Bí mật đằng sau mối quan hệ Mỹ-Cuba

Bí mật đằng sau mối quan hệ Mỹ-Cuba - Kỳ 1: Yếu tố tác động tới quan điểm của Kennedy

Sau thất bại thảm hại trong chiến dịch tấn công vào bãi biển Giron tháng 4/1962 và những trải nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân tháng 10/1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy dường như nhận thấy rằng ý định thay đổi chế độ ở Cuba thông qua những cuộc tấn công quân sự trực tiếp là không sáng suốt và bắt đầu tính tới một loạt phương án chiến thuật khác có thể đáp ứng được những lợi ích chiến lược của nước Mỹ. Trong một loạt sự lựa chọn được đưa ra bàn thảo, Tổng thống Kennedy đã chấp nhận khai thác một cách cẩn trọng và kín đáo một thỏa hiệp tạm thời với chính phủ Cuba…

Kỳ 1: Yếu tố tác động tới quan điểm của Kennedy

Ngay sau khi cuộc khủng hoảng Tháng Mười được Mỹ và Liên X
ô giải quyết êm thấm, Tổng thống Kennedy nhận thấy rằng một thỏa thuận với Cuba nếu đạt được sẽ tạo điều kiện cho chính phủ Mỹ thực hiện ý định xây dựng một bầu không khí hòa bình với Liên Xô vào thời điểm đó. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu tìm kiếm kênh tiếp xúc với La Habana, Tổng thống Kennedy rất muốn tìm hiểu xem phía Cuba sẵn sàng nhượng bộ đến đâu trong trường hợp hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng nhận thấy quyết định của Liên Xô rút tên lửa hạt nhân khỏi lãnh thổ Cuba mà không tham khảo ý kiến trước đã khiến cho lãnh đạo Cuba không hài lòng và đây có thể là cơ hội đáng để Mỹ khai thác.

Tổng thống Mỹ J F.Kennedy (trái) và cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy.


Ông Arthur M. Schesinger, cố vấn riêng của Kennedy sau này đã tiết lộ trong một cuốn sách rằng những suy nghĩ của Tổng thống đã thay đổi đáng kể sau những gì xảy ra tại Cuba hồi tháng 10/1962 (cuộc khủng hoảng tên lửa). Vào thời điểm đó, đối với Kennedy, một thế giới mà các quốc gia đe dọa lẫn nhau bằng tên lửa hạt nhân không những là phi lý mà còn là một thế giới không thể chịu đựng nổi. Chính vì vậy, Cuba đã gợi mở một cảm giác rằng thế giới này có một mối quan tâm chung về việc tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân và mối quan tâm đó còn hơn cả những lợi ích quốc gia và ý thức hệ mà vào một thời điểm nào đó tưởng như là những yếu tố sống còn.

Trong một bài phát biểu tháng 6/1963 ở trường Đại học Americana, Tổng thống Kennedy đã kêu gọi xây dựng một nền hòa bình trên thế giới và kiến nghị xem xét lại những hành động của Mỹ đối với Liên Xô. Ông khẳng định, không có một quốc gia nào trong lịch sử lại phải chịu đựng như Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai và cho rằng nếu hai bên không thể xóa bỏ những khác biệt thì chí ít cũng có thể cùng nhau giữ được sự đa dạng của thế giới bởi vì xét cho cùng thì tất cả đều có mối liên hệ là sống trên cùng một trái đất, cùng hít thở một bầu không khí và cùng đấu tranh vì tương lai của các thế hệ mai sau.

Tàu chiến và máy bay của Mỹ ở áp sát lãnh hải Cuba trong vụ khủng hoảng tên lửa tháng 10/1962.

Ngay sau đó, Mỹ và Liên Xô đã ký hiệp định về việc cấm thử vũ khí hạt nhân, thiết lập được một đường dây nóng liên lạc trực tiếp giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin trong trường hợp khẩn cấp, qua đó tạo ra được một bầu không khí bớt căng thẳng hơn giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong suốt năm 1963. Và tất cả những quyết định trên đều có tác động rất lớn trong chính sách của Mỹ đối với Cuba.

Ngày 11/4/1963, Gordon Chase, thư ký của Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy đã gửi cho Bundy một bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh rằng tất cả các nhân vật chóp bu trong chính quyền Mỹ đều quan tâm giải quyết vấn đề Cuba nhưng đến thời điểm đó thì hầu hết những người này đều muốn giải quyết bằng những “hành động xấu xa” công khai hoặc bí mật và quên đi một phương thức khác là “kéo Fidel Castro một cách từ từ về phía Mỹ”. Chase đưa ra nhận định của mình rằng nếu thực hiện thành công nước cờ “xích lại gần Cuba một cách hòa bình” thì những lợi ích đối với nước Mỹ là vô cùng lớn. Tuy nhiên, Chase cũng đề cập tới hai yếu tố có thể cản trở mong muốn tìm kiếm một sự thỏa hiệp tạm thời giữa chính quyền của Tổng thống Kennedy và Cuba: Sự phản đối của các thế lực cực hữu ngay trong nội bộ nước Mỹ và khả năng Fidel Castro từ chối lời đề nghị từ phía Mỹ.

Những gì Chase đề xuất trên thực tế chỉ là một cách khác để thực thi chính sách của Mỹ đối với Cuba, một phương thức mềm dẻo và linh hoạt hơn. Nhưng rõ ràng là mục tiêu cuối cùng của chính sách đó vẫn không hề thay đổi: Tước đi nguyên tắc chủ quyền của Cuba về chính sách đối ngoại trong ngắn hạn, đặc biệt là trong mối quan hệ với Liên Xô và sự ủng hộ đối với các phong trào cách mạng ở Mỹ Latinh, và về lâu dài là triệt tiêu cách mạng Cuba, điều này phù hợp với những lợi ích cơ bản của Oasinhtơn. Lịch sử sau này cũng đã chứng minh rằng Tổng thống Kennedy đã đồng ý khai thác khả năng này.

Hoài Nam (Theo Rebelion)

Đón đọc kỳ 2: Tìm kiếm kênh liên lạc

Bí mật đằng sau mối quan hệ Mỹ- Cuba - Kỳ cuối: Chủ quyền không phải để thương lượng
Bí mật đằng sau mối quan hệ Mỹ- Cuba - Kỳ cuối: Chủ quyền không phải để thương lượng

Cuối cùng nổi lên một câu hỏi thường lặp đi lặp lại trong giới nghiên cứu của thời kỳ này, đó là liệu đã có thể đạt tới những bước đi chắc chắn hơn trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba nếu không xảy ra vụ ám sát Kennedy?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN