Các nhà khoa học đoạt Nobel Kinh tế trong những năm qua

Năm 1999: Nhà kinh tế người Canađa Robert Alexander Mundell đã được trao giải Nobel Kinh tế với công trình phân tích về chính sách tiền tệ tài khóa trong cơ chế tỷ giá hối đoái khác nhau cũng như nghiên cứu về khu vực tiền tệ tối ưu.

Ba nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2001.


Trước khi đoạt giải Nobel, Mundell đã nổi tiếng trong giới nghiên cứu kinh tế vì những đóng góp liên quan đến lý luận về động học tiền tệ, khu vực tiền tệ tối ưu, cũng như về tư tưởng kinh tế học trọng cung. Với công trình nghiên cứu này, ông đã đặt nền móng cho lý thuyết về chính sách thực tiễn trong lĩnh vực tài khóa và tiền tệ ở các nền kinh tế mở. Nghiên cứu của ông về động học tiền tệ và khu vực tiền tệ tối ưu đã lôi cuốn nhiều thế hệ các nhà kinh tế sau này đào sâu nghiên cứu.

Năm 2000: Hai nhà kinh tế Mỹ James J. Heckman và Daniel L. McFadden giành giải Nobel Kinh tế nhờ những nghiên cứu trong lĩnh vực toán kinh tế vi mô. Hai nhà kinh tế đã độc lập phát triển lý thuyết và các phương pháp tính được sử dụng rộng rãi trong phân tích thống kê về hành vi của cá nhân, hộ gia đình.

Công trình nghiên cứu của hai nhà kinh tế đã giúp giải quyết các vấn đề cơ bản phát sinh trong phân tích thống kê các dữ liệu vi mô. Các phương pháp phân tích mà hai nhà kinh tế phát triển đã tạo nền tảng vững chắc trong lý thuyết kinh tế. Các phương pháp này hiện là các công cụ chuẩn, không chỉ được các nhà kinh tế mà còn các nhà khoa học xã hội sử dụng rộng rãi.

Hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2004.


Năm 2001: Ba nhà kinh tế Mỹ gồm George A. Akerlof, A. Michael Spence và Joseph E. Stiglitz đã đoạt giải Nobel Kinh tế 2001 với công trình phân tích các thị trường với những thông tin không nhất quán.

Nhiều thị trường có những thông tin không nhất quán: Mỗi cá nhân tham gia thị trường nắm bắt thông tin ở mức độ khác nhau. Người vay tiền biết nhiều hơn người cho vay thông tin về khả năng trả nợ của họ, nhà quản lý và hội đồng quản trị biết nhiều hơn cổ đông thông tin về lợi nhuận của công ty… Công trình đoạt giải Nobel của ba nhà kinh tế đã đặt nền móng cho một lý thuyết chung về những thị trường với thông tin không nhất quán và là nòng cốt của kinh tế thông tin hiện đại ngày nay. Nghiên cứu này được ứng dụng phổ biến từ các thị trường nông nghiệp truyền thống đến các thị trường tài chính hiện đại.

Năm 2002: Hai nhà kinh tế Mỹ Vernon Smith và Daniel Kahneman đã được trao giải Nobel Kinh tế 2002 với công trình về ảnh hưởng của tâm lý tới quyết định chi tiêu của người dân và những bằng chứng thực nghiệm từ thập kỷ 1960 đến nay.

Nghiên cứu này đã vạch ra một hướng mới đối với quan hệ giữa hai ngành khoa học vốn rất ít liên quan là tâm lý học và kinh tế học. Công trình của Daniel Kahneman đã lôi cuốn một thế hệ mới các nhà nghiên cứu kinh tế và tài chính, giúp làm giàu thuyết kinh tế sử dụng những hiểu biết từ tâm lý dẫn đến động cơ bên trong con người. Công trình của Vernon Smith là phương tiện giúp thiết lập các thực nghiệm, công cụ cần thiết cho việc phân tích kinh tế thực nghiệm.

Năm 2003: Hai nhà khoa học gồm Rober F. Engle (người Mỹ) và Clive W. J. Granger (người Anh) giành giải Nobel Kinh tế năm 2003 nhờ xây dựng được các mô hình chuỗi thời gian cho công tác dự báo tăng trưởng kinh tế.

Những mô hình do nhà kinh tế Engle xây dựng không chỉ là cẩm nang gối đầu giường cho các nhà nghiên cứu mà còn là công cụ hữu ích đối với các chuyên gia tài chính dùng để dự báo biến động giá tài sản, rủi ro. Trong khi đó, sự bổ sung của nhà toán học Granger với các mô hình chuỗi thời gian không bền vững đã tạo cơ sở cho các nhà kinh tế điều chỉnh mục tiêu dài hạn trên cơ sở dữ liệu ngắn hạn. Nghiên cứu của hai ông đã giúp cải thiện chất lượng nghiên cứu kinh tế trong nhiều lĩnh vực như tiêu dùng, tỷ giá hối đoái…

Năm 2004: Hai nhà kinh tế gồm Edward C.Prescott (người Mỹ) và Finn Kydland (Na Uy) đã được trao giải Nobel Kinh tế 2004 vì công trình nghiên cứu những tác động của chính sách kinh tế mà các chính phủ áp dụng, đặc biệt là của nền kinh tế Mỹ, đối với chu kỳ kinh doanh toàn cầu.

Theo nghiên cứu của hai nhà kinh tế này, sự ổn định hay dao động của chính sách kinh tế vĩ mô quốc gia tác động mạnh mẽ không chỉ ở đầu tư của các công ty mà còn ảnh hưởng lớn tới cả tiêu dùng của từng hộ gia đình. Nhờ những kết quả nghiên cứu này, các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn rõ hơn về ảnh hưởng của chính sách tiền tệ và tài khoá đối với nhu cầu của nền kinh tế, từ đó giúp chính phủ tránh những rủi ro do "sốc" về cầu.
Những nghiên cứu của hai ông cũng giúp các nhà kinh tế nhận biết được những lực lượng chính đứng đằng sau và tác động vào chu kỳ kinh doanh. Vượt xa hơn những gì Nhà kinh tế học Keynes đã đặt nền móng, cách phân tích và nghiên cứu của Finn Kydland và Edward Prescott có cách tiếp cận thực tế, chính xác và cụ thể hơn.

Năm 2005: Hai nhà kinh tế người Mỹ là Robert J.Aumann (gốc Ixraen) và Thomas C.Schelling đã được trao giải Nobel Kinh tế 2005 nhờ sử dụng thành công "lý thuyết trò chơi", hay lý thuyết ra quyết định trong các điều kiện tương tác chiến lược, để giải thích nguồn gốc xung đột và hợp tác giữa các quốc gia, cá nhân và tổ chức.

Công trình của hai nhà khoa học đã giúp giải thích các mâu thuẫn kinh tế như cạnh tranh về giá cả và các cuộc chiến tranh thương mại, cũng như giúp làm sáng tỏ tại sao một số cộng đồng lại thành công hơn những cộng đồng khác trong việc quản lý các nguồn vốn chung. Những công trình của họ đã vượt xa khỏi ranh giới của kinh tế học và góp phần chuyển hóa các môn khoa học xã hội khác.

(Còn nữa)

Quang Tuyến (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN