Bí mật “siêu” kim cương 13 tỷ bảng Anh

Được khai thác năm 1100, Koh - i - Noor đến nay vẫn được xem là viên kim cương đắt giá nhất thế giới, với trị giá ước tính lên đến 13 tỷ bảng Anh (hơn 18 tỷ USD). Gắn liền với viên “siêu” kim cương này là một lời nguyền nhiều huyền bí và những câu chuyện khó tin.

"Siêu" kim cương Koh - i - Noor trị giá 13 tỷ bảng Anh.


Cách đây 155 năm, trong một lần thiết triều của Nữ hoàng Anh Victoria, một chú bé 9 tuổi mang trình một món quà. Cậu bé này là Duleep Singh, người cai trị cuối cùng của tiểu vương quốc Punjab thuộc tiểu lục địa Ấn Độ, và món quà khiến vị tiểu vương phải vượt quãng đường 4.200 dặm đến nước Anh chính là viên kim cương Koh - i - Noor.

Với tổng trọng lượng 186 carat, viên “siêu” kim cương được đặt tên là Koh - i - Noor có nghĩa là “Sơn Quang” hay “Núi ánh sáng” trong tiếng Ba Tư. Đây không phải là một viên kim cương bình thường, một vị hoàng đế Mughal đã miêu tả rằng, “Koh - i - Noor có trị giá bằng một nửa chi tiêu hàng ngày của tất cả người dân trên toàn thế giới”.

Chính Tổng lãnh chúa Dalhousie, người vạch ra chính sách nô dịch của tiểu vương quốc Punjab trong cuộc chiến Sikh lần thứ 2 vào năm 1849, đã ra lệnh cho Hoàng tử Duleep phải tìm cách triều cống viên kim cương Koh - i - Noor để lấy lòng người Anh. Trong một lá thư gửi cho một người bạn vào năm 1849, một vị Phó vương Ấn Độ có viết: “Động tác (triều cống viên kim cương Koh - i - Noor) chỉ đơn giản là nhằm bày tỏ lòng thành kính đối với Nữ hoàng Victoria và viên kim cương Koh - i - Noor là món quà vô giá mà chỉ có Nữ hoàng Anh mới xứng đáng là chủ nhân đích thực của nó”.

Nữ hoàng Anh Victoria với vương miện có đính viên “siêu” kim cương Koh - i - Noor.

Thực ra, việc dùng viên “siêu” kim cương Koh - i - Noor làm món quà triều cống là nhằm mục đích thuyết phục người Anh viện trợ cho Ấn Độ đánh lại các Pharaôn Ai Cập và Hoàng đế La Mã. Việc Koh - i - Noor trở thành chiến lợi phẩm chiến tranh cũng đã cho thấy thời vàng son của chủ nghĩa thực dân Anh ở Nam Á và sự hùng mạnh của đế quốc Anh trên bước đường chinh phục thế giới.

Viên kim cương huyền thoại Koh - i - Noor được khai thác năm 1100 tại khu vực Golconda ở miền nam bang Andhra Pradesh của Ấn Độ ngày nay, với kích thước ban đầu bằng quả trứng gà nhỏ.

Năm 1851, khi Koh - i - Noor được đưa ra giới thiệu tại một cuộc đại triển lãm ở Anh, có nhiều ý kiến cho rằng viên “siêu” kim cương đã bị giảm ánh hào quang lộng lẫy.Vì thế, Quận công Albert, chồng của Nữ hoàng Victoria, sau đó đã bỏ ra 8.000 bảng Anh để cắt lại viên “siêu” kim cương Koh - i - Noor, khiến trọng lượng của nó giảm còn 105 carat. Tiếp đó, Koh - i - Noor được đính lên vương miện của Nữ hoàng Anh. Sau Nữ hoàng Victoria, Hoàng hậu Elizabeth đã đội vương miện có gắn “siêu” kim cương Koh - i - Noor trong lễ đăng quang của chồng – Vua George VI năm 1937 và đến lượt Nữ hoàng Elizabeth II khi bà lên ngôi ngày 2/6/1953.

Không phải ngẫu nhiên mà “siêu” kim cương Koh - i - Noor được gắn lên vương miện dành cho các nữ hoàng Anh. Đã có một lời nguyền rằng, bất kỳ người đàn ông nào mang viên kim cương này đều có một kết cục thảm thương, chỉ có Thượng đế hoặc những người phụ nữ mới có thể mang nó mà không bị trừng phạt.

Lần giở các trang sử, hồi thế kỷ 16, Hoàng đế Mughal đầu tiên là Babur từng là chủ nhân của Koh - i - Noor đã bị đuổi ra khỏi vương quốc và phải sống lưu vong. Người kế vị Babur là Shah Jahan đã đặt viên “siêu” kim cương lên chiếc ngai vàng chim công tại triều đình và cuối đời, vị vua này đã bị chính con trai mình giam giữ. Hay như tiểu vương Duleep Singh, sau khi tận tay triều cống Koh - i - Noor cho người Anh, đã được nhận khoản “trợ cấp” tương đương 50.000 bảng Anh/năm, nhưng cuối cùng đã chết trong nghèo đói ở thủ đô Pari hoa lệ vào năm 1893.

Tính đến nay, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đương nhiệm là chủ sở hữu viên “siêu” kim cương Koh - i - Noor lâu nhất. Koh - i - Noor được bảo quản cẩn mật trong Tháp Luân Đôn như một phần trong bộ sưu tập châu báu của Hoàng gia Anh.

Thanh Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN