09:22 13/09/2012

Hiệu quả sau 5 năm thực hiện tín dụng học sinh, sinh viên

Tháng 5/2003, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH tiếp nhận Chương trình tín dụng HSSV từ Ngân hàng Công thương Việt Nam với nguồn vốn 160 tỷ đồng, dư nợ 76 tỷ đồng, trên 35.000 HSSV còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn là 13,04%.

Tháng 5/2003, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH tiếp nhận Chương trình tín dụng HSSV từ Ngân hàng Công thương Việt Nam với nguồn vốn 160 tỷ đồng, dư nợ 76 tỷ đồng, trên 35.000 HSSV còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn là 13,04%.


 

Làm thủ tục cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay thông qua hộ gia đình tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam).

 

Sau khi nhận bàn giao, NHCSXH đã đẩy mạnh việc cho vay, đồng thời tìm cách khắc phục những tồn tại của phương thức cho vay trực tiếp, như: HSSV sau khi ra trường không duy trì mối liên hệ với ngân hàng và nhà trường; HSSV ra trường đã có việc làm nhưng không tự giác trả nợ; gia đình có con vay vốn không có trách nhiệm và tinh thần hợp tác để trả nợ ngân hàng. Ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn để tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng đối với HSSV các khóa sau, tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao.


Vì vậy, NHCSXH đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi phương thức cho HSSV vay vốn thông qua hộ gia đình.


Theo đó, chủ hộ gia đình trực tiếp nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng. Phương thức này tỏ ra hiệu quả trong việc bảo toàn nguồn vốn cho HSSV vay khi đối tượng và điều kiện cho vay ngày càng được Chính phủ nới rộng. Ngày 18/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 107 về tín dụng đối với HSSV. Đối tượng vay vốn là những HSSV có hoàn cảnh khó khăn (con hộ nghèo, hộ cận nghèo) đang học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có thời gian đào tạo từ một năm trở lên. Mức cho vay là 300.000 đồng/tháng/HSSV. Với chủ trương tiếp tục tập trung nguồn lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, năm 2007 Chính phủ lại ban hành Quyết định 157 thay thế Quyết định 107 năm 2006, mở rộng một số chính sách và chế độ ưu đãi. Đối tượng cho vay không chỉ bó hẹp HSSV trong hệ chính quy, mà được mở rộng, bao gồm: HSSV đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo trên hay dưới một năm và là con của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; HSSV mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.


Mức cho vay được nâng dần lên, từ 800.000 đồng/tháng/HSSV (từ tháng 9/2007) lên 900.000 đồng/tháng/HSSV (từ tháng 11/2009), lên 1 triệu đồng/tháng/HSSV (từ tháng 8/2011). Hiện nay, mức cho vay NHCSXH đang áp dụng là 1 triệu đồng/tháng/HSSV (tương đương với 10 triệu đồng/năm/HSSV), lãi suất cho vay 0,65%/tháng.


Cơ chế cho vay thông qua hộ gia đình xuyên suốt quá trình HSSV vay vốn. Đối với trường hợp HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, HSSV được trực tiếp vay vốn tại NHCSXH nơi nhà trường đóng trụ sở.


Sau khi HSSV kết thúc khóa học, trong vòng tối đa không quá 12 tháng NHCSXH bắt đầu thực hiện thu nợ để cho vay quay vòng.


Có thể nói, ít có một chính sách nào lại nhanh chóng đi vào cuộc sống như chính sách tín dụng HSSV; được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát và quyết liệt; được nhân dân đồng tình ủng hộ; kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; tạo sự công bằng xã hội trong việc tiếp cận các cơ hội học tập. Theo báo cáo, từ khi triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ, chương trình đã giúp cho hơn 2,8 triệu lượt HSSV được vay vốn. Số còn dư nợ tại NHCSXH hơn 1,9 triệu hộ gia đình với gần 2,4 triệu HSSV.


Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, đảm bảo thực hiện chủ trương của Chính phủ không để một HSSV nào đỗ đại học, cao đẳng phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Chương trình đã góp phần đáng kể vào kết quả công tác đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Tuy vậy, chương trình cũng đang gặp phải một số khó khăn. Khó khăn lớn nhất là cơ cấu nguồn vốn tín dụng chưa có tính bền vững, vẫn còn nhiều bị động, chủ yếu là vốn tạm vay, tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước, vốn huy động qua các kênh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.


Thời gian giải ngân vốn vay thường tập trung cao vào đầu năm học, đầu học kỳ, thời gian giải ngân lại ngắn. Vì vậy, đã có nhiều thời điểm, do có khó khăn trên thị trường, NHCSXH đã không thể huy động được vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của HSSV.


Việt Hải