05:07 28/05/2015

Hiệu quả từ đề án Mekong 1000

Qua nhiều năm thực hiện, đề án Mekong 1000 đã góp phần nâng chất nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Qua nhiều năm thực hiện, đề án Mekong 1000 đã góp phần nâng chất nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Những hiệu quả bước đầu


Mekong 1000 là đề án đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, dựa vào nhu cầu phát triển, địa phương nào cần nguồn nhân lực ở lĩnh vực nào thì sẽ cử người của địa phương đó đi đào tạo ở lĩnh vực đó với từng đề án nhỏ như Cần Thơ 150, Cà Mau 120, Long An 120... Chi phí đào tạo do Ủy ban nhân dân mỗi tỉnh tài trợ.

Sau khi đi du học theo Đề án Mekong 1000, bác sỹ Tô Minh Nghị đã đưa nhiều kiến thức đã học ở nước ngoài về áp dụng tại địa phương.


Ông Lê Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Đề án này đã đào tạo được số lượng khá lớn cán bộ công chức, viên chức trẻ, có trình độ chuyên môn cao. Trong những năm qua, thành phố Cần Thơ đã cử 121/150 chỉ tiêu của đề án đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Ứng viên được đào tạo có chất lượng đào tạo tốt, phong cách làm việc nhanh, hiệu quả góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường làm việc tại các cơ quan đơn vị ngày càng tốt hơn. Chất lượng đào tạo được tiếp tục thể hiện rõ trong quá trình bố trí sử dụng sau đào tạo”.

Chị Lê Thị Huyền Quyên, một trong những cán bộ được đào tạo từ đề án trên, chia sẻ: “Nhờ có đề án tôi được đi du học ở Ốtrâylia với chuyên ngành Công nghệ sản xuất tiên tiến. Sau khi học xong, tôi về giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Về đây tôi được lãnh đạo tạo điều kiện cho nghiên cứu và những kiến thức tôi học cũng được áp dụng vào thực tế”.

Tiến sĩ, bác sĩ Tô Minh Nghị, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Cà Mau, cũng chia sẻ: "Sau khi đi nghiên cứu sinh ở Vương quốc Anh về ngành ung thư, tôi đã kiến nghị với Sở Y tế tỉnh hình thành mạng lưới phòng chống ung thư và chăm sóc giảm đau cho bệnh nhân ung thư tại các trạm y tế xã, phường. Theo đó, bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối thường rất đau đớn, khó thở, bị suy kiệt, khó di chuyển tới bệnh viện vì vậy các bác sĩ tại các trạm y tế sẽ đến tận nhà để chăm sóc bệnh nhân. Điều này rất có lợi cho bệnh nhân vì họ sẽ được sống gần nhà, được nhiều người chăm sóc, không phải đến các bệnh viện ở xa. Bệnh nhân sẽ được áp dụng những biện pháp y tế tiên tiến nhất để giảm nhẹ đau đớn. Mô hình này hiện nay chưa có ở Việt Nam".

Từ năm 2009 đến nay, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã được thành phố ưu tiên phân công 18 ứng viên tốt nghiệp từ Đề án Cần Thơ 150 thuộc các chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ về công tác tại trường. Họ mang về đây những cái hay, cái mới của nước ngoài để ứng dụng tại đơn vị, giải quết công việc rất nhanh và khoa học. Đề án này đã giúp tăng cường đội ngũ có trình độ sau đại học của trường và đây là một yếu tố hết sức quan trọng để từ một trung tâm tại chức lên thành một trường đại học.

Hiện nay các tỉnh tham gia Mekong 1000 đã có những con người xuất sắc và có khả năng giao tiếp quốc tế. Cụ thể vừa rồi, tại khu vực có diễn đàn quốc tế với hơn 30 đại sứ ở các nước về Cần Thơ, chúng tôi đã huy động những ứng viên của chương trình MeKong 1000 để tiếp những đoàn quốc tế đến làm việc. Các ứng viên này không chỉ giỏi trình độ ngoại ngữ mà cách giao tiếp, hiểu biết văn hóa về đất nước của họ cũng để lại ấn tượng tốt đẹp cho đoàn khách quốc tế đến tham dự diễn đàn.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Có thể nói, Đề án Mekong 1000 đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các tỉnh ĐBSCL, thế nhưng để Đề án tiếp tục triển khai có hiệu quả thì vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Theo Ban điều hành thực hiện Đề án Cần Thơ 150, số cán bộ, công chức, viên chức tham gia đề án còn quá ít (chỉ có 7 người); ứng viên theo học nghiên cứu sinh không nhiều (5 tiến sĩ) so với kế hoạch đề ra là 24 tiến sĩ; chưa gắn việc cử đi đào tạo với dự kiến phân công công việc cụ thể nên có phần bị động khi ứng viên tốt nghiệp về nước. Một số nhóm nghề (y tế và sức khỏe cộng đồng, công nghệ sinh học, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa) có rất ít nguồn ứng viên. Ngoài ra, một số ít cơ quan đơn vị sử dụng thiếu quan tâm đến việc tạo môi trường làm việc trong điều kiện cho phép, có nơi không trang bị kịp thời phương tiện làm việc tối thiểu như bàn ghế, máy vi tính...

Còn ở tỉnh Cà Mau, bên cạnh những hạn chế trong việc lựa chọn ứng viên tham gia Đề án, việc xúc tiến hồ sơ của ứng viên đi học còn chậm. Số lượng ứng viên đăng ký tham gia xét tuyển còn ít, đặc biệt ứng viên là nghiên cứu sinh chỉ có 26/210 ứng viên. Chất lượng ứng viên còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và chuyên môn. Số sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi còn ít, chiếm khoảng 20% tổng số ứng viên.

Nhiều ý kiến cho rằng, tìm kiếm ứng viên tham gia Đề án đã khó nhưng làm sao để "giữ chân" ứng viên sau khi tốt nghiệp gắn bó lâu dài với địa phương lại càng khó hơn. Dù tỷ lệ thiếu hụt cán bộ của đề án không cao nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các đơn vị sử dụng lao động và tạo dư luận hoài nghi về tính hiệu quả của Đề án. Do đó, các địa phương cần phải tạo môi trường làm việc giúp các ứng viên phát huy được năng lực của họ. Bên cạnh đó, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và quản lý, sử dụng có hiệu quả sau đào tạo. Đồng thời chuẩn bị tốt hơn về tâm lý, chính trị, đạo đức cho các ứng viên.

Đan Phương - Thế Anh