Bí mật tàu ngầm gián điệp của Hải quân Mỹ

Liệu Hải quân Mỹ có sử dụng một tàu ngầm trị giá nhiều tỷ USD để nghe lén các cuộc gọi điện thoại và thư điện tử (email) theo danh nghĩa của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA)? Điều này là có thể.


Rất nhiều tàu ngầm gián điệp bí mật của Hải quân Mỹ, gần đây nhất là một “gã khổng lồ” chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên USS Jimmy Carter, trong hàng chục năm qua đã thâm nhập vào vùng biển gần các quốc gia đối thủ để thu thập thông tin tình báo về quân đội, các lực lượng nổi dậy và khủng bố bằng cách sử dụng một loạt các thiết bị tinh vi, bao gồm cả thiết bị đặc biệt để khai thác cáp thông tin liên lạc dưới đáy biển.

Mỹ từng sử dụng tàu ngầm để theo dõi các đối thủ thời Chiến tranh Lạnh.


Trước khi NSA bị cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tố giác và tiết lộ về các chương trình giám sát điện thoại, Internet nhằm vào các công dân Mỹ và châu Âu, giới báo chí chính thống ít quan tâm đến những chiếc tàu ngầm lặn sâu dưới đáy biển. Nhưng sau tiết lộ của Snowden năm 2013, một số tờ báo như Huffington Post của Mỹ và Der Spiegel của Đức đã suy đoán rằng tàu ngầm Jimmy Carter đã hỗ trợ NSA giám sát các phương tiện thông tin liên lạc của các công dân ở Mỹ và châu Âu. Tờ Huffington Post viết: "Có vẻ như chiếc tàu ngầm này đã tham gia vào hoạt động theo dõi châu Âu".

Tàu Jimmy Carter được cải tiến từ tàu ngầm lớp Seawolf, do công ty General Dynamics Electric Boat ở Connecticut xây dựng từ năm 1998 đến năm 2004, gần như chắc chắn được sử dụng vào việc khai thác cáp thông tin ngầm dưới đáy biển, nơi truyền tải nhiều cuộc điện thoại và kết nối Internet của thế giới.

Tàu ngầm Jimmy Carter.


Theo yêu cầu của Hải quân Mỹ, Electric Boat đã mở rộng ở phần giữa thân tàu Jimmy Carter thêm 30m khiến cho nó đội giá lên gần 1 tỷ USD. Ông Christy Hagen, một phát ngôn viên Hải quân Mỹ, đã từ chối bình luận về những thay đổi này. Nhưng Owen Cote, một chuyên gia về tàu ngầm tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết việc mở rộng thân Jimmy Carter có khả năng cho phép các thợ lặn, robot và máy móc di chuyển ra vào cũng như thu hồi các thiết bị dưới đáy biển hoặc mang các thiết bị theo dõi và trang bị giám sát khác.

Do đó, trên lý thuyết, tàu Jimmy Carter có thể khai thác cáp quang dưới đáy biển - theo Norman Polmar, nhà phân tích hải quân và là cố vấn cho chính phủ Mỹ về chiến lược xây dựng tàu ngầm. "Bạn có thể gắn một thiết bị nào đó vào dây cáp và một tháng sau quay trở lại, lấy thiết bị ghi âm đó mang về phân tích”, ông Polmar nói.

Ông Cote lại cho rằng nghe lén dưới nước có lẽ là không cần thiết: "Tôi không nghĩ rằng Mỹ cần phải sử dụng Jimmy Carter để làm điều đó. Nó sẽ là một sự lãng phí”. Vị chuyên gia này cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, sẽ là dễ dàng hơn cho NSA theo dõi thông tin liên lạc của người Mỹ trên mặt đất, với sự đồng ý của các nhà cung cấp điện thoại và Internet.

Nhưng cách đây không lâu, chiếc tàu ngầm tiền nhiệm của tàu Jimmy Carter đã tham gia vào việc nghe trộm dưới biển nhằm chống lại các đối thủ thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ. Biện pháp nghe lén này diễn ra khi mà công nghệ chưa phát triển và Washington không có nhiều cách nghe lén thông tin liên lạc.

"50, 60 năm trước, đây là phương pháp thu thập thông tin tình báo tốt nhất", ông Polmar nói về các tàu ngầm nghe trộm. Trước tàu Jimmy Carter, đã có các tàu ngầm sửa đổi Halibut, Seawolf và Parche, được trang bị thiết bị đặc biệt để theo dõi và tiếp cận các mục tiêu dưới đáy biển, bao gồm những dây cáp thông tin liên lạc. Parche, chiếc tàu ngầm cuối cùng thực hiện nhiệm vụ này, đã ngừng hoạt động vào năm 2004, ngay khi tàu Jimmy Carter đã sắp chế tạo xong.

Năm 1968, Lầu Năm Góc từng điều tàu ngầm Halibut đến Thái Bình Dương dò tìm xác một tàu ngầm Liên Xô bị đắm vì tai nạn. Tàu Halibut kéo theo hơn 5 km cáp cùng nhiều camera đã phát hiện xác tàu ngầm Liên Xô ở độ sâu 5 km dưới biển sau ba tuần xảy ra tai nạn. Và sau đó, một tàu trục vớt do CIA điều hành đã vớt được con tàu này.

Những năm 1970, hai tàu ngầm hạt nhân Seawolf và Parche của Mỹ còn thực hiện sứ mạng nguy hiểm hơn khi thâm nhập các căn cứ hải quân của Liên Xô ở khu vực Bắc Cực để tiếp cận các tuyến cáp ngầm.

Hai tàu ngầm này di chuyển dưới Bắc Cực ở tốc độ chỉ vài km/giờ để tránh băng trôi, né tránh tàu của Liên Xô và để khó bị phát hiện. Sau đó các tàu ngầm Mỹ đã gắn các thiết bị đặc biệt lên đường cáp thông tin, ghi lại mọi tín hiệu truyền qua đường cáp. Nhờ vậy mà Washington biết rõ các hoạt động của Hải quân Xô Viết.

Năm 1980, một cựu nhân viên NSA tên là Ronald Pelton đã phản bội khi tố với Liên Xô hoạt động nghe lén của tàu ngầm Mỹ để đổi lấy khoảng 35.000 USD. Pelton bị bắt vào năm 1986, bị kết án và nay vẫn còn trong nhà tù liên bang. Sau vụ bại lộ này, việc nghe trộm điện thoại dưới biển trở nên khó khăn hơn cho Mỹ. "Mọi người bây giờ biết rằng đó là một năng lực công nghệ mà Mỹ có, và do đó họ tăng cường giám sát bảo vệ", ông Polmar nói.

Khi CHDCND Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc vào năm 2010, tàu ngầm Jimmy Carter được cho là đã có mặt ở gần đó và phóng đi 1 máy bay không người lái loại nhỏ để chụp hình những thiệt hại. Năm 2013, tàu Jimmy Carter được đưa vào xưởng để bảo trì ở bang Washington.

Hiện tàu ngầm Jimmy Carter đã quay lại phục vụ Hải quân Mỹ, và chắc chắn sẽ tiếp tục nhiệm vụ bí mật của nó là trinh sát do thám dưới nước. Nhưng chiếc tàu này có lẽ sẽ không nghe lén điện thoại và các cuộc hội thoại qua Internet. Lý do là sẽ quá nguy hiểm để chống lại lực lượng quân sự đối phương và không cần thiết để giám sát công dân Mỹ.

Công Thuận (Theo R.C.D)
Lầu Năm Góc lo Nga phát triển tàu ngầm không người lái
Lầu Năm Góc lo Nga phát triển tàu ngầm không người lái

Lầu Năm Góc đã bày tỏ sự lo ngại trước việc Nga phát triển tàu ngầm không người lái, có thể mang đầu đạn cỡ siêu lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN