Tàu chiến Mỹ vận hành như thế nào?

CNN đánh giá rằng các tàu chiến của Hải quân Mỹ không bao giờ “ngủ” trên biển bởi hệ thống nhân lực và điều hướng hiệu quả.

Vụ va chạm giữa USS Fitzgerald ngày 16/6 với tàu chở hàng mang cờ Philippines ở ngoài khơi Yokosuka (Nhật Bản), khiến 7 thủy thủ hy sinh đã làm dấy lên câu hỏi rằng các chiến hạm của Mỹ được vận hành như thế nào?

Tàu USS Fitzgerald bị hư hỏng sau vụ va chạm với tàu vận tải ngoài khơi Yokosuka (Nhật Bản) ngày 17/6. Ảnh: AFP/TTXVN

CNN đã tham khảo phân tích của cựu Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ John Kirby, nay là nhà phân tích an ninh tại kênh truyền hình cáp này, để hiểu hơn phần nào về công việc trên các tàu chiến Mỹ.

Một tàu Hải quân được điều khiển như thế nào?

Các thủy thủ trên tàu thường dựa vào lượng thông tin dồi dào từ công nghệ vệ tinh, radar, hệ thống định vị toàn cầu GPS và quan sát thực tế để tìm hướng di chuyển và theo dõi các tàu bè khác. Các tàu chiến cập nhật hình ảnh và thông tin về thời tiết từ vệ tinh trong khi đó hình ảnh thực của giao thông đường biển lại không có sẵn.

Ông John Kirby tiết lộ rằng mức chú ý của các thủy thủ đối với mỗi tín hiệu sẽ dựa vào từng tình huống. Các tàu khi vào bờ biển hoặc khu vực giao thông đông đúc thường sử dụng phản hồi nhiều hơn để điều chỉnh vị trí theo từng phút. Trong khi đó, lúc một tàu đi xa hơn vào vùng giao thông thưa thớt thì các thủy thủ đoàn thường ít dùng phản hồi hơn.

Ông Kirby nhận xét: “Đó là loạt cảm biến có ứng dụng đa năng, đa lớp có thể cung cấp phản hồi không chỉ về vị trí tàu của bạn mà cả những chiếc thuyền khác”.

Nhân lực vận hành tàu chiến

Trung tâm chỉ huy của tàu chiến phải có người thường trực trong 24 giờ. Trong ca luân phiên bình thường, một trung tâm chỉ huy theo dõi gồm 6 đến 10 thành viên chịu trách nhiệm về định vị an toàn và hoạt động dưới sự chỉ đạo của sĩ quan boong, người sẽ báo cáo hoạt động tới hạm trưởng.

Người lái tàu là một thủy thủ được giao trách nhiệm kiểm soát hướng của con tàu dựa trên mệnh lệnh từ sĩ quan chỉ huy. Sĩ quan hậu cần là người điều hành hệ thống radar tìm kiếm bề mặt và các biểu đồ để cung cấp định vị liên tục cho trung tâm chỉ huy.

Một trung tâm chỉ huy trên tàu chiến Mỹ.

Dưới trung tâm chỉ huy là trung tâm thông tin chiến đấu, một đội gồm 6 đến 10 sĩ quan và chuyên gia chịu trách nhiệm về hệ thống vũ khí. Trung tâm này bao gồm người vận hành radar, theo dõi các con tàu trong phạm vi và một người theo dõi các hệ thống hiển thị và thông tin hải đồ điện tử cũng như hệ thống định vị.

Bên ngoài tàu, những người canh gác sẽ đóng ở đằng sau, đằng trước hoặc gần trung tâm chỉ huy. Công việc của họ là "quét" đường chân trời bằng ống nhòm nhằm hỗ trợ hệ thống radar trong trường hợp “để lọt” một thuyền cá nhỏ hoặc gặp sóng lớn khi biển động.

Ông Kirby cho biết tất cả nhân lực luôn giữ trao đổi qua các loại truyền thông sóng radio khác nhau. Để liên lạc với những tàu khác, họ dùng radio giữa trung tâm chỉ huy của hai tàu, theo đó họ lấy microphone rồi tìm tấn số thích hợp để trao đổi trực tiếp.

Những trung tâm chỉ huy cao hơn sẽ duy trì theo dõi địa điểm và tiến trình của con tàu. Nhưng một khi tàu chiến nhận được mệnh lệnh thì phương tiện này sẽ tự chọn hướng di chuyển dưới chỉ đạo của hạm trưởng. Hạm trưởng luôn hiện diện trên đài chỉ huy, đặc biệt trong những vùng biển đông đúc tàu bè qua lại.

Ông Kirby cho biết: “Mọi hạm trưởng có quyền tuyệt đối ra lệnh phòng vệ cho tàu của mình bằng vũ khí nếu nhận thấy thuyền khác có đe dọa thù địch, trực tiếp tới an toàn và an ninh của thủy thủ đoàn và tàu của họ”.

Điều đặc biệt là theo CNN, trong vụ tai nạn giữa USS Fitzgerald và tàu chở hàng, hạm trưởng của tàu chiến Mỹ đã ở trong cabin của ông ấy khi va chạm xảy ra.

Nhân lực được đào tạo như thế nào?

Việc đào tạo được bắt đầu tại Học viện Hải quân Mỹ hoặc Trường Tân binh Sĩ quan và tiếp diễn trong suốt sự nghiệp của mỗi sĩ quan

Các thành viên của trung tâm chỉ huy trên tàu hải quân phải hoàn thành khóa quản lý bao gồm xây dựng đội ngũ và đào tạo liên lạc, lên lịch hải trình…

Ông Kirby khẳng định rằng đến thời điểm một cá nhân được quyền đứng theo dõi trên trung tâm chỉ huy của tàu chiến đồng nghĩa với việc họ đã trải qua rất nhiều cuộc đào tạo và huấn luyện thực tế.

Lý do hiếm khi xảy ra va chạm giữa tàu chiến và tàu thương mại?

Ông Kirby cho biết trường hợp này khó xảy ra bởi Hải quân Mỹ luôn coi trọng vấn đề an toàn và an ninh của các tàu chiến và thủy thủ hơn bất cứ điều gì khác.

Hạm trưởng có nhiều lựa chọn khi một tàu chở hàng nhắm đến tàu chiến - đây là trường hợp hiếm và ông Kirby cho rằng không phải là điều đã xảy ra với USS Fitzgerald. Theo đó tàu chiến có thể thay đổi tốc độ, hướng hoặc bắn cảnh cáo nếu coi đó là một đe dọa. Điều này đã xảy ra hồi tháng 1 năm nay khi tàu USS Mahan bắn cảnh cáo tàu Iran ở khoảng cách 823m.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Những vụ tàu chở hàng đâm tàu chiến kinh hoàng trong lịch sử
Những vụ tàu chở hàng đâm tàu chiến kinh hoàng trong lịch sử

Lịch sử vận tải hàng hải đã chứng kiến nhiều vụ va chạm kinh hoàng giữa tàu chiến và tàu dân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN