Bảy phụ nữ thay đổi thế giới

Những người phụ nữ này đã để lại dấu ấn với thế giới, làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của nhân loại trong suốt hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ qua. Và những cống hiến, tư tưởng của họ sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới nhân loại trong tương lai.

Harriet Beecher Stowe: nhà văn, nhà hoạt động chống chủ nghĩa nô lệ


Người ta có thể thấy cái tên của bà lạ tai nhưng chắc hẳn ai cũng sẽ biết cuốn tiểu thuyết lừng danh năm 1852 của bà: “Túp lều của bác Tom”. Tác phẩm kể về cuộc đời của người nô lệ da đen tên Tom, là cuốn sách bán chạy thứ hai trong thế kỷ 19, chỉ sau kinh thánh. Chính tác phẩm này đã khiến phong trào chống chủ nghĩa nô lệ ở Mỹ trở nên rộng khắp.

Có lần, Tổng thống Abraham Lincoln đã chào mừng bà Beecher Stowe ở Nhà Trắng và nói: “Thì ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách châm ngòi cho cuộc chiến vĩ đại này”. Cuộc chiến mà ông Lincoln nhắc đến là cuộc nội chiến Mỹ, trong đó ông Lincoln chống lại các bang muốn giữ nguyên chế độ nô lệ.

Anne Frank: tác giả cuốn nhật ký về nạn tàn sát người Do Thái


Anna Frank từng viết trong cuốn “Nhật ký của một bé gái” khi đang ở Amsterdam, trốn chạy khỏi nạn diệt chủng người Do Thái ở Đức trong Thế chiến thứ hai rằng: “Những gì đã làm thì không thể thay đổi nhưng người ta có thể ngăn chặn điều đó lặp lại”.

Khó có thể hình dung câu triết lý già dặn đó lại được viết ra từ ngòi bút của một cô bé người Do Thái mới 13 tuổi. Sự thông minh, sắc sảo trong cuốn nhật ký đã khiến cuốn sách này trở thành một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới với hơn 30 triệu bản được bán ra.

Nhật ký kể về cuộc trốn chạy của chính tác giả, được dịch ra 67 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim cũng như kịch. Nhà riêng của cô bé sau đó đã trở thành một bảo tàng. Frank chết trong trại tập trung Bergen - Belsen năm 1945, chỉ vài tuần trước khi trại này được giải phóng.

Emmeline Pankhurst: người đòi quyền bầu cử cho phụ nữ


Emmeline Pankhurst là người thành lập Liên minh Chính trị và Xã hội Phụ nữ (WSPU), một tổ chức nổi tiếng với những hình thức biểu tình cực đoan như tự buộc mình vào đường ray hoặc tuyệt thực để đòi quyền bầu cử cho phụ nữ Anh.

Bà bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa năm 1908. Trong phiên tòa, bà tuyên bố: “Chúng ta ở đây, không phải vì chúng ta là những kẻ phá luật. Chúng ta ở đây để nỗ lực trở thành những người làm luật”.

Đáng tiếc là bà Pankhurst không còn sống để chứng kiến giấc mơ của mình thành sự thật. Bà qua đời ba tuần trước khi nước Anh thông qua luật cho phép phụ nữ có quyền bầu cử như nam giới.

Simone de Beauvoir: triết gia, tác giả cuốn “Giới tính thứ hai”



Triết gia theo chủ nghĩa hiện sinh người Pháp Simone de Beauvoir đã cho ra đời cuốn sách “Giới tính thứ hai” năm 1949, trở thành một tác phẩm bước ngoặt ủng hộ quyền bình đẳng của phụ nữ.

Tác phẩm phân tích quan niệm cũng như các hành xử với phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử. Lúc mới ra đời, tác phẩm gây tranh cãi đến mức bị Tòa thánh Vatican liệt vào danh mục sách cấm.

Bà Beauvoir từng nói: “Mọi sự đàn áp đều tạo ra chiến tranh, không có ngoại lệ”. Với cuộc đời hoạt động vì phụ nữ của mình, bà Beauvoir được đánh giá là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20.

Rosalind Franklin: nhà khoa học ADN


Bà là một nhà hóa học và nhà nghiên cứu tinh thể học X - quang người Anh, có công trình nghiên cứu quan trọng và phát hiện cấu trúc của ADN.

Các bức hình X - quang về đường xoắn kép của ADN của bà Franklin đã được các nhà khoa học Francis Crick, James Watson và Maurice Wilkins sử dụng. Ba nhà khoa học này đã cùng được trao giải Nobel Y học nhờ công trình mô hình ADN.

Tuy nhiên, bà Franklin không có cơ hội giành giải Nobel khi qua đời năm 1958 vì bệnh ung thư buồng trứng khi mới 37 tuổi.

Billie Jean King: huyền thoại quần vợt Mỹ với 39 danh hiệu vô địch


Billie Jean King là một trong những tay vợt vĩ đại nhất tham gia giải quần vợt Wimbledon. Bà “rinh” tới 20 danh hiệu vô địch.

Tuy nhiên, có lẽ bà nổi tiếng nhất với trận đấu độc nhất vô nhị khi đấu với tay vợt Bobby Riggs năm 1973. Khi tham gia trận đấu được giới truyền thông gọi là “Trận đấu giới tính”, Billie Jean King 29 tuổi còn đối thủ Riggs 55 tuổi. Trước 50 triệu khán giả truyền hình toàn thế giới, tay vợt đeo kính 29 tuổi này đã đánh bại đối thủ Riggs.

Về sau, bà thành lập Hiệp hội Quần vợt nữ và đã phát động chiến dịch đòi tiền thưởng cho các tay vợt nữ ngang bằng với các tay vợt nam.

Wangari Maathai: sáng lập viên Phong trào Vành đai Xanh



Nhà môi trường học người Kenya giành giải Nobel Hòa bình năm 2003 này từng nói: “Khi chúng ta trồng cây, chúng ta gieo cả hạt giống hòa bình và hi vọng”.

Bà Maathai đã thành lập Phong trào Vành đai Xanh năm 1977 nhằm nỗ lực trao quyền cho phụ nữ nông thôn - những người phải sống trong cảnh an ninh lương thực bấp bênh khi môi trường bị tàn phá, suối cạn nước, rừng không còn mấy bóng cây. Phong trào tập trung vào trồng cây, bảo tồn môi trường và bảo vệ quyền phụ nữ.

Phong trào này từ đó đã lan rộng cả thế giới, tạo thành chiến dịch chống biến đổi khí hậu và kết hợp hoạt động cùng Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc.


Nhật Huy


Sally Ride - Người phụ nữ Mỹ đầu tiên vào vũ trụ
Sally Ride - Người phụ nữ Mỹ đầu tiên vào vũ trụ

Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi bà là “một anh hùng dân tộc và một hình mẫu mạnh mẽ, đã truyền cảm hứng vươn tới các vì sao cho nhiều thế hệ phụ nữ trẻ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN