04:08 18/04/2012

“Hiến kế” bỏ trần lãi suất huy động, áp trần cho vay

Để có lợi cho người dân gửi tiền hay doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn “rẻ”, có ý kiến cho rằng: NHNN nên bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay. Nhưng cũng có ý kiến trăn trở: Áp trần lãi suất cho vay là việc làm không đơn giản.

Để có lợi cho người dân gửi tiền hay doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn “rẻ”, có ý kiến cho rằng: NHNN nên bỏ trần lãi suất huy động và áp trần lãi suất cho vay. Nhưng cũng có ý kiến trăn trở: Áp trần lãi suất cho vay là việc làm không đơn giản. Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ bật mí: Sẽ chờ thời điểm “chín muồi” để bỏ trần lãi suất huy động.

Nên bỏ trần lãi suất huy động

TS Nguyễn Minh Phong nói: “Thời điểm tồn tại việc áp trần lãi suất huy động đã hết, nên bỏ ngay để chuyển sang áp trần lãi suất cho vay”. Còn TS Vũ Đình Ánh thì băn khoăn: Việc bỏ trần lãi suất huy động được thực hiện khi trả lời được 2 câu hỏi, đó là: Điều kiện kinh tế vĩ mô đã đủ đảm bảo để quay trở lại việc tự do hóa lãi suất và nếu bỏ trần lãi suất thì NHNN sẽ can thiệp điều hành chính sách tiền tệ bằng công cụ gì?

Theo TS Nguyễn Minh Phong, lý do để NHNN đưa ra trần huy động là vì thực tiễn thời gian qua có một số ngân hàng mới thành lập rất nhanh, nhưng phần lớn là ngân hàng nhỏ, sức cạnh tranh và uy tín của các ngân hàng này không cao. Vì vậy, các ngân hàng này đã sử dụng lãi suất như là một công cụ duy nhất để thu hút vốn và hệ quả của nó là tạo ra một cuộc cạnh tranh vốn không lành mạnh, đặc biệt là sự di chuyển vốn xã hội không phải vì mục tiêu lợi ích mà nhằm lòng vòng để buôn bán vốn. Nhận thấy thực trạng này có thể gây ra những nhiễu loạn và thiệt hại cho các nhà đầu tư lớn, NHNN đưa ra quy định áp trần này để ngăn cản những rủi ro cho các ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại Sở giao dịch Vietcombank - Chi nhánh Thanh Hóa. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Tuy nhiên ông Phong cũng cho rằng: Theo thời gian, cách làm này đã bộc lộ những tác hại như: Thứ nhất: Chỉ khống chế đầu vào mà không khống chế đầu ra khiến cho lợi ít mà hại nhiều. Trong đó, người gửi tiền bị thiệt trong bối cảnh lạm phát cao, lãi suất thực tế bị âm; điều này tạo ra sự nguy hiểm là người dân sẽ ít gửi tiền hơn, thậm chí nếu tiếp tục hạ trần, người dân sẽ rút tiền ra. Thứ hai, nó sẽ khiến cạnh tranh trong các ngân hàng với nhau kém đi. Thứ ba, lượng vốn đầu vào ít, trong khi đầu ra thì mở lãi suất khiến cho dòng vốn xã hội đổ dồn vào những người vay với lãi suất cao. Những đối tượng vay này thường là ở lĩnh vực chứng khoán, bất động sản hoặc tín dụng đen.

Có nên áp trần lãi suất cho vay?

Chia sẻ với phóng viên Báo Tin tức, đại diện một doanh nghiệp cho rằng: Thay vì khống chế đầu vào nên khống chế đầu ra (trần lãi suất cho vay) sẽ có lợi rất nhiều mặt cho đất nước. Chính sách khống chế lãi suất đầu vào chỉ có lợi cho các NHTM lớn, hơn là có lợi cho nhiều triệu người dân gửi tiết kiệm và hàng vạn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần vay vốn và cả các NHTM nhỏ.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, thực hiện áp trần lãi suất cho vay sẽ đảm bảo được một loạt các mục tiêu. Thứ nhất, vẫn giữ được mục tiêu về lãi suất trần huy động vì sau khi chỉ cần khống chế cho vay tức khắc các ngân hàng phải áp trần lãi suất huy động để đảm bảo lợi nhuận. Thứ hai, sẽ chống trường hợp đi tìm người cho vay cao theo kiểu đấu thầu khiến cho vốn lại bị dồn vào gây ra sự mất an toàn. Thứ ba, để đảm bảo mức lãi suất phù hợp giúp doanh nghiệp không bị thiệt.
Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh lại rất “dị ứng” với đề xuất áp trần lãi suất cho vay vì các ngân hàng đang cạnh tranh nhau rất khốc liệt, các mức lãi suất cho vay rất khác nhau thì khó đưa ra một mức lãi suất để áp trần cho vay.

Liên quan tới vấn đề này, một cán bộ của NHNN cho rằng: Việc đặt trần lãi suất tiền vay là không thể và không cần thiết. Bởi lẽ, khi dư vốn, kết hợp với kỳ vọng lạm phát đang xuống thì lãi suất tiền vay phải xuống. Mặt khác, việc khống chế trần lãi suất tiền vay không phù hợp với thực tế vì mức độ rủi ro từng nhóm khách hàng, lĩnh vực giải ngân là khác nhau, nên không thể áp đặt một trần lãi suất tiền vay như nhau.

Minh Phương - Hải Yên