12:09 28/12/2011

Hiệu quả từ giao và cho thuê rừng ở Yên Bái

Với vai trò nòng cốt trong việc xây dựng phương án qui hoạch, kế hoạch quản lí bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng, kiểm lâm Yên Bái đã và đang góp phần gia tăng độ che phủ rừng ở Yên Bái..

Với vai trò nòng cốt trong việc xây dựng phương án qui hoạch, kế hoạch quản lí bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng, kiểm lâm Yên Bái đã và đang góp phần gia tăng độ che phủ rừng ở Yên Bái.

Giao, cho thuê trên 121.000 ha rừng

Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc có tổng diện tích tự nhiên là 689.949,1 ha, trong đó diện tích đất có rừng 413.681,7 ha. Trong đó, rừng tự nhiên có 235.511,1ha; rừng trồng có 178.170,7 ha; độ che phủ của rừng đạt 59,6%.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc giao rừng sản xuất gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình đang được làm thí điểm tại 4 huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên và Mù Cang Chải. Tổng diện tích rừng được giao là 11.409,1 ha cho 28 xã. UNBD tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư và đầu mối thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với UBND các huyện, Sở Tài nguyên Môi trường chỉ đạo các ban, ngành của huyện, Hạt Kiểm lâm (Phó ban thường trực Ban chỉ đạo giao rừng, cho thuê rừng huyện) cùng các xã tiến hành rà soát, bóc tách ranh giới, diện tích rừng dự kiến giao, cho thuê tại thực địa, tiến hành họp thôn, bản tuyên truyền chủ trương và hướng dẫn người dân địa phương trình tự, thủ tục các bước thực hiện công tác giao rừng, nhận rừng.
Đến nay, các xã được giao rừng thí điểm đã hoàn chỉnh xong phương án giao rừng trình UBND huyện phê duyệt và đang tiến hành đo đạc ranh giới, bàn giao rừng tại thực địa cho từng hộ, nhóm hộ và cộng đồng dân cư.

“Công tác giao rừng, cho thuê rừng nhằm làm cho rừng có chủ thực sự và người dân địa phương có đất sản xuất, duy trì đời sống, phát triển kinh tế và làm giàu từ rừng”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.

Còn nhiều khó khăn

Theo kế hoạch đến hết năm 2011, tỉnh Yên Bái hoàn thành việc giao, cho thuê toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích cần giao, cho thuê là 512.263,3 ha rừng. Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 37 tỷ đồng.

Tính đến tháng 9/2011 trên địa bàn toàn tỉnh đã giao, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 121.212 ha rừng và đất lâm nghiệp cho 7 công ty lâm nghiệp với diện tích là 16.055,62 ha, hai ban quản lí rừng phòng hộ được giao 101.836 ha và hai ban quản lý Khu bảo tồn được giao 36.508,1 ha.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, quá trình triển khai giao rừng, cho thuê rừng gặp phải nhiều vướng mắc.

Đối với diện tích rừng có vị trí thuận lợi gần nhà dân, gần đường giao thông, độ dốc thấp và rừng có trữ lượng thường được nhiều người xin nhận, vì thế khó khăn cho việc phân chia và lập phương án.

Bên cạnh đó, diện tích rừng sau khi bàn giao từ các lâm trường sang các huyện để thực hiện giao rừng cho thuê rừng đã giảm giữa hồ sơ và thực địa. Nguyên nhân, trước đây các lâm trường được giao quản lí diện tích này nhưng đã để người dân địa phương lấn chiếm, đến nay không thu hồi được.

Mặt khác, những diện tích rừng trồng phòng hộ theo chương trình dự án 327 trước đây, sau khi quy hoạch chuyển sang sản xuất, nay không thực hiện thu hồi được để giao cho thuê rừng. “Trước đây có một số ít người nhận đất trồng rừng với diện tích lớn do Nhà nước khuyến khích, nhưng nay rừng có giá trị lớn, họ không muốn trả lại Nhà nước để giao rừng cho các hộ không có đất. Một số hộ thì được giao theo Nghị định 02/1994/NĐ - CP của Chính phủ ngày 15/1/1994 vượt quá định mức, đến nay cũng không thực hiện việc thu hồi để giao cho người khác”, ông Vinh lý giải.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 24/2009/TT - BNN ngày 5/5/2009 về hướng dẫn chuyển đổi rừng phòng hộ, đặc dụng được qui hoạch sang rừng sản xuất và ngược lại. Theo đó nghĩa vụ của người được nhận rừng chỉ phải nộp 80 kg thóc/ha vào Quĩ bảo vệ rừng cấp xã. Theo lãnh đạo Chi Cục Kiểm lâm Yên Bái, định mức này sẽ dẫn đến tình trạng người dân địa phương tranh giành nhận rừng, dễ gây khiếu kiện đông người, vì thế mà chính quyền chỉ muốn chỉ giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lí và cùng hưởng lợi.

Một trở ngại nữa, theo địa phương này, là định mức giao rừng theo Quyết định 112/QĐ - BNN còn thấp so với thực tế, đặc biệt là phần đo đạc, rà soát ranh giới thửa đất lâm nghiệp và đo đạc bóc tách ranh giới rừng. Vì vậy rất khó khăn cho việc thuê tư vấn thực hiện phần đo đạc.

Mạnh Minh