Bí mật về một điệp viên Ixraen trên đất Mỹ

Bí mật về một điệp viên Ixraen trên đất Mỹ - Kỳ cuối: Kết cục dành cho điệp viên bị bỏ rơi

Kỳ cuối: Kết cục dành cho điệp viên bị bỏ rơi

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Ixraen không cứu điệp viên Jonathan Jay Pollard. Lý do cho hành động này hiện vẫn chưa được công bố rộng rãi nhưng nhiều người cho rằng Ixraen sẽ gặp rắc rối lớn trong quan hệ ngoại giao nên đã quyết định không cho vợ chồng Pollard tị nạn. Một cách giải thích khác là Pollard và Anne lẽ ra đã được cho trú ẩn tại đại sứ quán và đưa lên máy bay tới Ixraen nếu vị Đại sứ Meir Rosenne có mặt.

Bộ trưởng Liên lạc Ixraen Limor Livnat thăm Pollard tại nhà tù Butner năm 1997.

Thật không may cho họ, lúc đó Rosene đang ở Pari (Pháp). Elyakim Rubinstein được giao quyền phụ trách và ông này không hề biết gì về kế hoạch hỗ trợ Pollard. Sau này, Rubinstein trở thành tổng chưởng lý của Ixraen và cũng là một nhân vật mạnh mẽ lên tiếng yêu cầu trả tự do cho Pollard.

Khi Pollard bị bắt, chính phủ Ixraen đã ngay lập tức phủ nhận anh ta hoạt động gián điệp cho mình. Đúng như dự đoán, phía Ixraen đã mở một cuộc điều tra và cuối cùng tuyên bố hành động của Pollard là một "chiến dịch đơn lẻ" mà lãnh đạo cao nhất của nước này không hề hay biết. Đồng thời, họ cũng đồng ý hợp tác với Mỹ và trao trả toàn bộ số tài liệu Pollard đã cung cấp.

Khi biết được sự thật, Pollard đã quyết định khai toàn bộ chi tiết hoạt động gián điệp của mình nhưng vẫn khăng khăng rằng mình không phản bội nước Mỹ mà chỉ là giúp đỡ đồng minh Ixraen. Vợ anh ta, Anne Henderson-Pollard cũng bị xét xử về hai tội danh: "đồng lõa nhận tài sản chính phủ được sử dụng trái phép" và "sở hữu trái phép thông tin quốc phòng".

Mỗi tội danh có mức án tối đa là 5 năm tù giam nhưng cuối cùng chỉ chịu hình phạt cho tội danh thứ nhất. Các luật sư của Pollard đã thỏa thuận với bồi thẩm đoàn rằng thân chủ của họ sẽ nhận tội nếu các thẩm phán không đưa ra hình phạt cao nhất là tử hình. Tại phiên tòa, Pollard đã nhận tội và chịu mức án tù chung thân.

Esther, người vợ sau của Pollard, đang vận động kêu gọi cho chồng được thả tự do năm 1996.


Nhiều người theo dõi phiên tòa đã bị sốc trước mức án dành cho Jonathan Jay Pollard vì trước đó chưa có tiền lệ một điệp viên hoạt động gián điệp cho một quốc gia đồng minh phải chịu án tù quá 14 năm. Đương nhiên khối lượng tài liệu mật Pollard lấy đi là quá lớn nhưng bản án có vẻ như không thỏa đáng cho lắm. Một trong những lý do là các thành viên bồi thẩm đoàn trước khi xử án đã nhận được bản cáo buộc dài 46 trang giấy của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Casper Weinberger về thiệt hại mà Pollard đã gây ra. Những từ ngữ trong bản cáo buộc đó được lựa chọn kỹ càng và khiến cho hành động của Pollard càng thêm vẻ nghiêm trọng.

Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, Pollard được đưa tới bệnh viện nhà tù liên bang tại thành phố Springfield, bang Missouri, ở cùng với nhiều "bạn tù" đang có bệnh tâm lý nặng gần 1 năm. Sau đó, anh ta được chuyển sang nhà tù tại thành phố Marion, bang Illinois. Nhà tù Marion được coi là nhà tù an ninh nhất và mỗi tù nhân hàng ngày chỉ được ra khỏi buồng giam 1 giờ đồng hồ.

Anne Henderson-Pollard ngồi tù được 3 năm 4 tháng và đã được tạm tha vào tháng 3/1990. Cuối năm đó, Pollard đã gửi đơn ly dị cho cô.

Đến tận bây giờ, làn sóng yêu cầu Mỹ trả tự do cho Pollard vẫn tiếp tục lan rộng.


Có một điều không ngờ đã xảy đến với Pollard trong thời gian thụ án. Một người Do Thái theo dòng chính thống mang quốc tịch Canađa ủng hộ Pollard, cô Esther Zeitz, thường xuyên thư từ qua lại và họ đã phải lòng nhau. Mặc dù chưa tổ chức lễ cưới chính thức nhưng họ tự coi nhau là vợ chồng. Cô gái bắt đầu sử dụng cái tên Esther Zeitz-Pollard.

Vụ án gián điệp của Jonathan Jay Pollard đến nay vẫn là một chủ đề nóng hổi. Năm 1988, Ixraen cuối cùng đã công khai thừa nhận Pollard là điệp viên của mình và xác nhận quyền công dân cho anh ta. Các quan chức cao nhất của Ixraen đã tới thăm Pollard trong nhà tù ở Mỹ và làn sóng kêu gọi thả tự do cho Pollard ngày một lan rộng.

Tuy nhiên, cộng đồng tình báo Mỹ phản đối quyết liệt việc giảm án hoặc trả tự do cho Pollard với lý do tài liệu anh ta cung cấp cho Ixraen hết sức nhạy cảm và nước Mỹ phải lấy đó làm gương cho những người khác có ý định theo bước Pollard.

Hiện nay Pollard đang thụ án trong trại cải tạo liên bang ở thành phố Butner, bang Bắc Carolina. Mái tóc hớt cao ngày nào đã không còn mà thay vào đó là cái đầu hói. Với những sợi tóc điểm bạc, Pollard hiện giờ mang dáng vẻ của một gã híppi cổ điển. Và cho dù ngủ hay thức, anh ta ngày nào cũng dành nhiều thời gian mơ về cuộc sống tại đất nước Ixraen.

Quang Minh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN