06:07 25/06/2014

Hiệu quả từ dự án nâng cao năng lực nuôi dạy trẻ em ở Đà Nẵng

Nhằm nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ giáo viên và phụ huynh kỹ năng nuôi dạy trẻ và tự phát triển chuyên môn nghiệp vụ sư phạm.

Nhằm nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ giáo viên và phụ huynh kỹ năng nuôi dạy trẻ và tự phát triển chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Thời gian qua, dự án “Nâng cao năng lực nuôi dạy trẻ vì sự phát triển nguồn nhân lực phụ nữ Đà Nẵng” do Trường Đại học Chung- Ang (Hàn Quốc) và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp với Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng triển khai đã mang lại nhiều hiệu quả cao, nhận được sự ủng hộ của nhiều giáo viên và phụ huynh trên địa bàn thành phố.

 

Trao bằng chứng nhận cho học viên

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, hiệu quả mà dự án mang lại không chỉ giúp nâng cao kiến thức và năng lực cho học viên mà nó có tạo ra sự lan tỏa trong xã hội. Đối tượng tham gia khóa học rất đa dạng, ngoài giáo viên mầm non, mẫu giáo còn có những bậc phụ huynh có con trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi hay những phụ nữ muốn làm nghề nghiệp liên quan đến nuôi dạy trẻ...Các buổi học, khóa học đã góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ cũng như phát triển nghiệp vụ sư phạm nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đồng thời hỗ trợ kiến thức chăm sóc và giáo dục trẻ ngày một tốt hơn cho các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ.

 

Tại thành phố Đà Nẵng, dự án được triển khai giảng dạy 4 lớp tại hai trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn) và trường mầm non 29-3 (quận Hải Châu) thu hút 160 học viên tham gia. Ngoài đào tạo về các kỹ năng liên quan đến chăm sóc trẻ như: Đặc điểm phát triển và chương trình thúc đẩy sự phát triển của trẻ, Phương pháp hương dẫn trò chơi hay hướng dẫn cuộc sống...Chương trình còn xây dựng các nội dung liên quan đến việc giáo dục cha mẹ như kiểm tra kỹ năng cũng như thái độ nuôi dạy trẻ hay cung cấp thông tin về các thể loại và cách xử lý các bệnh tật và các loại tai nạn thường gặp đối với trẻ...Tại mỗi lớp học, các học viên vừa học lý thuyết vừa tham gia thực hành như: Trãi nghiệm các trò chơi, đóng vai tạo tình huống xử lý trong giáo dục và chăm sóc trẻ, thực hành soạn giảng hay tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ...

 

Trong một tháng triển khai, các học viên được đăng kí tham gia khóa học 40 tiếng. Điểm đặc biệt của các khóa học này là 100% giáo viên giảng dạy đều đến từ Hàn Quốc. Với quy mô của mỗi lớp học chỉ khoảng 30-35 học viên nên quá trình quản lý và tương tác giữa giáo viên và học viên rất thuận lợi. Dự án áp dụng chương trình giảng dạy theo phong cách mới với 70% thời gian các học viên tiến hành thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của mình. Với cách thức so sánh, các giảng viên đã cung cấp những thông tin về phương pháp nuôi dạy trẻ tại Hàn Quốc qua đó giúp giáo viên, phụ huynh ở Đà Nẵng khi tham gia khóa học có góc nhìn mới về nền giáo dục của một nước phát triển. Hiện tại, 100% giáo viên mầm non tham gia lớp học đều được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học.

 

Cô Won Hee Jung, người quản lý dự án cho biết, thông qua chương trình giáo dục của chúng tôi, các học viên đã tự mình nhìn lại bản thân với vai trò là một giáo viên mầm non, đã có thể học được phương pháp thúc đẩy sự phát triển theo từng độ tuổi của trẻ như thế nào, phương pháp giúp trẻ hiểu khái niệm toán học, khoa học và nuôi dưỡng khả năng nghệ thuật cùng trí sáng tạo, phương pháp thúc đẩy sự phát triển cơ thể...Và tôi cũng rất vui vì thông qua chương trình giáo dục mà đôi bên có thể hiểu hơn về văn hóa của nhau và tạo được mối quan hệ bạn bè thân thiết.

 

Võ Văn Tứ