Mỹ xây bệnh viện ngầm trong hang núi khi NATO tăng cường áp sát biên giới Nga

Hải quân Mỹ đã xây dựng một cơ sở mới nằm trong hệ thống hang động Na Uy, phản ánh sự tập trung gia tăng của Washington và NATO đối với vùng biên giới phía Bắc nước Nga. 

Tháng 10, Hải quân Mỹ thông báo Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu (NAVEUR) và Bộ Tư lệnh Hỗ trợ Y tế Viễn chinh của Hải quân Mỹ đã chuyển Cơ sở Y tế Viễn chinh đến một hệ thống hang động gần Vịnh Bogen ở phía Bắc Na Uy, cách Vòng Bắc Cực khoảng 160km về phía Bắc.

Theo Thiếu tá Michael Lucas, người phụ trách hoạt động tại Bộ Chỉ huy hỗ trợ y tế viễn chinh của Hải quân Mỹ, Cơ sở Y tế Viễn chinh (EMF) có nhiều tính năng tương tự một bệnh viện hiện đại và có thể triển khai nhanh chóng sau khi nhận được thông báo. 

Chú thích ảnh
Các thùng chứa thiết bị để lắp đặt Cơ sở Y tế Viễn chinh ở Vịnh Bogen, Na Uy. Ảnh: US Navy

Ông Lucas đánh giá các hang núi ở Na Uy là một giải pháp tuyệt vời cho phép lưu trữ và triển khai nhanh chóng EMF. 

Bệnh viện 150 giường này có thể hoạt động bên trong hang động hoặc di chuyển để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp ở bất cứ đâu tại châu Âu. Bệnh viện này gồm 20 giường chăm sóc đặc biệt, 130 giường chăm sóc cấp tính, bốn phòng phẫu thuật, một phòng cấp cứu và một phòng thí nghiệm. Nó cũng có thể tiến hành chụp X-quang và chụp CT, ngoài ra còn lưu trữ 300 đơn vị máu.

Cơ sở này mang lại năng lực y tế nâng cao cho Bắc Âu, mang lại "cơ hội gia tăng để phát triển các quy trình và thủ tục được chia sẻ với các đồng minh NATO và đối tác trong khu vực", Hải quân cho biết trong thông cáo.

Thiếu tá Anthony Skrypek, nhà lập kế hoạch y tế của NAVEUR, cho biết dự án này kéo dài ba năm, cho phép đào tạo các quy trình y tế và hậu cần ở Bắc Cực, giúp cải thiện khả năng tương tác với các đồng minh và đối tác của NATO.

Trong khi đó, Trung tướng Yngve Odlo, người đứng đầu Bộ chỉ huy liên quân của Na Uy, mô tả hoạt động triển khai này là một minh chứng rõ ràng về cam kết của Mỹ đối với Na Uy và châu Âu.

Việc di chuyển các phần của EMF từ Florida đến các hang động ở Na Uy cần sử dụng 195 thùng chứa và 165 thiết bị hỗ trợ kỹ thuật dân dụng. Bản thân việc vận chuyển này đã mất khoảng một tháng, nhưng thời gian để triển khai nó ở những nơi khác ở châu Âu sẽ phụ thuộc vào địa điểm và công năng cần thiết làm.

Hải quân Mỹ từng đặt hai bệnh viện 500 giường ở Vịnh Bogen. Các cơ sở này được triển khai thời Chiến tranh Vùng Vịnh và Chiến tranh Iraq. EMF đã thay thế các bệnh viện này từ năm 2007. 

Thủy quân lục chiến Mỹ đã cất giữ thiết bị trong các hang động ở Na Uy từ đầu những năm 1980. Phần lớn trong số đó đã bị đưa về để phục vụ Chiến tranh Iraq, nhưng lại được xây dựng lại sau đó. Những năm gần đây, EMF đã hỗ trợ các cuộc tập trận trên khắp châu Âu.

Sự hiện diện của Hải quân và Không quân Mỹ tại Na Uy đã tăng lên trong những tháng gần đây, trong đó có các cuộc thăm cảng và đợt triển khai lịch sử của máy bay ném bom B-1B vào đầu năm nay. Các chỉ huy Hải quân Mỹ cũng đã huấn luyện cách điều khiển thuyền trong vịnh hẹp trong chương trình giao lưu với Hải quân Na Uy.

Chú thích ảnh
Lối vào cơ sở hang Bjugn tại Na Uy năm 1997. Ảnh: USDD

Một thỏa thuận được ký kết hồi đầu năm sẽ cho phép Mỹ xây dựng cơ sở trên các căn cứ của Na Uy. Cụ thể là tại trạm không quân Evenes và trạm hải quân Ramsund. Cả hai đều gần Vịnh Bogen.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ, NATO và Nga gia tăng. Hoạt động quân sự của Nga ở Bắc Cực đã khiến Na Uy và các đồng minh NATO lo ngại, đồng thời cường hoạt động riêng họ trong khu vực. Theo hãng tin Reuters (Anh), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm 23/10 đã cáo buộc NATO đang dần tập hợp lực lượng gần biên giới Nga và không sẵn sàng thảo luận về an ninh châu Âu với Moskva theo các điều kiện một cách công bằng.

Một cuộc xâm lược vào miền Bắc Na Uy là điều khó xảy ra, nhưng việc triển khai EMF là một phần của phản ứng đối với điều mà các quan chức Mỹ gọi là cạnh tranh chiến lược trong khu vực và trên toàn thế giới.

"Trong thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc, việc phân bổ tiềm lực trên toàn cầu sẽ giúp giảm thiểu rủi ro", Chuẩn đô đốc Michael Curran, phụ trách tính sẵn sàng và hậu cần của Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu, cho biết trong thông cáo.

Đức Trí/Báo Tin tức
Rò rỉ chi tiết thiệt hại của tàu ngầm Mỹ sau vụ va chạm bí ẩn ở Biển Đông
Rò rỉ chi tiết thiệt hại của tàu ngầm Mỹ sau vụ va chạm bí ẩn ở Biển Đông

Ngày 2/10, tàu ngầm tấn công nhanh USS Connecticut của Mỹ đã va chạm với một vật thể không xác định tại Biển Đông làm 11 thuỷ thủ bị thương nhẹ và phải quay đầu về căn cứ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN