Và liệu có thế lực to lớn nào đó đã ngăn cản và che giấu sự thực về thảm kịch hàng không ở châu Phi năm 1961.

Nhiều tác giả đã nghiên cứu và viết về những sự thực lạ lùng của thảm kịch hàng không cướp đi mạng sống của người đứng đầu LHQ bấy giờ Hammarskjold, trong đó có Tiến sĩ người Anh Susan Williams. Năm 2011, 50 năm sau vụ tai nạn, bà đã xuất bản cuốn sách “Ai giết Hammarskjold?”, với giả thuyết đầy thuyết phục rằng máy bay của ông Hammarskjold đã bị lính đánh thuê của nhà nước ly khai Katanga bắn hạ. Bà Williams đặt ra những nghi vấn về các bức ảnh bị giả mạo và khẳng định có những sự thật bị che giấu.

Một bằng chứng quan trọng khác xuất phát từ nhân viên tình báo Mỹ đã về hưu Charles Southall. Buổi sáng trước khi tai nạn xảy ra, Charles Southall đóng quân tại căn cứ của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) ở CH Síp.

Khoảng 9 giờ tối hôm đó, Southall nhận được một cuộc gọi yêu cầu nghe một đoạn phát thanh vì có “điều thú vị” sắp diễn ra. Southall miêu tả việc nghe một đoạn băng ngay trước nửa đêm trong đó có tiếng một phi công: “Tôi thấy một chiếc máy bay vận tải hạ thấp độ cao. Toàn bộ đèn sáng. Phải, đó là Transair DC6. Đó là một chiếc máy bay.”

Southall nghe thấy tiếng như của một phát đạn pháo và rồi: “Tôi đã bắn nó. Nó bốc cháy. Nó đang rơi”. Do CH Sip ở cùng múi giờ với Ndola, Ủy ban điều tra trên kết luận rằng có thể Southall đã thực sự nghe được băng ghi âm từ Ndola.

Cùng năm 2011, nhiều tài liệu tổng hợp các bằng chứng về vụ tai nạn được The Guardian đào xới lại. Một nhân viên cứu hộ Thụy Điển, ông Goran Bjorkdahl, đã tiếp tục cuộc điều tra độc lập về vụ tai nạn mà cha mình, người từng có mặt ở Zambia vào thập niên 1970 đã thực hiện. Ông Bjorkdahl đã phỏng vấn nhiều nhân chứng là những người khai thác than trong vùng, trong đó các nhân chứng khai nhìn thấy một máy bay thứ hai theo sau chiếc “Albertina”.

Ông Bjorkdahl khẳng định không còn nghi ngờ gì về việc chiếc "Albertina" đã bị một máy bay chiến đấu nhỏ hơn bắn hạ.

Một nhân chứng nữa là Dickson Mbewe, (84 tuổi năm 2011) trả lời The Guardian: “Chúng tôi thấy một máy bay nhỏ hơn áp sát máy bay lớn với vận tốc lớn và phát hỏa tạo ra một ánh sáng lóa”. Ông Mbewe còn cho biết khoảng 5 giờ sáng ngày 19 đã đến lò than ở gần hiện trường tai nạn. Ông thấy các binh sĩ và cảnh sát đã giải tán người dân. Theo báo cáo chính thức, đống đổ nát của máy báy chỉ được phát hiện lúc 3 giờ chiều. Có vẻ Ủy ban điều tra của Anh cũng như chính quyền Bắc Rhodesia đã bưng bít thông tin, cũng như phong tỏa hiện trường khá lâu trước khi công bố các thông tin chính thức. Người sống sót duy nhất sau khi chiếc DC6 rơi là Harold Julian vệ sĩ của TTK, từng là một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ. Trước khi chết, Julian nói rằng có một vụ nổ trước khi chiếc máy bay rơi.

Harold được chăm sóc trong một buồng riêng dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ người Anh. Báo cáo chính thức cho hay người này tử vong vì những vết thương nặng. Tuy nhiên, Mark Lowenthal, một bác sĩ điều trị cho Julian tại Ndola, nói với ông Bjorkdahl rằng anh ta có thể được cứu sống nếu được cứu chữa kịp thời.

Rất nhiều nghi vấn xung quanh thảm kịch hàng không ở châu Phi vào năm 1961 chưa được sáng tỏ, và mới đây TTK LHQ Ban Ki Moon đã tuyên bố tái điều tra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của “người hùng” Hammarskjold.

Hạnh Nhân (Tổng hợp)
Cái chết bí ẩn của một người hùng Liên hợp quốc - Kỳ 2
Cái chết bí ẩn của một người hùng Liên hợp quốc - Kỳ 2

Vào tháng 6/1960, CHDC Congo giành được độc lập từ Vương quốc Bỉ. Tuy nhiên, Thủ tướng Patrice Lumumba gần như ngay lập tức đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị khi Thống đốc tỉnh giàu khoáng sản Katanga, Moise Tshombe tuyên bố ly khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN