Cài bẫy Hitler (kỳ 2)

Tháng 6/1944, những đơn vị tinh nhuệ nhất, xe tăng mạnh nhất của Đức Quốc xã được lệnh tập kết tại khu vực Calais ở miền bắc nước Pháp. Trong khi phát xít Đức chuẩn bị cho một trận sống mái với quân Đồng minh tại Calais thì đối phương lại đổ bộ lên bán đảo Normandy, tiến về Pari, phá tan thế bố trí lực lượng của quân Đức. Tại sao quân Đức lại tập kết ở Calais chứ không phải Normandy? Nguyên nhân không nằm ở sự “ấm đầu” của giới tướng lĩnh Đệ tam Đế chế, mà là bởi họ trúng phải kế sách liên hoàn của quân Đồng minh.

Kỳ 2: Quyết định của COSSAC


Thành phố Largs (North Ayrshire, Xcốtlen), ngày 28/6/1943. Hoàng hôn chạng vạng. Thi thoảng lại có một đoàn xe bóng lộn đỗ xịch trước khách sạn Hollywood thâm nghiêm. Bước xuống đều là những vị khách trong bộ quân phục uy nghi, cân đai mũ áo chỉnh tề. Nhìn những gương mặt đầy nghiêm túc cũng có thể đoán ra rằng họ đến Largs không phải để vui tiệc chiêu đãi hay náo nhiệt trong cảnh vũ hội.

Những vật cản quân Đức tạo ra trên bãi biển Normandy.

Quả đúng vậy! Họ đến Largs để tham dự Hội nghị RATTLE do Đại tướng hải quân Anh, Huân tước Louis Mountbatten chủ trì. Hội nghị tổ chức tại tổng hành dinh căn cứ huấn luyện các chiến dịch liên hợp ở Largs nhằm xác định địa điểm đổ bộ cho việc mở mặt trận thứ hai đưa quân Đồng minh trở lại châu Âu đại lục. Tham dự hội nghị, về phía Anh có hơn 20 tướng lĩnh lục quân, 11 nguyên soái và tư lệnh không quân cùng 8 đô đốc và 22 thiếu tướng hải quân; phía Mỹ có 15 tướng lĩnh và phía Canađa có 5 sĩ quan cao cấp.


Trước đó, vào tháng 1/1943, quân Đồng minh, trong đó có Anh và Mỹ đã thành lập Bộ Tham mưu Tối cao Quân viễn chinh châu Âu (COSSAC) và vạch Chiến dịch Bá vương, vượt Eo biển Manche, tấn công đánh chiếm châu Âu đại lục. Nhưng đến tháng 5/1943, quân Đồng minh mới chính thức quyết định đổ bộ lên châu Âu đại lục vào tháng 5/1944 để mở mặt trận chống phát xít thứ hai. Hành động của quân Đồng minh là nhằm phối hợp với Hồng quân Liên Xô ở phía đông, tạo thế gọng kìm áp chế để nhanh chóng đánh bại phát xít Đức. Nhưng nó cũng xuất phát từ thực tế là trên chiến trường lúc này, Hồng quân Liên Xô không những đánh cho quân Đức tan tác, đuổi chúng ra khỏi lãnh thổ, mà còn đang trực chỉ về hướng Béclin.


Tại hội nghị, Mountbatten đã thông báo quyết định của lãnh đạo cấp cao Anh-Mỹ và yêu cầu các đại biểu thảo luận về địa điểm đổ bộ trong Chiến dịch Bá vương. Nguyên tắc lựa chọn, theo Mountbatten, phải thỏa mãn các điều kiện cơ bản: 1/ Nằm trong bán kính hoạt động của các loại máy bay chiến đấu cất cánh từ những sân bay ở Anh; 2/ Quãng đường phải đi của các loại tàu tham gia chiến dịch đổ bộ càng ngắn càng tốt; 3/ Gần khu vực đổ bộ phải có cảng lớn.


Tướng Eisenhower nói chuyện với binh sĩ sư đoàn đổ bộ đường không 101 trước giờ lên đường: “Không gì khác, ngoài chiến thắng hoàn toàn!” - “Full victory – Nothing else”.

Với những điều kiện Mountbatten đưa ra, trên tuyến bờ biển dài 480 km từ Flushing (Vlissingen) của Hà Lan tới Cherbourg của Pháp chỉ có ba địa điểm tương đối thích hợp là Contentin, Calais và Normandy, đều thuộc lãnh thổ Pháp. Trong đó, nếu xét về khoảng cách, Calais là điểm gần nhất, từ Anh sang chỉ khoảng 33 km và lại gần lãnh thổ Đức. Tuy nhiên, Calais lại đang được trấn giữ bởi quân đoàn số 15, lực lượng chủ lực của quân đội Đức. Công sự trận địa phòng ngự của quân Đức ở đây rất kiên cố lại được xây dựng trên địa hình dễ phòng thủ, khó tấn công. Hơn nữa, gần Calais không có cảng lớn nào và thiếu đường giao thông trên bộ, không có lợi cho việc phát triển chiến đấu sau khi đổ bộ.


Về phần Contentin, nó bị các đại biểu phủ quyết ngay từ đầu vì bán đảo này địa hình nhỏ hẹp, không thể tiến hành chiến dịch đổ bộ quy mô lớn. Cuối cùng, Normandy được đặt lên bàn cân. Tuy cách Anh tương đối xa, nhưng Normandy có lợi thế là phòng ngự của quân Đức ở đây tương đối mỏng yếu, địa hình rộng, có thể triển khai liền một lúc 30 sư đoàn. Quan trọng hơn, Normandy chỉ cách cảng Cherbourg cảng lớn nhất ở miền bắc nước Pháp khoảng 80 km.


Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí lựa chọn địa điểm đổ bộ là bán đảo Normandy. Quyết định của COSSAC đã nhận được sự đồng thuận của ba “ông Lớn” khi đó, gồm: Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill tại Hội nghị Têhêran (Iran, từ 28/11 đến 1/12/1943). Sau đó, Đại tướng lục quân Mỹ Dwight Eisenhower được bổ nhiệm làm Tư lệnh Tối cao quân Đồng minh và Nguyên soái Bernard Montgomery là Tư lệnh tiền phương.


Tuy nhiên, để đổ bộ thành công lên Normandy, hàng loạt vấn đề phải giải quyết. Trước hết là phải làm sao ngăn chặn được quân tăng viện của Đức cho Normandy. Ở Normandy, quân Đức chỉ bố trí 6 sư đoàn, nhưng theo tính toán, chỉ cần ba ngày là chúng có thể điều động tới đây từ 20-30 sư đoàn đóng ở các khu vực xung quanh, trong đó có 7-8 sư đoàn thiết giáp, để tham gia phản kích. Nếu khả năng này xảy ra, việc chiến dịch đổ bộ lên Normandy chuốc phải thất bại là có thể khẳng định. Vậy phải làm thế nào?


COSSAC quyết định phải sử dụng tối đa sức mạnh của không quân tiến hành oanh tạc phá hủy các mục tiêu đường sắt, đường bộ ở vùng tây bắc nước Pháp, phong tỏa các tuyến giao thông đến Normandy để lực lượng tăng viện của Đức có muốn cũng không thể đến Normandy được. Nhưng quan trọng hơn là những công việc tiến hành dưới mặt đất. Đó là một loạt các biện pháp ngụy trang, đánh lừa, làm cho Bộ Chỉ huy Thống soái của Đức tin rằng quân Đồng minh sẽ không đổ bộ lên Normandy. Nhiệm vụ nặng nề đặt trên vai lực lượng tình báo quân Đồng minh.

Gia Hân (Tổng hợp)

Cài bẫy Hitler kỳ cuối:
Cài bẫy Hitler kỳ cuối:

Sáng 6/6/1944, nhận được tin báo Normandy bị tấn công, Rommel không kịp hôn từ biệt vợ, vội vàng lên đường sang Pháp. Chín giờ tối hôm đó, Rommel mới có mặt ở Bộ Tư lệnh mặt trận phía tây ở St-Germain-en-Laye, thuộc ngoại ô Pari.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN