Bí mật bức phù điêu trước tổng hành dinh CIA (kỳ 1)

Ai cũng biết Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) với nguồn ngân sách khổng lồ và hoạt động khắp nơi trên thế giới là nơi nắm giữ nhiều bí mật của nhân loại. Nhưng có một bí mật nằm ngay trước cổng tòa nhà Tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia, suốt 20 năm qua vẫn khiến các nhân viên tình báo tài ba nhất của tổ chức này đau đầu.

Kỳ 1: Lịch sử ra đời của “Kryptos”

Thật ra từ lâu bức phù điêu “Kryptos” đặt trước cửa Tổng hành dinh của CIA vẫn là bài toán hóc búa đối với mọi chuyên gia giải mã trên khắp thế giới. Đây là một công trình nghệ thuật được thiết kế như là biểu trưng của lịch sử ngành mật mã nói riêng và hoạt động thu thập thông tin tình báo nói chung. Trung tâm của tác phẩm là một miếng kim loại bằng đồng cao khoảng 3 mét được uốn cong hình chữ S dựng đứng, đặt ngay ở cổng ra vào chính của tòa nhà, trên bề mặt được khắc các ký tự của bảng chữ cái La Mã. Sử dụng nhiều phương pháp mã hóa khác nhau, James Sanborn - cha đẻ của công trình nghệ thuật này – đã để lại bốn thông điệp bí ẩn phía sau các ký tự vô hồn, với chủ ý “ở CIA, ngay cả một vật trang trí cũng là điều bí ẩn”.

Toàn cảnh bức phù điêu tại trụ sở CIA.

Trước khi tòa nhà mới của Tổng hành dinh CIA được hoàn thiện vào năm 1991, ban lãnh đạo tổ chức này muốn có một công trình nghệ thuật vừa làm tăng vẻ đẹp kiến trúc tổng thể của tòa nhà, vừa thể hiện được tính chất công việc của tổ chức tình báo lớn nhất thế giới. Vậy là một khoản ngân sách trị giá 250.000 USD đã được cắt ra để mời chào các kiến trúc sư hàng đầu tham gia đóng góp ý tưởng. Sau một thời gian chọn lựa, năm 1988 đề án “Kryptos” (tiếng Hy Lạp có nghĩa là “ẩn”) của Sanborn, khi đó mới 47 tuổi, đã giành được sự ủng hộ cao của hội đồng xét duyệt.

Sanborn sinh ra ở thủ đô Oasinhtơn, có bằng cao học chuyên ngành Mỹ thuật tại Viện Pratt – một trong những trường đại học hàng đầu về nghệ thuật của Mỹ. Các tác phẩm của ông chủ yếu làm từ đá và các chất liệu liên quan, và đều toát lên vẻ bí hiểm và sức mạnh của thiên nhiên.

Một đoạn trong bức mật mã.

Với “Kryptos”, sau khi bỏ thời gian nghiên cứu hàng đống sách về tình báo và mật mã, Sanborn quyết định lấy chủ đề chính là sự hình thành của thông tin qua các thời đại, thể hiện qua hiệu ứng chất liệu và ẩn ý của các con chữ. Để mã hóa bản thông điệp, Sanborn còn nhờ sự giúp đỡ của Ed Scheidt - một chuyên gia bậc thầy về mật mã của CIA, cùng một người khác là một nhà văn nổi tiếng đương thời. Tuy nhiên, sau khi làm chủ được các nội dung cơ bản về ngành mật mã học, Sanborn quyết định tự mình hoàn tất phần còn lại của “Kryptos”, và đó là một lý do tại sao công trình nghệ thuật này đến nay vẫn là một bí mật mà chỉ cha đẻ của nó mới có chìa khóa để giải.

Khi được khai trương năm 1990, “Kryptos” đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu đặt ra trong ý tưởng ban đầu. Từ ngoài cổng tòa nhà đi vào, quần thể kiến trúc này gây ấn tượng ngay lập tức với hai phiến đá granit, một đứng một nằm, có bề ngoài xù xì gợi lên hình ảnh những trang giấy nhô lên từ mặt đất. Ở giữa là một miếng đồng hình chữ S, được khắc họa bằng những ký tự của bảng mật mã Morse và các ký tự mật mã cổ. Cả quần thể nằm soi bóng trên một bể nước sủi bọt quanh năm.

Theo ý đồ của tác giả, phiến đá đứng biểu tượng cho cây cối một thời từng mọc trên mảnh đất ngày nay tòa nhà tọa lạc. Gỗ cũng là nguyên liệu để tạo ra giấy cho nhân loại lưu trữ thông tin. Bể nước sủi bọt biểu tượng cho sự lan truyền của thông tin mà đích đến không được xác định. Còn miếng đồng chữ S có thể được coi là biểu tượng của lịch sử ngành mật mã học.

Trên mặt trái của miếng đồng là hai thông điệp với 869 ký tự được sắp xếp sử dụng phương pháp mã hóa Vigenere do nhà mật mã học người Pháp Blase de Vigenere tạo ra ở thế kỷ 16. Phương pháp này thay thế các ký tự trong một bản thông điệp bằng cách áp dụng các thứ tự khác nhau của một bảng chữ cái, với một từ là “từ khóa”. Tuy nhiên, trong một lần trả lời phỏng vấn hồi tháng 4/2006, Sanborn tiết lộ vẫn còn một ký tự nữa không được khắc trên miếng đồng một cách có chủ ý. Điều này có nghĩa là trên mặt trái của miếng đồng có tới 870 ký tự. Trên mặt phải của miếng đồng cũng là hai thông điệp với ngần ấy ký tự; một được khắc với những ký tự giống như ở mặt trái, phần còn lại sử dụng phương pháp mã hóa trong đó hoán vị các ký tự hoặc thay đổi vị trí của chúng tùy theo chủ đích của người viết.

Vũ Hội  (Tổng hợp)

Bí mật bức phù điêu trước tổng hành dinh CIA (kỳ cuối)
Bí mật bức phù điêu trước tổng hành dinh CIA (kỳ cuối)

Từ đó đến nay, tác phẩm của Sanborn luôn là một bài toán hóc búa không chỉ đối với các nhân viên CIA, những người ra vào tòa nhà hàng ngày, mà đối với tất cả các nhân viên thuộc các cơ quan trong và ngoài Chính phủ Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN