06:15 25/06/2015

Hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng

Để thúc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp của vùng ĐBSCL, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần những chính sách, định hướng phát triển lâu dài.

Để thúc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp của vùng ĐBSCL, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần những chính sách, định hướng phát triển lâu dài.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Cần chính sách đầu tư vào nông nghiệp

Chính phủ đang xây dựng một đề án và Nghị định để làm rõ hơn những chủ trương cũng như chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cái chính là làm rõ chủ trương, cũng như đưa ra các chính sách ổn định, lâu dài để các doanh nghiệp có thể biết rõ và yên tâm đầu tư vào nông nghiệp nước ta. Trong Đề án này, sẽ làm rõ những lĩnh vực khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực chế biến và thương mại. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngoài việc đề xuất các chính sách hỗ trợ ổn định lâu dài, rõ ràng về phía nhà nước cũng cần phải triển khai thực hiện nhiều công việc liên quan như hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức nông dân có thể làm đối tác với các doanh nghiệp.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước cũng mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Để có thể kết hợp giữa doanh nghiệp và nông dân, trong tình hình mới, Chính phủ đang có chủ trương tập trung cao hơn việc tổ chức lại sản xuất, chủ yếu là hướng dẫn, hỗ trợ, vận động các hộ nông dân tham gia vào các hình thức tổ chức như hợp tác xã, tổ hợp tác… để có thể liên kết với các doanh nghiệp, hình thành các chuỗi gắn kết từ sản xuất nguyên liệu đến tiêu thụ. Vừa qua Chính phủ cũng mới ban hành một số chính sách để hỗ trợ việc xây dựng cánh đồng lớn cũng như liên kết trong sản xuất lúa gạo. Hiện nay, Bộ cũng đang nghiên cứu các chính sách tương tự cho các lĩnh vực khác.

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: Thúc đẩy liên kết vùng để thu hút đầu tư

Tư duy về lợi thế của ĐBSCL cần được thể hiện trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo sức cạnh tranh hơn là “quanh quẩn” trong ranh giới hành chính tỉnh, ranh giới của một địa phương như vừa qua. Xúc tiến đầu tư thương mại phải là hành động liên kết, hợp tác thực sự giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL. Các địa phương không chỉ cần thay đổi cách làm mới, năng động, cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn mà cần phải liên kết vùng và chủ động, tích cực chuẩn bị là yêu cầu quan trọng.

Liên kết vùng là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn sôi động của vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất nước, lực lượng nông dân đông đảo nhất và trình độ sản xuất hàng hóa nông nghiệp vào loại bậc nhất cả nước. Chủ trương liên kết vùng cần một cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ hơn sự khuyến khích hay các hình thức ký kết hợp tác lỏng lẻo giữa chính quyền các tỉnh trong thời gian qua. Cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Cần tăng cường vốn FDI cho nông nghiệp

ĐBSCL góp phần “nuôi” thế giới qua việc xuất khẩu gạo và sản phẩm thủy sản nhưng chỉ có phần nhỏ FDI dành cho nông nghiệp, chỉ chiếm 1,5% (3,6 triệu USD) trong tổng lượng vốn FDI cam kết tại Việt Nam. Muốn thu hút đầu tư tốt, các địa phương cần có mục tiêu, chiến lược xúc tiến đầu tư cụ thể.

Chẳng hạn với lúa gạo, thì cần huy động các hội nông dân quan tâm đến phát triển các giống đặc sản trong trường hợp nhà đầu tư sẵn sàng xây dựng nhà máy gạo chuyên dụng trong vùng lân cận; tiến hành đánh giá sâu hơn về các thị trường toàn cầu và khu vực cho các sản phẩm dựa vào lúa gạo và xác định các sản phẩm cụ thể để sản xuất tại Việt Nam; xác định các tỉnh tiềm năng trở thành địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chế biến; chuẩn bị tài liệu xúc tiến mô tả địa điểm và mục tiêu, cơ hội cho nhà đầu tư; khởi động tiếp cận các công ty chế biến thực phẩm toàn cầu và khu vực như ADM, Conagra, General Mills, Kraft, Meiji, Nissin; làm việc với các công ty quan tâm và chính quyền địa phương chuẩn bị các địa điểm, tạo thuận lợi cho đầu tư.

Ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Liên kết vùng để tránh đầu tư lãng phí

Thời gian qua do chưa có định hướng chung của vùng, mỗi tỉnh có quy hoạch cụ thể theo từng địa phương nên có sự trùng lắp, giẫm lên nhau, “mạnh ai nấy làm”. Chẳng hạn như thời gian qua, hầu như tỉnh nào cũng thu hút các nhà máy chế biến nông sản khiến tình trạng công suất chế biến của các nhà máy trong vùng vượt xa năng lực sản xuất nguyên liệu sẵn có, dẫn đến cạnh tranh thu mua nguyên liệu không lành mạnh, gây thiệt hại chung cho cả người sản xuất và doanh nghiệp chế biến. Để việc thu hút các nhà đầu tư trong vùng hiệu quả, cần có sự liên kết giữa các tỉnh, dựa vào thế mạnh, đặc điểm địa phương để thu hút những dự án phù hợp, tránh đầu tư lãng phí về nguồn lực cũng như chồng chéo trong các lĩnh vực thu hút đầu tư.

TS.Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cam kết hỗ trợ xúc tiến thương mại đầu tư

Đối với vùng ĐBSCL, vùng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực của cán bộ các tỉnh thành, khuyến khích đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực vùng có thế mạnh như du lịch, nông sản, thủy sản, trái cây, kêu gọi các nhà đầu tư vào hạ tầng cơ sở và các khu công nghiệp theo hình thức vận động BOT, BT. Do vậy, chúng tôi sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ để triển khai các hoạt động tuyên truyền và giới thiệu tiềm năng kinh tế, triển vọng phát triển của vùng qua các kênh truyền thông của VCCI; vận động các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ĐBSCL đặc biệt là hạ tầng cơ sở; cung các các giải pháp, kinh nghiệm tốt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phối hợp nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chức năng xây dựng hệ thống các chính sách ưu đãi đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT công ty cP nông nghiệp GAP: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Để thu hút hút và giúp cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vững bước trên con đường phát triển sản phẩm lương thực - thực phẩm sạch theo hướng hữu cơ, ngoài tăng cường mối liên kết trong tổ chức sản xuất, thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân có dự án tốt tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp trong và ngoài nước một cách hiệu quả.

Đồng thời, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ các cấp cần thay đổi tư duy, cách làm, bỏ cơ chế “xin - cho” để các doanh nghiệp có tâm huyết hết lòng cống hiến, triển khai các chương trình hiệu quả cho địa phương. Trong thời kỳ hội nhập, thương hiệu là tài sản “vô hình” quan trọng, nhưng trước khi xây dựng thương hiệu, trước hết chúng ta cần xây dựng chất lượng sản phẩm. Để làm được điều này, cần sự định hướng mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp chính quyền.

Ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Tạo sân chơi công bằng cho nhà đầu tư

Với các doanh nghiệp trong nước ngoài khó khăn chung là vốn, nhất là vốn dài hạn, để đầu tư vào cơ sở sản xuất thiết bị máy móc thì còn những khó khăn khác như hạ tầng, liên kết với nông dân, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Một trong những cái khó mà phải nhìn nhận là sự tồn tại rất nhiều của doanh nghiệp nhà nước, chiếm khoảng 20% số lượng nhưng 50% số vốn, sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp nhà nước mà ngày càng ít hiệu quả làm nhiều nhà đầu tư tư nhân không có sân chơi công bằng và họ ỉ lại vào các chương trình của Chính phủ vì họ thường làm theo các chương trình của Chính phủ nên sự sáng tạo đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp chưa có kết quả.

Ông Nguyễn Thành Lưu, TGĐ Sàn giao dịch rau quả & thực phẩm an toàn Hà Nội: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Thị trường Hà Nội với khoảng 9 triệu dân, các tỉnh phía Bắc là một thị trường rất lớn và có nhu cầu cao về các sản phẩm nông nghiệp an toàn của vùng ĐBSCL. Nếu nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan ban ngành sẽ thúc đẩy nhanh chóng kênh thị trường tiêu thụ nói trên. Do vậy, yếu tố đầu tiên là các cơ quan chức năng hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm an toàn; kiểm tra, đánh giá, chứng nhận nguồn gốc và chất lượng các sản phẩm của tổ hợp tác; cuối cùng là thu xếp có nguồn kinh phí hỗ trợ phí giao dịch qua sàn trong thời gian đầu cho các tổ hợp tác nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực không thể tự thanh toán phí giao dịch.

Anh Đức