09:22 05/09/2012

Hiệu quả mô hình liên kết nuôi, chế biến cá lóc

Nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, Hội nông dân huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã triển khai mô hình Tổ hợp tác (THT) liên kết giữa những người nuôi cá lóc trong vèo (lưới mùng) và các doanh nghiệp chế biến.

Nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, Hội nông dân huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã triển khai mô hình Tổ hợp tác (THT) liên kết giữa những người nuôi cá lóc trong vèo (lưới mùng) và các doanh nghiệp chế biến.

 

Đầu ra cho nghề nuôi cá lóc trong vèo tại Sóc Trăng đã được bền vững từ mô hình liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp.

 

Đây là mô hình liên kết phát huy được tính tích cực, hiệu quả, đảm bảo được đầu ra cho đồng bào dân tộc Khmer và tạo được vùng nguyên liệu bền vững cho doanh nghiệp. Các hộ nuôi cá lóc trong vèo khi tham gia mô hình này luôn được đảm bảo giá cá cao hơn mức thị trường từ 5-15%.


Do điều kiện tự nhiên thuận lợi với nhiều tuyến kênh lớn nên nhiều năm trở lại đây, huyện Châu Thành đã tập trung phát triển phong trào nuôi thủy sản, trong đó nổi trội nhất là mô hình nuôi cá lóc trong vèo. Toàn huyện có gần 200 vèo nuôi cá, tập trung nhiều nhất là ở 2 xã Thiện Mỹ và Hồ Đắc Kiện. Đây cũng là 2 địa phương được xem là vùng cá nguyên liệu của mô hình THT liên kết cá nuôi và làm khô.

 

Mỗi năm 2 vùng nguyên liệu này xuất bán ra thị trường hàng chục tấn cá. Không những đầu ra của nguồn nguyên liệu tại địa phương được đảm bảo mà các doanh nghiệp chế biến còn xây dựng được một hệ thống thương lái thân tín tại các địa phương khác như Hậu Giang, An Giang. Theo anh Lâm Thái Hòa, dân tộc Khmer, chủ một cơ sở chuyên sản xuất khô cá lóc ở Châu Thành, nhờ liên kết giữa người nuôi và cơ sở chế biến nên doanh nghiệp không sợ thiếu nguồn nguyên liệu, các hộ dân không lo bị thương lái ép giá. Thậm chí, người dân có thể neo cá lại để chờ cá lớn hơn, tăng lợi nhuận.


Hiện trên địa bàn huyện có 3 cơ sở lớn chuyên sản xuất và chế biến khô cá lóc. Riêng cơ sở của anh Hòa những ngày bình thường đã thu mua và chế biến khoảng 500 kg, lúc chính vụ là 3 - 4 tấn/ngày. Các cơ sở chế biến còn góp phần giải quyết lao động địa phương. Những ngày bình thường, trung bình mỗi cơ sở có từ 3 - 7 người, lúc cao điểm từ 20 - 30 người.


Trước đây, để cho ra được 1 kg khô cá thành phẩm, phải sử dụng hết 4 kg cá tươi và phải phơi từ 3 - 4 nắng khô cá mới đạt chuẩn. Để giúp mô hình liên kết này thêm bền vững và rút ngắn thời gian sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho cả doanh nghiệp và người nuôi, Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng vừa hỗ trợ cơ sở sản xuất khô cá của anh Hòa một máy sấy khô, giúp công đoạn phơi sấy được rút ngắn, chất lượng sản phẩm nâng lên.


Ông Võ Hồng Vân, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Châu Thành cho biết: Từ thực tế của địa phương, Hội nông dân huyện đã xây dựng chuỗi liên kết cho THT làng nghề làm khô. Đến nay mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần rất lớn tăng nguồn kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm chi phí cho cả người nuôi và doanh nghiệp khi tham gia mô hình. Sắp tới, chuỗi liên kết này tiếp tục được nhân rộng tại 8 xã trên địa bàn huyện.


Bài và ảnh: Chanh Đa