Chuyên gia nêu kịch bản về vận mệnh của Ukraine khi nguồn cung vũ khí cạn kiệt

Giới chuyên gia nhận định khi nguồn cung vũ khí phương Tây cạn kiệt và ít có dấu hiệu chuyển biến từ các cường quốc NATO, Ukraine sẽ không có khả năng tiến hành một cuộc phản công khác như mùa hè qua.

Chú thích ảnh
Xe tăng T-62 của Ukraine bị phá huỷ trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Ảnh: Spuntik

Theo đài Sputnik (Nga), hôm 4/12, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young tuyên bố trước các nhà lập pháp liên bang rằng Mỹ đã cạn tiền để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay.

“Không có nguồn tài trợ kỳ diệu nào có thể đáp ứng được thời điểm này. Chúng ta đã cạn tiền và gần như hết thời gian. Nếu Quốc hội không hành động, đến cuối năm nay chúng ta sẽ cạn kiệt nguồn lực để mua thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine, cũng như cung cấp thiết bị cho kho quân sự của Mỹ”, bà Young cho biết.

Theo thống kê của Lầu Năm Góc, Mỹ đã gửi cho Ukraine khoảng 44 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ tháng 2/2022, cùng với 76 tỷ USD dưới các hình thức hỗ trợ khác - bao gồm tài trợ ngân sách và viện trợ nhân đạo. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng yêu cầu phê duyệt thêm hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine, nhưng đa số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện do Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson lãnh đạo, vẫn thờ ơ trước đề xuất này.

Thông tin này được công bố vào thời điểm Lầu Năm Góc đã thất bại trong cuộc kiểm toán năm thứ 6 liên tiếp.

Nhà phân tích an ninh quan hệ quốc tế Mark Sleboda cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đúng ở một khía cạnh nào đó. Ukraine thực sự đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc xung đột - giai đoạn phòng thủ. Họ đang chờ đợi và hy vọng rằng thời gian sẽ đem lại những biến chuyển thuận lợi cho cuộc phản công.

Tuần trước, Lầu Năm Góc đã thông báo rằng sau tất cả các hoạt động mà Mỹ triển khai ở Trung Đông, như gửi lực lượng phòng không và các căn cứ chiến đấu của tàu sân bay quanh Trung Đông để hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột với Palestine, Lầu Năm Góc đang rơi vào tình trạng cạn kiệt ngân sách.

Chú thích ảnh
Ukraine đã tiêu thụ lượng lớn vũ khí đạn dược do Mỹ và đồng minh phương Tây viện trợ. Ảnh: Reuters

Theo ông Sleboda, Mỹ và NATO nói chung hiện không có khả năng tăng cường sản xuất công nghiệp để cung cấp cho chính quyền Kiev đủ những loại vũ khí cơ bản trong cuộc chiến - như đạn pháo, tên lửa phòng không và nhiều thứ khác. Giờ đây, Kiev còn phải cạnh tranh với Israel về những vũ khí tương tự, vốn đã nằm trong danh sách yêu cầu của Israel về những loại vũ khí cần thiết cho cuộc xung đột ở Gaza.

Ông nhận định Ukraine hiện không chỉ phải cạnh tranh để thu hút chú ý, nguồn cung và tài trợ từ Mỹ và Liên minh châu Âu, mà nước này còn gặp phải “cú hích tốc độ” khi Mỹ đang cố gắng hỗ trợ cả Kiev và Jerusalem cùng lúc.

"Tôi đã xem một đoạn video do người Ukraine đăng tải tại một khu vực ở phía đông Ukraine. Lô đạn pháo viện trợ trong ngày đã đến, được chở trên một chiếc xe tải, nhưng chỉ có 2 quả đạn pháo”, ông nói.

Cuối tuần qua, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng nói rằng liên minh này “nên chuẩn bị cho tin xấu” từ Ukraine. Ông nhấn mạnh cuộc xung đột đang “phát triển theo từng giai đoạn” và phương Tây nên tiếp tục hỗ trợ Kiev trong cả thời điểm thuận lợi và bất lợi.

Nhà phân tích Sleboda cho biết ông đồng ý với Tổng thống Zelensky rằng Ukraine đã bước vào giai đoạn mới của cuộc xung đột. Theo ông, giai đoạn phản công của Ukraine đã chấm dứt, không có gói viện trợ mới nào từ phương Tây trước mắt, thậm chí không có đủ viện trợ để bảo trì loại vũ khí cơ bản vào thời điểm này.

Ông cho rằng trong năm tiếp theo, Ukraine chỉ có thể phòng thủ trong tuyệt vọng, xây dựng các tuyến phòng thủ và một cuộc tổng động viên mới có thể diễn ra.

“Kế hoạch rất đơn giản - đó là phòng thủ và chiêu mộ nhiều binh sĩ hơn với hy vọng điều gì đó sẽ thay đổi”, ông Sleboda nói. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng công nghệ chiến trường hiện đại sẽ khiến việc phòng thủ ít tốn kém hơn nhiều so với tấn công, vì vậy nỗ lực chiến tranh của Kiev chưa chắc đã sụp đổ. Theo nhà phân tích này, mối đe doạ lớn hơn đối với Chính phủ Ukraine là một cuộc binh biến hoặc một cuộc khủng hoảng chính trị.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Spuntik)
Ukraine xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn hàng hóa qua hành lang trên Biển Đen
Ukraine xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn hàng hóa qua hành lang trên Biển Đen

Ngày 4/12, Ukraine cho biết nước này đã xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn hàng hóa thông qua Biển Đen, gấp hơn 5 lần so với khối lượng thông báo cách đây hơn 1 tháng. Trong số hàng hóa này có gần 5 triệu tấn là các mặt hàng nông sản của Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN