Mỹ thụt lùi trong cuộc đua vũ trang giữa xung đột Ukraine

Các nhà thầu quốc phòng ở Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang dần vượt lên cuộc đua sản xuất vũ khí và gặt hái nhiều thỏa thuận sớm hơn.

Chú thích ảnh
Ba Lan đặt hàng mua máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo phân tích mới nhất về doanh thu bán vũ khí và dịch vụ quân sự từ 100 nhà thầu hàng đầu thế giới do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) thực hiện, các nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã sớm thu được lợi nhuận trong những tháng ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Những quốc gia này cũng đang đẩy mạnh đầu tư và sản xuất quốc phòng để đảm bảo an ninh trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến động.

Bà Lucie Béraud-Sudreau, Giám đốc Chương trình Sản xuất Vũ khí và Chi tiêu Quân sự của SIPRI, cho biết: “Hàn Quốc, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia nổi bật về khả năng đáp ứng chi tiêu quân sự gia tăng”.

Trong đó, bốn công ty quốc phòng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến ​​doanh thu tăng 22% lên 5,5 tỷ USD trong năm 2022 so với năm 2021, nổi bật là nhà sản xuất máy bay không người lái Baykar.

Tổng doanh thu vũ khí của 3 công ty Israel trong bảng xếp hạng SIPRI cũng đạt 12,4 tỷ USD vào năm 2022, tăng 6,5% so với năm 2021.

Doanh thu vũ khí của 4 công ty Hàn Quốc trong bảng xếp hạng giảm 0,9%, chủ yếu do mức giảm 8,5% được ghi nhận bởi nhà sản xuất vũ khí lớn nhất nước này - Hanwha Aerospace. Tuy nhiên, các công ty Hàn Quốc có thể chứng kiến doanh thu tăng đột biến trong năm nay nhờ các đơn đặt hàng lớn từ Ba Lan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Ba Lan, quốc gia có chung biên giới với Ukraine, đã mua các đơn hàng lớn với nhà sản xuất vũ khí Hàn Quốc - như xe tăng K2 Black Panther, pháo tự hành K9 và máy bay chiến đấu FA-50. Trước đó, Warsaw thường tìm đến Mỹ để ký các hợp đồng vũ khí lớn, nhưng giờ đây nước này đang chuyển sang Hàn Quốc vì nước này có thể đáp ứng các đơn đặt hàng nhanh hơn các công ty Mỹ.

Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak giải thích: “Không may mắn, do năng lực công nghiệp hạn chế nên các thiết bị không thể chuyển giao trong khung thời gian thỏa đáng. Vì vậy, chúng tôi phải bắt đầu đàm phán với Hàn Quốc - đối tác đã được chứng minh của chúng tôi”.

Theo giới chuyên gia, ba quốc gia này đang sớm vươn lên dẫn đầu cuộc đua vũ trang vì các nhà máy sản xuất vũ khí của họ đã sẵn sàng cho chiến tranh.

“Ngành công nghiệp quốc phòng của những quốc gia này có khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng trong bối cảnh cụ thể. Ngoài ra, họ còn có thể sản xuất những loại vũ khí có nhu cầu cao như pháo, máy bay không người lái”, bà Béraud-Sudreau nói.

Chú thích ảnh
Lô tên lửa Javelin do Mỹ viện trợ được chuyển tới sân bay ở Kiev, Ukraine ngày 11/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi những gã khổng lồ quốc phòng có trụ sở tại Mỹ - như Lockheed Martin, Raytheon và Boeing - vẫn đứng đầu danh sách của SIPRI, doanh thu từ vũ khí của cả 3 nhà thầu này đều giảm vào năm 2022. Trong khi đó, doanh số bán vũ khí của Northrup và BAE Systems có trụ sở tại Vương quốc Anh chỉ tăng nhẹ.

Doanh thu vũ khí của 42 công ty quốc phòng lớn nhất nước Mỹ cũng giảm 7,9% xuống còn 302 tỷ USD vào năm 2022.

Ông Nan Tian, ​​nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI nhận định: “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy làn sóng đơn đặt hàng mới liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Theo đó, một số công ty lớn của Mỹ, bao gồm Lockheed Martin và Raytheon Technologies, đã nhận được số đơn đặt hàng tăng mạnh”.

Tuy nhiên, ông nói rằng do trình trạng tồn đọng đơn hàng và những khó khăn trong việc đẩy mạnh năng lực sản xuất, doanh thu từ các đơn đặt hàng này sẽ chỉ thể hiện trong báo cáo tài chính công ty trong 2 đến 3 năm tới.

Ở châu Âu, những công ty như MBDA và Leonardo cũng chứng kiến doanh thu vũ khí sụt giảm trong năm ngoái.

Bà Béraud-Sudreau cho biết: “Nhiều công ty vũ khí gặp trở ngại trong việc điều chỉnh sản xuất cho xung đột cường độ cao. Tuy nhiên, các hợp đồng mới đã được ký kết, đặc biệt là về đạn dược, dự kiến mang lại doanh thu cao hơn vào năm 2023 và hơn thế nữa”.

Bà nói thêm rằng các nhà sản xuất vũ khí ở Mỹ và châu Âu đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng mới, nhưng không thể tăng năng lực sản xuất vì thiếu lao động, chi phí tăng cao và khó khăn trong chuỗi cung ứng.

EU đang đứng giữa cuộc tranh luận gay gắt về biện pháp thúc đẩy sản xuất quốc phòng và làm thế nào để đảm bảo rằng cả quỹ quốc gia và Liên minh châu Âu đều dành cho các công ty trong nước thay vì các nhà thầu nước ngoài.

Ông Riho Terras, nghị sĩ Estonia thuộc đảng Nhân dân châu Âu, cựu chỉ huy quân đội quốc gia cho đến năm 2018, cho biết: “Ba Lan mua vũ khí từ Hàn Quốc, Estonia mua từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta không thể đảm bảo các sản phẩm châu Âu cho lực lượng vũ trang của mình. Đó là điều chúng ta cần tập trung, nếu không chúng ta sẽ thua trong cuộc cạnh tranh này, đặc biệt là Hàn Quốc”.

Về phần mình, Điện Kremlin không công bố nhiều về dữ liệu trong lĩnh vực quốc phòng. Theo SIPRI, chỉ có 2 công ty Nga lọt Top 100 của SIPRI là công ty vũ khí nhà nước Rostec và United Shipbuilding Corporation. Tổng doanh thu của họ đạt 20,8 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, và chỉ chiếm gần 3,5% trong tổng doanh số của Top 100.

Bà Béraud-Sudreau cho biết các nhà sản xuất vũ khí của Nga vẫn đang ký các hợp đồng lớn để cung cấp vũ khí cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng các khoản thanh toán của chính phủ bị trì hoãn nên các nhà thầu phải vay vốn ngân hàng để trang trải chi phí.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Politico)
Mỹ chiếm hơn một nửa doanh số bán vũ khí toàn cầu; Nga chỉ chiếm 3,5%
Mỹ chiếm hơn một nửa doanh số bán vũ khí toàn cầu; Nga chỉ chiếm 3,5%

Doanh thu của 42 hãng vũ khí Mỹ nằm trong top 100 và chiếm 51% tổng doanh số bán vũ khí toàn cầu, trong khi các công ty Nga chỉ chiếm gần 3,5%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN