Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria tốn kém ra sao

Trong bối cảnh đang phải đương đầu với suy thoái kinh tế khá nghiêm trọng, Chính phủ Nga vẫn tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự tốn kém tại Syria để bảo vệ đồng minh Tổng thống Bashar al-Assad.

Các sĩ quan Nga làm nhiệm vụ tại Trung tâm điều hòa ở căn cứ không quân Hmeimym thuộc tỉnh Latakia. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo ước tính của nhật báo tài chính "RBK" của Nga, được báo Pháp "La Croix" trích dẫn, với tần suất xuất kích khoảng 35 lần/chiếc mỗi ngày, chiến dịch quân sự tại Syria đã tiêu tốn của nước này khoảng 58,3 tỷ ruble (gần 1 tỷ USD).

Tuy vậy cho đến nay chưa có số liệu chính thức về chi tiêu của Nga trong cuộc chiến này được tiết lộ công khai. "RBK" chủ yếu dựa trên các dữ liệu về số lần máy bay chiến đấu Nga tham gia tấn công các mục tiêu của phe đối lập Syria, chủ yếu là SU-24, tính đến nay khoảng 13.000 lượt. Gần đây, có thời điểm máy bay Nga xuất kích tới 70 lần/chiếc/ngày.

Tại thời điểm Moskva tuyên bố chính thức kết thúc phần chính của chiến dịch không kích tháng 3/2016, chi phí cho toàn bộ các máy bay tham gia chiến đấu vào lúc chiến dịch cao điểm nhất ước tính từ 2,5 triệu đến 9 triệu euro/ngày.

Theo "RBK", từ đó đến nay chi phí càng ngày càng gia tăng. Ngoài các khoản chi trực tiếp cho không kích còn phải tính tới ngân sách bảo dưỡng máy bay, duy trì hoạt động của căn cứ không quân Hmeymim. Nga cũng sử dụng cả tên lửa hành trình Kalibr bắn từ ngoài khơi vào lãnh thổ Syria.

Đây là loại vũ khí hiện đại nhất của Nga hiện nay và lần đầu tiên đưa vào thử nghiệm trên thực địa. Chi phí của Kalibr vẫn còn là một ẩn số.

Theo các số liệu chính thức, về nhân lực, từ đầu chiến dịch đến nay phía Nga đã có 20 binh lính bị thương vong.

Nếu so sánh với liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, chi phí của Nga theo tính toán của "RBF" vẫn còn khiêm tốn. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết mỗi ngày ngân sách của phương Tây lên đến 11 triệu euro. Tính đến giữa tháng 8/2016, tổng chi phí cho chiến dịch can thiệp của phương Tây ước tính khoảng 8 tỷ euro.

Chênh lệnh giữa hai bên chủ yếu do Nga chi tiền ít hơn vào công tác hậu cần cho quân đội. Chế độ đãi ngộ dành cho quân nhân trên chiến trường cũng thấp hơn của Mỹ nhiều lần. Tại căn cứ không quân Lattakia, Syria, mỗi lính Nga được trả lương khoảng 200 ruble/ngày, tương đương 17 euro, theo một chỉ thị của Bộ Quốc phòng Nga về chế độ đãi ngộ cho quân nhân.

Không có số liệu đầy đủ về thành phần lực lượng Nga tại Syria. Cuối tháng 10/2015, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho báo "RBF" biết có khoảng 1.600 lính Nga đã được triển khai. Nhưng tháng 11/2015, hãng tin Reuters cho biết con số này trên thực tế lên đến gần 4.000 người. Tháng 9/2016, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Nga trong thông cáo đưa ra tiết lộ 4.378 người Nga đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia tại căn cứ không quân ở Syria.

Từ đầu chiến dịch, Nga đã thiệt hại một máy bay ném bom, loại Su-24 do Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, các máy bay trực thăng Mi-8, Mi-35, Mi-28N. Giá một máy bay Su-24 khoảng 390 triệu ruble, tức 5,6 triệu euro, theo ước tính của Forbes, còn các trực thăng giá tương ứng 3,5 triệu, 15,7 triệu, 22,9 triệu euro. Do đó, tổng thiệt hại máy bay Nga vào khoảng 47,7 triệu euro.

Máy bay ném bom Su-24 của Nga tại căn cứ không quân Hmeimym. Ảnh: EPA/TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo "La Croix", Pavel Falgenhauer, chuyên gia quân sự độc lập cho rằng ngân sách thực sự cho chiến dịch can thiệp của Moskva để hỗ trợ Chính quyền Damascus trên thực tế còn cao hơn các ước tính đưa ra.

Ông cho rằng có thể gấp từ năm đến mười lần con số tính toán trên bởi vì còn phải kể đến nhiều loại chi phí rất lớn khác, như các hoạt động hậu cần, vận chuyển bằng đường biển trang thiết bị khí tài và binh lính, bảo dưỡng tàu hải quân. Chưa kể Nga cung cấp cho quân đội Syria một lượng vũ khí rất lớn.

Chính phủ và các phương tiện thông tin chính thức của Nhà nước Nga thường xuyên đưa ra thông báo đánh giá chiến dịch can thiệp vào Syria là một thành công quân sự và chính trị lớn. Họ bỏ qua không nhắc đến khía cạnh tài chính, mặc dù trên thực tế để hạn chế thâm hụt ngân sách, Chính phủ Nga đã phải sử dụng cả quỹ dự trữ.

Nga đang đứng giữa hai lựa chọn hết sức khó khăn: hoặc là tiếp tục chi tiền ồ ạt để hiện đại hóa trang thiết bị quân sự, hoặc tiếp tục các chương trình an sinh xã hội và thúc đẩy sản xuất công nghiệp để tái khởi động tăng trưởng kinh tế.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga hy vọng rằng màn thể hiện tại chiến trường Trung Đông sẽ mang lại những hợp đồng bán vũ khí lớn trong tương lai.

TTK
Căng thẳng Nga - Mỹ gay gắt nhất sau Chiến tranh Lạnh bởi Syria
Căng thẳng Nga - Mỹ gay gắt nhất sau Chiến tranh Lạnh bởi Syria

Nhật báo “Kommersant” của Nga mới đây đăng bài phân tích cho rằng thất bại trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Syria đã khiến căng thẳng Nga-Mỹ bước vào giai đoạn gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN