Bốn cuộc khủng hoảng đang gây rắc rối cho châu Âu

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/5 tại Riga, thủ đô của Latvia, đã không đưa ra được những kết quả cụ thể lớn nào, nhất là về dự án mở rộng EU. 

Người dân Hy Lạp chờ lĩnh lương tại Ngân hàng Trung ương ở thủ đô Athens.


Các nước thành viên EU đã tỏ ra thận trọng hơn đối với khả năng kết nạp thêm sáu nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Ukraina, Georgia, Moldova, Azerbaijan, Belarus và Armenia. Dù không quan chức cao cấp nào nói ra lý do một cách công khai nhưng có thể thấy nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng Ukraina và quan hệ với nước Nga. Ngoài ra, hiện EU đang phải đối mặt với bốn cuộc khủng hoảng gây rắc rối cho châu Âu.

Hy Lạp: Nguy cơ Eurozone bị thu hẹp

Điều có thể nhìn rõ nhất là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và các câu hỏi liên quan tới vấn đề Hy Lạp. Dù Hy Lạp và nhóm bộ ba - EU, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - có đạt được thỏa thuận hay không thì không ai có thể nói về kết quả cuối cùng liên quan khả năng Hy Lạp ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong đó phải nhắc đến sự "thất thường" của chính trường Hy Lạp. Đến nay, Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, vẫn không đưa ra được các cam kết cải cách như một sự đảm bảo cho phép các chủ nợ khơi thông nguồn vốn cần thiết tránh cho Athens phá sản. 

Dường như lãnh đạo mới của Hy Lạp đang dùng chiến thuật “câu giờ” để ép EU với mục tiêu rõ ràng là: Buộc các đối tác mở van tín dụng để tránh xảy ra kịch bản Hy Lạp ra khỏi Eurozone (Grexit). Tuy nhiên, chiến thuật này của Hy Lạp đang bị "phản đòn" bởi tác động của khả năng Grexit đang ngày một ít đi dù nó vẫn sẽ là một cú sốc lớn. Nếu Grexit xảy ra, nó sẽ là bước lùi đầu tiên của EU kể từ khi thành lập, trong khi từ nhiều năm qua EU vẫn luôn tiến về phía trước dù trên con đường đó có nhiều gập ghềnh và cũng đã có những điểm dừng.

Brexit: Nguy cơ của một châu Âu bất ổn

Một nguy cơ nữa đối với EU là khả năng nước Anh ra khỏi EU với kịch bản có tên "Brexit". Nếu kịch bản này xảy ra thì sẽ là nghiêm trọng hơn cả tác động của Grexit. Thủ tướng tái đắc cử của Anh David Cameron đã ra điều kiện để giữ nước Anh lại EU, trong đó có việc thắt chặt các điều kiện để tiếp cận với thị trường lao động và trợ cấp xã hội cho người nhập cư trong nội bộ châu Âu. 

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Francois Hollande (phải) tại Paris ngày 28/5, Thủ tướng Anh Cameron kêu gọi ban lãnh đạo EU cần có sự "linh hoạt lớn" trong mối quan hệ với Anh.


Tóm lại, Anh muốn áp đặt một hạn chế về di chuyển tự do của người dân trong khi đây lại là một trong bốn nguyên tắc cơ bản của EU gồm tự do hàng hóa, vốn và các dịch vụ. Đối với Pháp và Đức, những điểm này là không thể thương lượng. Thủ tướng Cameron chắc chắn sẽ cố gắng thuyết phục nhưng nếu thất bại thì nguy cơ với EU sẽ trở nên rõ ràng hơn vì ông Cameron đã hứa tổ chức trưng cầu dân ý trong năm 2017 về việc tiếp tục ở lại EU. Như vậy, Brexit cũng là một nguy cơ có thể đẩy lùi EU.

Hungary: Nguy cơ đi chệch khỏi những nguyên tắc cơ bản của châu Âu

Một vấn đề khác đang khiến EU bối rối là việc Chính phủ Hungary của Thủ tướng Viktor Orban đang tiến hành các biện pháp hướng đến nền độc tài với việc thông qua các cải cách khắc nghiệt về luật pháp, truyền thông và kinh tế. Thậm chí Thủ tướng Viktor Orban còn đe dọa sẽ áp dụng trở lại án tử hình ở Hungary, trong khi châu Âu cấm án tử hình theo các điều 1bis và 7 của Hiệp ước Lisbon. Quan điểm và chính sách của Thủ tướng Hungary đang đặt ra hai câu hỏi lớn cho EU là: Phải làm gì với một nước thành viên mà không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của sự cùng tồn tại của Liên minh?

Italy: Nguy cơ của một châu Âu mất đoàn kết trước vấn nạn người di cư

Bi kịch của người di cư ở Địa Trung Hải và tranh chấp về hạn ngạch nhận người tị nạn đang là thử thách lớn đối với sự đoàn kết của EU. Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã tuyên bố nhiều lần rằng một mình nước này không thể giải quyết "thảm kịch" người nhập cư và cho đến nay đất nước "hình chiếc ủng" vẫn chưa tìm thấy sự đoàn kết trong phản ứng về vấn đề nhập cư của các quốc gia thành viên EU. Trong trường hợp này, tinh thần châu Âu đang bị suy giảm trước các tính toán chính trị và ích kỷ của mỗi quốc gia.

Người di cư được cứu trong chiến dịch cứu hộ của hải quân Italy ngày 7/6.


Trong thế kỷ 20, châu Âu từng bị chia rẽ trong hai cuộc chiến tranh thế giới nhưng đã liên kết thành một EU lớn mạnh. Nhưng sau 70 năm hòa bình, giờ đây EU lại đối mặt với các nguy cơ tan rã trong thế kỷ 21 với kịch bản có tên "Euroxit".
Việt Sơn (Theo tạp chí Challenge)
Thảo luận tình hình Biển Đông tại Nghị viện châu Âu
Thảo luận tình hình Biển Đông tại Nghị viện châu Âu

Nhiều đại biểu đã quan ngại sâu sắc với những diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông liên quan đến các hành động đơn phương của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN