Cài bẫy Hitler (Kỳ 5)

Tháng 6/1944, những đơn vị tinh nhuệ nhất, xe tăng mạnh nhất của Đức Quốc xã được lệnh tập kết tại khu vực Calais ở miền bắc nước Pháp. Trong khi phát xít Đức chuẩn bị cho một trận sống mái với quân Đồng minh tại Calais thì đối phương lại đổ bộ lên bán đảo Normandy, tiến về Pari, phá tan thế bố trí lực lượng của quân Đức. Tại sao quân Đức lại tập kết ở Calais chứ không phải Normandy? Nguyên nhân không nằm ở sự “ấm đầu” của giới tướng lĩnh Đệ tam Đế chế, mà là bởi họ trúng phải kế sách liên hoàn của quân Đồng minh.

Kỳ 5: Bàn tay của “Treasure”

Điệp viên “Treasure”.

Đầu năm 1944, tổng binh lực của quân Đức tại Pháp hùng hậu hơn nhiều so với lực lượng đổ bộ của quân Đồng minh lên Normandy. Nếu quân Đức tập trung tại Normandy, hành động đổ bộ của quân Đồng minh chắc chắn sẽ vấp phải trở ngại rất lớn. Nhằm tránh rơi vào tình cảnh khó khăn đó, quân Đồng minh tìm mọi cách để giữ chân quân Đức ở Calais. Các điệp viên hai mang, trong đó có “Treasure” (Kho báu - mật danh của nữ đặc vụ MI5 Nathalie Sergueiew), được tận dụng tối đa để làm cho Béclin tin rằng Calais mới là hướng tác chiến chính.

Sergueiew sinh năm 1912 tại Nga, nhưng lại học ở Pari và sau đó nhập quốc tịch Pháp. Nhờ năng khiếu bẩm sinh, lại có thời gian dài rong ruổi khắp các nước châu Âu, nên Sergueiew thông thạo nhiều ngoại ngữ, gồm: Tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức. Từ rất sớm, Sergueiew đã có ý định làm việc cho người Anh. Tuy nhiên, trước khi Sergueiew liên hệ với MI5, tổ quốc của cô rên xiết dưới gót giầy của quân xâm lược Đức.

Nhờ thân phận nhà báo, Sergueiew lọt vào mắt của các nhà tuyển mộ Abwehr. Sau cái gật đầu đồng ý, Sergueiew bắt đầu làm việc cho Abwehr và được điều sang Mađrít hoạt động. Trước đó, Abwehr đã huấn luyện cho Sergueiew những kỹ năng cơ bản của một điệp viên như cách sử dụng mực mật, điện đài, phương pháp phát hiện theo dõi, cắt đuôi cũng như những dấu hiệu phân biệt quân phục cùng trang bị của quân đội các nước Đồng minh.

Tại Mađrít, Sergueiew làm quen với một người bạn Mỹ. Biết được ý nguyện của Sergueiew, người bạn này liền giúp cô liên hệ với Đại sứ quán Anh ở Tây Ban Nha. Sau khi gặp được người có trách nhiệm ở Đại sứ quán Anh, Sergueiew bộc bạch luôn thân phận đặc biệt của mình cũng như những nhiệm vụ được Abwehr giao. Như bắt được vàng, MI5 lập tức sắp xếp để Sergueiew bay sang Luân Đôn. Trải qua một loạt cuộc kiểm tra nghiêm ngặt, Sergueiew trở thành điệp viên MI5, hoạt động dưới mật danh “Treasure”. Nhờ Sergueiew, người Anh có được một lượng lớn thông tin tình báo về phát xít Đức.

Sau khi đổ bộ lên bờ biển Normandy, quân Đồng minh bắt đầu triển khai đội hình đánh thọc sâu vào đất liền.

Nhằm làm cho Béclin tin tưởng về sự có mặt của một “đội quân khổng lồ” thuộc lực lượng Đồng minh ở nước Anh, chuẩn bị cho việc tấn công Calais, MI5 đã dày công xây dựng cho Sergueiew “vở kịch tình yêu”. Qua thư mật, Sergueiew thông báo cho Abwehr rằng một sĩ quan tham mưu ở Bộ Tư lệnh quân Mỹ đang chết mê chết mệt mình. Anh chàng si tình rất hay kể chuyện đơn vị cho người yêu nghe. Từ sự vô tình hở mồm đó, Sergueiew đã lấy được thông tin về nơi đóng quân của một số đơn vị quân đội Mỹ. Đương nhiên, qua sự “mớm đút” của MI5, những gì mà Sergueiew cung cấp cho Abwehr đều hướng tới việc chứng minh sự có mặt của “quân đoàn 1” dưới sự chỉ huy của Tướng Patton tại Dover.

Tuy nhiên, tính tình gàn giở, ương bướng của Sergueiew cũng khiến MI5 đau đầu. Các quan chức MI5 khi đó đã gọi Sergueiew là “người phụ nữ thất thưởng và không ngừng gây rắc rối”. Trong một văn kiện mật được công bố ngày 5/7/2001, MI5 còn cho biết Sergueiew thậm chí chút nữa đã làm đổ bể Chiến dịch Bá vương, khiến công sức cả triệu người trở thành “xôi hỏng bỏng không”. Điều đáng nói là lý do khiến Sergueiew định “trở mặt” lại đến từ một con chó.

Cuối năm 1943, từ Gibraltar, Sergueiew bay sang Luân Đôn và mang theo chú chó yêu tên là Frisson. Xuất phát từ việc phòng ngừa bệnh dại, ở Anh khi đó có quy định động vật nhập cảnh phải cách ly 6 tháng. Xuống sân bay, Sergueiew buộc phải chia tay với Frisson và điều này khiến Sergueiew nổi xung, thậm chí còn đe dọa không hợp tác với người Anh nữa. Tuy bắt đầu nghi ngờ độ tin cậy của Sergueiew, nhưng MI5 vẫn cho rằng vai trò quan trọng của Sergueiew là không thể thay thế, đặc biệt trong bối cảnh D-Day đến gần.

Thông qua Sergueiew, một gián điệp được Abwehr tin cậy lại có quan hệ mật thiết với Hermann Goering, một nhân vật thuộc giới chóp bu phát xít, quân Đồng minh mới có thể đánh lừa được quân Đức. Ngoài “vở kịch tình yêu”, Sergueiew gửi về cho Abwehr một số thông tin cực kỳ quan trọng là việc khẳng định quân Đồng minh sẽ đổ bộ lên Calais. Sau đó, quân Đức đã điều động chủ lực đến làm nhiệm vụ phòng thủ ở Calais và để lại lực lượng khá mỏng yếu ở Normandy.

Ngày 17/5/1944, nghĩa là cách D-Day chưa đầy một tháng, theo lệnh của Abwehr, Sergueiew sang Lixbon nhận điện đài liên lạc. Đúng lúc đó, Sergueiew nhận được tin Frisson đã chết. “Bà chằn” liền nổi trận lôi đình, nói với đặc vụ chỉ đạo Marie Sherer rằng: “Tôi sẽ phá hỏng sự kiện này (đổ bộ lên Normandy) và bảo cho người Đức biết những thông tin đã cung cấp cho họ đều là giả”. Các quan chức Anh đã rất lo lắng. May mắn thay, Sergueiew đã không thực hiện đòn báo thù cho Frisson. Dẫu vậy, người Anh không còn dám tin Sergueiew nữa. Sau khi Chiến dịch Bá vương mở màn được một tuần, MI5 chính thức sa thải Sergueiew ra khỏi ngành cùng tuyên bố của Đại tá Robertson: “Chúng tôi không cần cô nữa. Hãy tìm nơi khác có thể phát huy nhiều hơn”.Chia tay với người Anh, Sergueiew trở về Pari sinh sống và mất ở đó. Năm 1968, Sergueiew cho xuất bản cuốn hồi ký của mình, công khai trách mắng, gọi những nhà lãnh đạo MI5 là “găngxtơ”. Đây cũng là chuyện hi hữu trong làng tình báo.

Gia Hân (Tổng hợp)
Cài bẫy Hitler kỳ cuối:
Cài bẫy Hitler kỳ cuối:

Sáng 6/6/1944, nhận được tin báo Normandy bị tấn công, Rommel không kịp hôn từ biệt vợ, vội vàng lên đường sang Pháp. Chín giờ tối hôm đó, Rommel mới có mặt ở Bộ Tư lệnh mặt trận phía tây ở St-Germain-en-Laye, thuộc ngoại ô Pari.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN