Bí mật vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki-kỳ cuối

Khói “đẩy” thần chết đến Nagasaki


Phi hành đoàn được phổ biến nhiệm vụ trước lúc nửa đêm ở ngay tại nhà ăn, ăn bữa sáng trước khi lên đường và ra máy bay lúc 1 giờ sáng. Trục trặc đầu tiên xuất hiện khi Thượng sĩ John D. Kuharek báo cáo với Sweeney rằng nhiên liệu vẫn chưa được bơm vào bình dự trữ ở khoang chứa bom phía sau của Bockscar. Tổng dung tích chứa của các bình nhiên liệu trên máy bay là 27.405 lít, trong đó 2.268 lít được chứa ở bình dự trữ.


Sweeney leo xuống máy bay và trao đổi với Tibbets. Tibbets trả lời Sweeney rằng không cần nhiên liệu ở bình dự trữ, việc đó chỉ cần thiết khi người ta cần giữ thăng bằng với khối lượng của quả bom lắp ở khoang chứa bom phía trước. Thế là chiếc Bockscar mang theo quả bom “Fat Man” lăn bánh trên đường băng và cất cánh trong bóng đêm vào lúc 3 giờ 49 sáng với thùng chứa nhiên liệu dự trữ rỗng không.


Bockscar hiện được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Không quân Mỹ.


Trong chiến dịch Hiroshima, quả bom không được chuyển sang tư thế sẵn sàng cho đến tận khi máy bay đã ở trên không. Đối với quả bom “Fat Man”, người ta không làm như thế được vì quá phức tạp. Tuy nhiên, một số mạch điện để điều khiển nổ ở mũi quả bom đã được ngắt bởi hai chốt an toàn màu xanh. Sau khi Bockscar đã cất cánh khỏi mặt đất và trước khi nó đạt đến độ cao ổn định, Ashworth mở cánh cửa ngăn giữa khoang lái và khoang chứa bom, tháo hai chốt màu xanh ra, và thay bằng hai chốt màu đỏ. Quả bom đã sẵn sàng dội xuống mục tiêu.


Đám mây hình nấm bốc lên từ Nagasaki hôm 9/8/1945.


Tuy nhiên, Kokura “tiếp” chiếc Bockscar bằng những đám khói khá dày bốc lên từ dưới mặt đất. Đây là hệ quả của vụ không kích bằng bom cháy của các máy bay B-29 diễn ra hai đêm trước đó nhằm vào một nhà máy thép ở Yawata.


Khi Sweeney bay đến điểm đầu tiên để bắt đầu ném bom, một số mốc chỉ thị mục tiêu trên mặt đất như một vài con phố và tòa nhà đã hiện rõ trước mặt. Sweeney nghĩ đây là cơ hội tốt để quan sát mục tiêu, kho vũ khí Kokura. Điều này cực kỳ quan trọng bởi việc đánh phá mục tiêu phải được thực hiện bằng mắt thường chứ không phải bằng rađa. Kermit Beahan, phi công làm nhiệm vụ cắt bom, phải quan sát thấy mục tiêu để đảm bảo quả bom được ném trúng mục tiêu, nhưng Beahan không thể nhìn thấy mục tiêu ném bom ở lần chuẩn bị ném đầu tiên cũng như ở hai lần sau.


Nếu cứ dùng dằng ở Kokura, Bockscar sẽ không còn đủ nhiêu liệu để bay về Okinawa, địa điểm đặt sân bay gần nhất của Mỹ, Sweeney chuyển hướng sang mục tiêu phụ, Nagasaki, cách đó khoảng 174 km về phía tây nam và ở cùng hướng với Okinawa.


Nagasaki tan hoang sau vụ ném bom.


Nagasaki là một cảng quân sự lớn, một trong những trung tâm đóng tàu lớn nhất của phát xít Nhật và cũng là nơi đặt một số nhà máy lớn của công ty Mitsubishi chuyên sản xuất ngư lôi, vũ khí và trang thiết bị chiến tranh. Thành phố nằm ở đầu một vịnh dài, với những quả đồi chạy dài quanh vịnh che chắn cho khu dân cư sinh sống tập trung ở thung lũng sông Urakami nằm cách đó gần 3 km về hướng bắc.


Hai chiếc máy bay Bockscar và Great Artiste tiếp cận được mục tiêu vào 11 giờ 50 theo giờ ở Tinian. Lúc này, các đám mây dày đặc đang bao phủ khắp bầu trời Nagasaki gây khó khăn cho việc ném bom.


Bockscar chỉ còn đủ nhiên liệu cho một lần lấy đà ném bom và Sweeney dự định sẽ không bỏ lỡ cơ hội này. Sweeney trao đổi nhanh với Ashworth và đề xuất ném bom bằng rađa, trái với dự kiến ban đầu. Ashworth nhất trí với ý định đó.


Hai mươi lăm giây trôi qua, cánh cửa khoang thả bom được mở ra, một khoảng trống giữa các đám mây xuất hiện và Beahan reo lên: “Tôi trông thấy nó rồi! Tôi trông thấy nó rồi!”, Sweeney ngay lập tức chuyển cho Beahan điều khiển máy bay. Đã quá muộn để ném bom xuống điểm ngắm ban đầu, bến tàu nằm ở mé đông của bến cảng, vì thế Beahan nhanh chóng lấy một điểm ngắm mới ở thung lũng công nghiệp.


Khi quả bom rơi tự do, Sweeney ngoặt máy bay đột ngột một góc 155 độ sang bên trái để tạo ra một khoảng cách giữa Bockscar và sóng xung kích tạo ra từ vụ nổ. Quả bom phát nổ ở độ cao 576 m phía trên thung lũng Urakami. Khi cột sóng xung kích lan tới vị trí mà Bockscar thả bom thì chiếc máy bay này đã ở cách đó hơn 21 km.


Đám mây hình nấm vươn cao tới 13.716 m. Địa điểm vụ nổ nằm giữa nhà máy sản xuất thép và vũ khí Mitsubishi và nhà máy quân nhu Urakami. Cả hai nhà máy đều bị phá hủy trong vụ nổ này. Khu vực chính của thành phố ở mé bên kia của các quả đồi đỡ bị thiệt hại hơn. Tổng cộng có khoảng 40.000 người bị chết ngay tại chỗ. Theo các chuyên gia quân sự, tác động về mặt quân sự có thể lớn hơn và số người chết có thể thấp hơn nếu quả bom nguyên tử thứ hai này được ném xuống Kokura, chứ không phải là Nagasaki.


Sau khi chứng kiến cảnh Nagasaki chìm trong khói bụi, Sweeney điều khiển máy bay nhằm hướng sân bay Yontan trên đảo Okinawa thẳng tiến. Đây là sân bay gần họ nhất, cách khoảng 630 km. Bockscar bắn tất cả pháo hiệu mà nó còn, bao gồm pháo hiệu báo “máy bay đã cạn nhiên liệu”, “chuẩn bị đâm xuống”, và “thương vong trên máy bay”. Đường băng được dọn quang và Sweeney tiến hành một cú hạ cánh nhọc nhằn, khi đó, lượng nhiên liệu chỉ còn hơn 26 lít.


Những người theo đường lối cứng rắn trong giới quân sự Nhật phản đối việc đầu hàng, nhưng Đại tướng Korechika Anami, Bộ trưởng Chiến tranh, thừa nhận rằng, Mỹ có thể có 100 quả bom nguyên tử và “mục tiêu tiếp theo có thể là Tôkyô”. Không còn sự lựa chọn nào khác, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vào ngày 15/8/1945.


Hai quả bom nguyên tử của Mỹ có thể đã góp phần quyết định cho việc Nhật tuyên bố đầu hàng, nhưng hành động tội ác này mãi mãi bị nhân dân Nhật Bản và loài người tiến bộ lên án.



Khánh Chi (tổng hợp)

Bí mật vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki - Kỳ 1
Bí mật vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki - Kỳ 1

Việc ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima (Nhật Bản) được Mỹ đánh giá là “sứ mệnh nguyên tử” hoàn hảo. Tuy nhiên, phi vụ ném bom nguyên tử thứ hai lại gặp trục trặc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN