07:09 22/07/2011

Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi cho người nghèo ở huyện Konchoro

Konchoro là một trong những huyện vùng sâu xa nghèo nhất của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có khoảng 8.000 hộ với hơn 40.000 nhân khẩu, trong đó có đến hơn 60% số dân là người dân tộc thiểu số Bahnar và J'rai.

Konchoro là một trong những huyện vùng sâu xa nghèo nhất của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có khoảng 8.000 hộ với hơn 40.000 nhân khẩu, trong đó có đến hơn 60% số dân là người dân tộc thiểu số Bahnar và J'rai. Từ nhiều năm nay, được sự quan tâm chăm lo đặc biệt của Đảng và Chính phủ, đời sống của bà con đang dần được cải thiện. Đặc biệt, hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn đã giúp sức cho bà con nghèo phát triển sản xuất bền vững.

Nhà bà Đinh Thị Gơi - dân tộc Bahnar ở làng Broch thuộc xã An Trung trước đây còn nghèo lắm. Nhà có đất sản xuất nhưng không biết cách làm ăn, trong khi đó một mình bà nuôi tới 9 đứa con nên gần như năm nào cũng thiếu ăn. Từ năm 2004, nghe theo lời cán bộ, bà vay vốn ưu đãi của NHCSXH được 7 triệu đồng để trồng 1 ha mía. Năm đầu có lãi, không những bà trả hết vốn mà còn dôi dư để trang trải cuộc sống gia đình. Sau đó bà Gơi mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng nữa để mở rộng diện tích mía, đào ao nuôi cá và năm nào cũng có nguồn thu đáng kể. Hiện nay, nhà bà có đến 5 ha mía và ước tính trong vụ thu hoạch 2011 - 2012 tới sẽ có mức thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Bà Gơi tâm sự: “Nhà mình thoát nghèo cũng nhờ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ. Quỹ đất sản xuất của nhà mình không còn bỏ hoang như trước đây nữa mà đưa vào sản xuất hết rồi. Có vốn mình trồng mía, năm nào cũng có lãi và đầu tư mở rộng diện tích để tăng thêm nguồn thu nhập...”.

Nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đến với người nghèo ở huyện vùng sâu Konchoro như một luồng gió mát, góp phần làm thay đổi cung cách làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con đã biết đưa các loại cây kinh tế như mía, ớt năng suất cao, ngô lai, nuôi bò lai... thay thế dần những loại giống cây trồng truyền thống theo phương thức canh tác nương rẫy. Bà con trồng cây gì, nuôi con gì cũng đều cho năng suất và hiệu quả cao. Cuộc sống của bà con đang dần được cải thiện và nâng cao, có những hộ thường xuyên phải cứu đói hàng năm và nay đã thoát đói nghèo bền vững. Ngoài việc cho vay vốn hộ nghèo, Phòng giao dịch huyện đã mở rộng thêm nhiều chương trình cho vay vốn khác đạt hiệu quả như: Hỗ trợ vốn vay làm nhà ở, cho vay làm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn...

Toàn huyện Konchoro hiện có đến gần 7.500 hộ có quan hệ vốn vay với NHCSXH với tổng số dư nợ đạt hơn 100 tỷ đồng. Đây là một cố gắng lớn của cán bộ nhân viên Phòng giao dịch, đã có cách làm năng động, sáng tạo đã đưa được nguồn vốn lớn đến với bà con. Cả Phòng giao dịch hiện chỉ có 4 cán bộ tín dụng, trong khi đó địa bàn huyện thì rộng với 13 xã và thị trấn và rất khó khăn trong việc đi lại; có những xã xa tới 40 - 50 km. Phòng giao dịch huyện đã xây dựng lịch tiếp dân tại từng xã theo đúng quy định ngày giờ cụ thể, mỗi tháng 1 ngày tạo thuận lợi cho bà con tiếp cận với đồng vốn. Ông Đinh Văn Nghĩa - Giám đốc Phòng giao dịch huyện Konchoro cho biết: Đồng vốn ưu đãi mới chỉ đến được khoảng 80% số hộ nghèo trên địa bàn, do một bộ phận nhỏ người nghèo dân tộc có trình độ thấp nên chưa có nhu cầu vay vốn. Trong thời gian tới, Phòng giao dịch sẽ cố gắng tiếp cận và cung ứng đồng vốn vay đến hết số hộ thuộc diện nghèo trong huyện.

Bài và ảnh:Văn Thông