Trung Quốc "ve vãn" đồng minh lâu năm của Mỹ

Trong khi Mỹ tăng cường quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc đang tham gia cuộc diễn tập tấn công đổ bộ lần thứ ba với Thái Lan.

Binh sĩ hải quân Thái Lan và Trung Quốc diễu hành trước cuộc tập trận chung Blue Strike 2016 tại căn cứ hải quân Sattahip ở Chon Buri ngày 21/5. Ảnh: bangkokpost.com

Khoảng 500 binh sỹ Thái Lan và 500 binh sỹ Trung Quốc đang tham gia cuộc tập trận chung. Rõ ràng việc củng cố sự hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Thái Lan có liên quan đến tình hình ở Biển Đông.

Theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin, thời gian gần đây, những binh chủng khác và các loại lực lượng vũ trang khác của Trung Quốc và Thái Lan thường xuyên tổ chức cuộc diễn tập chung, ví dụ như cuộc tập trận không quân. Ngoài ra, Bangkok cũng tăng lượng vũ khí mua sắm của Trung Quốc. Gần đây có tin hai bên đã ký thỏa thuận về việc Thái Lan mua xe tăng MBT-3000 của Trung Quốc. Trước đây hai bên đã ký kết các hợp đồng lớn hơn, ví dụ Thái Lan quyết định mua tàu ngầm của Trung Quốc.

Cuộc diễn tập tấn công đổ bộ được tiến hành trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN trở nên căng thẳng do vấn đề tranh chấp lãnh thổ xung quanh các đảo ở vùng Biển Đông. Thủy quân lục chiến và tàu ngầm đều là các lực lượng đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự giả định nào trong khu vực. Lực lượng Thủy quân lục chiến của Thái Lan gồm khoảng 20.000 người nhưng các thiết bị kỹ thuật của lực lượng này không phải hiện đại nhất. Có một số xe chiến đấu cũ của Mỹ và một số mô hình mới. Ví dụ, xe bọc thép BTR-3E của Ukraine là loại kỹ thuật quân sự đáng xấu hổ vì chất lượng kém. Và Trung Quốc hiện nay là một nhà sản xuất lớn cung cấp thiết bị chuyên dùng cho Thủy quân lục chiến. Trước hết, đó là xe bọc thép ZBD-2000 được cải thiện đáng kể trang thiết bị vũ khí tiên tiến. Trung Quốc đã cung cấp các loại xe bọc thép cho nước ngoài. Rất có thể, Thái Lan cũng thể hiện quan tâm đến kỹ thuật quân sự này.

Cuộc tập trận chung của Bắc Kinh và Bangkok có thể mở rộng khả năng của hai bên trong cuộc đấu tranh chống cướp biển và khủng bố quốc tế. Ngoài ra, sự hợp tác với các lực lượng vũ trang của Thái Lan được đào tạo và trang bị chủ yếu “theo kiểu Mỹ” là một cơ hội tốt cho Trung Quốc để thử nghiệm thiết bị quân sự và chiến thuật trong điều kiện gần thực tế.

Trong thời gian cuộc tập trận không quân vào năm 2015, các máy bay chiến đấu Trung Quốc J-11A (Trung Quốc đã mua giấy phép sản xuất máy bay chiến đấu Su-27 của Liên Xô vào những năm 1980) đã tiến hành các bài tập chiến đấu trên không với các máy bay chiến đấu Thái Lan Saab JAS-39 Gripen do Thụy Điển sản xuất. Các bài tập cho phép phi công Trung Quốc thu thập những kinh nghiệm trong việc đối phó với các máy bay chiến đấu thế hệ 4 ++ của phương Tây.

Theo thời gian, ngày càng có nhiều nước, một số trong đó không thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nêu rõ lập trường của mình về tình hình ở Biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc cố gắng tăng cường quan hệ với các đối tác truyền thống và tìm kiếm những đối tác mới thông qua việc tổ chức cuộc tập trận chung.

TTXVN/Tin Tức
Trung Quốc vi phạm khi chặn máy bay Mỹ trên Biển Đông
Trung Quốc vi phạm khi chặn máy bay Mỹ trên Biển Đông

Hành động máy bay chiến đấu của Trung Quốc chặn "nguy hiểm" một máy bay quân sự Mỹ hôm 17/5 là vi phạm một thỏa thuận hàng không mà hai nước đã ký.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN