Bí ẩn vụ nổ gây chấn động Tunguska

Bí ẩn vụ nổ gây chấn động Tunguska - Kỳ cuối: “Thủ phạm”- thiên thạch hay sao chổi?

Có nhiều giả thiết lý giải nguyên nhân dẫn đến vụ nổ Tunguska như: Nổ đĩa bay, hố đen, phản vật chất, bom H tự nhiên, nhưng nhiều nhà khoa học nhất trí với giả thiết rằng vào buổi sáng ngày 30/6/1908, một khối đá vũ trụ lớn, bề ngang khoảng 36,5 mét lao vào bầu khí quyển vùng Siberia và phát nổ trên không trung.

Vật thể lạ lao xuống Trái Đất trong vụ nổ Tunguska có dạng hình ống.


Người ta ước tính rằng, tiểu hành tinh đó lao xuống trái đất với vận tốc khoảng 53.913 km/h. Trong quá trình bay, thiên thạch có trọng lượng 99 triệu tấn này đốt nóng không khí xung quanh nó lên đến trên 24.7040C. Lúc 7 giờ 17 phút sáng (giờ Siberia), ở độ cao khoảng 8.534 mét, áp suất và nhiệt độ cao khiến tiểu hành tinh vỡ vụn ra và tự bốc cháy, tạo thành một quả cầu lửa và phát ra một lượng năng lượng tương đương khoảng 185 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.

Một giả thiết khác cho rằng, sở dĩ có hiện tượng đó là bởi một thiên thạch hay một mảnh của sao chổi bị nổ trong không trung ở độ cao cách bề mặt trái đất từ 5 - 10 km. Mặc dù phần lớn các thiên thạch hay mảnh sao chổi có kích thước nhỏ sẽ bị bốc cháy hết trước khi rơi xuống bề mặt Trái Đất, nhưng vẫn có những mảnh có kích thước lớn không bị cháy hết và rơi xuống Trái Đất. Năng lượng tạo ra từ một vụ nổ như vậy tương đương với từ 10 - 20 triệu tấn thuốc nổ TNT, mạnh hơn gấp 1.000 lần quả bom ném xuống thành phố Hiroshima, hay tương đương với quả bom Castle Bravo, quả bom hạt nhân có sức công phá lớn nhất mà nước Mỹ từng thử nghiệm.

Quang cảnh sau vụ nổ.


Vụ nổ Tunguska khiến cho 80 triệu cây cối trên một phạm vi rộng 2.150 km2 bị đổ rạp. Một bức ảnh chụp từ vệ tinh được tiến hành sau đó gần một thế kỷ cho thấy một vùng rừng thưa thớt, trong đó một khu vực rộng gần 1 km2 bị phát quang một cách khác thường.

Năm 1930, nhà thiên văn học người Anh F.J.W. Whipple cho rằng vật thể rơi xuống Tunguska là một sao chổi nhỏ. Mảnh vỡ của sao chổi với thành phần cấu tạo chủ yếu là băng và bụi có thể đã bị bay hơi hoàn toàn dưới tác động của khí quyển Trái Đất, không để lại dấu vết gì. Giả thiết sao chổi tiếp tục được củng cố bởi hiện tượng bầu trời rực sáng trong vài buổi tối mà người dân ở khắp châu Âu đã quan sát thấy sau khi xảy ra sự kiện này.

Năm 1978, nhà thiên văn học người Xlôvakia Lubor Kresak nêu giả thiết rằng, vật thể đó là một mảnh của sao chổi Encke, nguyên nhân gây ra cơn mưa sao băng Beta Taurid; sự kiện Tunguska diễn ra trùng với giai đoạn đỉnh điểm của cơn mưa sao băng đó. Giờ đây, người ta biết rằng những vật thể kiểu như thế thường phát nổ ở độ cao cách bề mặt Trái Đất từ hàng chục đến hàng trăm km. Các vệ tinh quân sự đã ghi lại được những vụ nổ này trong nhiều thập kỷ.

Năm 1983, nhà thiên văn học Zdenek Sekanina công bố một bài báo bác bỏ giả thiết sao chổi. Ông lý luận rằng, một vật thể có thành phần cấu tạo vật chất của sao chổi, bay qua khí quyển theo một quỹ đạo hẹp như vậy, đáng ra phải bị đốt cháy hết, trong khi đó vật thể rơi xuống Tunguska vẫn còn nguyên vẹn. Sekanina cho rằng, những bằng chứng cho thấy vật thể này dạng đá, đặc, chắc, có thể có nguồn gốc từ thiên thạch. Lập luận này tiếp tục được củng cố thêm vào năm 2001, khi Farinella, Foschini và một số cộng sự công bố một nghiên cứu cho thấy vật thể đó tới từ hướng vành đai thiên thạch.

Tuy nhiên, nếu “thủ phạm” vụ nổ là thiên thạch thì khi va chạm với Trái Đất, nó phải tạo ra một miệng hố lớn, nhưng người ta không tìm thấy bất kỳ miệng hố nào ở khu vực xảy ra vụ nổ. Giả thiết được đưa ra ở đây là hành trình di chuyển của thiên thạch qua tầng khí quyển đã tạo ra áp suất và nhiệt độ lớn đến mức thiên thạch bị phá hủy hoàn toàn trong một vụ nổ lớn. Vụ nổ mạnh đến mức không để lại một mảnh vỡ có kích thước đáng kể nào và bụi của nó bốc lên tầng trên khí quyển nên tạo ra hiện tượng bầu trời rực sáng.

Những thử nghiệm được công bố năm 1993 hé lộ rằng, vật thể có bề mặt bằng đá đó có bề ngang khoảng 60 mét và thành phần vật lý nằm trong khoảng giữa một loại đá chondrite thông thường và một loại đá chondrite cácbon.

Christopher Chyba và các đồng nghiệp tiến hành một thử nghiệm mà ở đó một thiên thạch có bề mặt phủ đá có thể gây ra hiệu ứng tương tự như trong vụ Tunguska. Kết quả thử nghiệm cho thấy, khi lực đẩy vật thể rơi xuống lớn hơn lực liên kết các thành phần của nó lại với nhau thì nó sẽ bị nổ tung, giải phóng gần như tất cả năng lượng cùng một lúc. Kết cục là không tạo ra miệng hố nào và tàn phá một bán kính khá rộng bằng sức ép và nhiệt.

Cho đến nay, vụ nổ ở Tunguska được xem là có một không hai và còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Các nhà khoa học Nga cho rằng, “thủ phạm” gây ra vụ nổ này là một sao chổi, trong khi đó các nhà khoa học Mỹ nhận định là một thiên thạch. Người ta sẽ còn tiếp tục đưa ra những giả thiết về nguồn gốc gây ra thảm họa này, tuy nhiên sẽ khó đi đến một kết luận chắc chắn trừ khi con người có cơ hội quan sát và theo dõi một sự kiện tương tự như vậy trong tương lai.

Đình Vũ (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN