12:00 23/12/2011

Hiệu quả từ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp

Nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp, từ tuyển chọn giống cây trồng phù hợp, đến nâng cao sản lượng gỗ rừng trồng, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đã tăng nhanh trong thời gian qua.

Nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp, từ tuyển chọn giống cây trồng phù hợp, đến nâng cao sản lượng gỗ rừng trồng, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đã tăng nhanh trong thời gian qua.

Nếu sản lượng gỗ rừng trồng năm 2007 chỉ đạt 40 m3/ha, thì đến nay tăng lên gấp đôi, đạt 80 m3/ha trở lên. Không những vậy, một số diện tích sử dụng giống keo nhập ngoại sản lượng đạt trên 100 m3/ha; nâng giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn tỉnh Tuyên Quang năm 2011 lên trên 250 tỷ đồng. Qua đó, góp phần quan trọng vào chương trình xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.

Thu hoạch gỗ ở xã Sinh Long, huyện Na Hang (Tuyên Quang).


Gia đình anh Lục Văn Viết, dân tộc Tày, thôn Mai Sơn, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, là một trong những hộ có thu nhập cao từ trồng rừng, cho biết: “Trước đây, diện tích đồi rừng của gia đình tôi chủ yếu trồng cây tạp nên hiệu quả không cao. Năm 2005, được sự giúp đỡ của cán bộ ngành lâm nghiệp huyện và tỉnh, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư mua giống keo nhập ngoại và giống cây lát Mêhicô về trồng. Trong năm nay, chỉ riêng tiền bán gỗ lát gia đình tôi đã thu về hơn 70 triệu đồng. Dự kiến 1-2 năm nữa, gần 10 ha rừng keo đồng loạt cho thu hoạch, gia đình sẽ thu về khoảng gần 700 triệu đồng”.

Cũng nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng, gia đình ông Hoàng Văn Đống, dân tộc Cao Lan, thôn Hải Mô, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương đã có của ăn, của để. Chỉ tính riêng trong năm nay, 3 ha keo (trong tổng số 10 ha rừng) của gia đình ông Đống đã thu về gần 200 triệu đồng. Cũng theo ông Đống, trước đây, diện tích rừng nhà ông chủ yếu trồng những giống cây gỗ bản địa nên năng suất, giá trị thu hoạch trên 1 ha đạt rất thấp, chỉ được khoảng 15-20 triệu đồng/ha.

Được biết, từ năm 1998 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất lâm nghiệp. Một số đề tài nghiên cứu có giá trị thiết thực như: Trồng khảo nghiệm giống bạch đàn đỏ; giống lát Mêhicô; khảo nghiệm cây hồng; xác định tuổi khai thác hợp lý của cây keo lai làm nguyên liệu giấy; đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế của cây tre luồng. Đồng thời, xây dựng mô hình trồng rừng bằng chè Shand tuyết tại huyện vùng cao Nà Hang. Áp dụng khoa học và công nghệ trồng rừng lấy gỗ chế biến gia dụng và xây dựng từ giống keo nhập ngoại. Thông qua các đề tài khoa học đã xác định chỉ tiêu sinh trưởng, khả năng cho năng suất, tính thích ứng, tính kháng chịu sâu bệnh làm cơ sở bổ sung vào bộ giống cây lâm nghiệp trên địa bàn; góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất lâm nghiệp trong những năm qua.

Ngoài thực hiện các dự án, đề tài khoa học trong trồng rừng, tỉnh còn triển khai xây dựng các mô hình nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp như: Trồng mây nếp dưới tán rừng, trồng tre bát độ, sử dụng nơi đất thấp trồng chè và cây ăn quả, kỹ thuật trồng và khai thác rừng bảo đảm bền vững môi trường. Xác định việc sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn là yếu tố quan trọng cho kinh tế rừng phát triển, các đơn vị chức năng trên địa bàn các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các vườn ươm đủ điều kiện sản xuất kinh doanh cây giống. Theo thống kê, hiện tỉnh Tuyên Quang có 23 đơn vị với 42 vườn ươm cây giống có chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất giống, đảm bảo giống tốt đáp ứng nhu cầu trồng rừng.

Bài và ảnh: Vũ Quang Đán