02:00 10/02/2012

Hết lòng với nghệ thuật chèo truyền thống

Không chỉ có 4/4 thôn của Phong Châu có câu lạc bộ hát chèo mà tất cả các ban, ngành, đoàn thể của xã đều thành lập câu lạc bộ. Đặc biệt, các thế hệ từ người già đến em trẻ ở Phong Châu đều biết hát chèo,...

Làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng, Thái Bình) vốn là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống. Phát triển qua nhiều thế hệ, nghệ thuật chèo làng Khuốc với các gánh hát hay đội văn nghệ làng gắn liền với các tên tuổi như cụ Xã Lục, cụ Thương, cụ Kha, cụ Định và đến nay được sinh hoạt tại các câu lạc bộ hát chèo.

Không chỉ có 4/4 thôn của Phong Châu có câu lạc bộ hát chèo mà tất cả các ban, ngành, đoàn thể của xã đều thành lập câu lạc bộ. Đặc biệt, các thế hệ từ người già đến em trẻ ở Phong Châu đều biết hát chèo, biết làn điệu của những tích chèo truyền thống, những âm điệu, lời ca, hoạt cảnh, cách đánh trống, ngắt nhịp... Phong trào ca hát nghệ thuật này còn được lưu giữ và phát triển đến ngày nay là do các thế hệ đã biết phát huy truyền thống của những lớp người đi trước, biết bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Trong số những con người ấy phải nhắc đến ông Hà Quang Ngạn, Hà Quang Tiết. Người dân làng Khuốc đã coi họ như những nghệ nhân của làng.

Một cảnh trong vở “Đất làng” của Nhà hát Chèo Thái Bình, tiết mục tham gia Liên hoan sân khấu Chèo đề tài hiện đại 2011.

“Một mình đóng cả ba vai chèo…”

Ông Hà Quang Ngạn - người được mệnh danh là nghệ sỹ hát hay nhất làng chèo, ở tuổi 73 nhưng tiếng hát của ông vẫn còn trong trẻo lắm. Ông hát cho chúng tôi nghe như đang thổi hồn vào những ca từ để chứng minh cho lòng nhiệt huyết, tình yêu nghệ thuật của mình. Biết hát từ năm 11 tuổi, ngày đó ông mới chỉ xách trống đi theo các gánh hát của làng, thấy họ hát gì thì cũng hát thế. Chỉ sau vài lần, ông đã thể hiện được chất giọng chèo của địa phương và trở thành ''anh chàng hát hay nhất làng''. Đến khi đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu, ông vừa tham gia diệt giặc vừa tham gia vào đội văn nghệ của sư đoàn và đem lời chèo của làng Khuốc phục vụ ở những nơi đóng quân. Khi trở về quê hương, ông đã canh cánh trong lòng với ước muốn lưu giữ được nghệ thuật chèo của làng. Bởi thế mà ông đã coi những bậc tiền bối là thầy của mình. Đến bây giờ ông vẫn không quên lời hứa của mình với các thầy về việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật chèo.

Và những kỷ niệm sẽ không bao giờ phai nhòa trong ông về hình ảnh của người thầy Phạm Quang Điền 90 tuổi, bị ốm nặng nhưng trước khi mất vài tiếng đồng hồ vẫn còn cố gắng gõ những tiếng trống chèo cuối cùng của cuộc đời. Đó phần nào cũng là lời giải thích cho thế hệ sau - những người như ông Ngạn bây giờ lại yêu nghệ thuật này đến thế. Phát huy truyền thống đó, hiện nay ông đã trở thành người thầy của thế hệ trẻ, khắp nơi từ Trung ương đến địa phương đều tìm đến ông để học các hoạt cảnh ông diễn, cách ngắt nhịp của ông. Đặc biệt ông còn là thầy giảng trong các buổi học của các cháu ở địa phương, các đội tế, các thôn và của các lớp chèo trong học đường. Ông cũng là người duy nhất ở làng Khuốc hiện nay làm đạo diễn của các vở chèo. Bất kể ở đâu khi cần đạo diễn ông đều tham gia và dạy cho mọi người cách diễn. Đồng thời ông còn là nhạc công trong các lần đi biểu diễn bởi ông có thể vừa hát, vừa đánh trống rất hay. Ngoài ra, với những vở chèo thích hợp với vai của mình ông đều tham gia nhiệt tình và đã thành công trong việc hóa thân vào những nhân vật chính, những anh “hề gậy”, “hề chín”, “hề láo xược”.

Mỗi vở ông diễn đều có ý nghĩa sâu xa, thâm thúy và đầy xúc động, khiến cho ai xem một lần đều nhớ mãi. Điển hình như trong vở “hề đơm đó”, ông Ngạn đóng vai nhân vật hề đã cho người xem cảnh người nông dân nghèo làm nghề đơm đó bị mất trộm. Vở chèo đã đả kích chế độ phong kiến ngày xưa khiến người dân không chỉ mất tiền, mất của mà còn mất cả vợ... Mặc dù đã già nhưng hiện nay ông Ngạn vẫn đi diễn ở khắp các nơi, trung bình từ 6-7 lần/năm. Tất cả các tích chèo và 15 làn điệu chèo đặc biệt của làng Khuốc đã được ông truyền đạt lại cho các thế hệ sau bằng các giờ học, các buổi biểu diễn ngay chính tại quê hương. Vì thế mà nhiều năm nay ông liên tục nhận được bằng khen của các cấp và đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn.

Sáng tác và bảo tồn

Không chỉ có nhiều người biết hát chèo, làng Khuốc còn sinh ra các nghệ nhân sáng tác chèo. 15 làn điệu chèo độc đáo chỉ có ở làng Khuốc đã được ông Hà Quang Tiết duy trì sáng tác đến ngày nay. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, công việc nào thì ông Tiết vẫn tâm huyết với nghề, với quê hương. Vẫn là những làn điệu chèo cũ nhưng ông đã thể hiện được đời sống của người dân, sự thay đổi của cuộc sống, xã hội hiện nay thông qua những lời chèo mới. Cho đến bây giờ ông đã sáng tác rất nhiều, không thể kể hết bởi bất kể nơi đâu đặt hàng thì ông đều nhận lời. Vì tình yêu nghệ thuật nên cả khi thời trẻ không sống ở quê nhà nhưng ông vẫn hướng về những tích chèo truyền thống của quê hương để sáng tác. Nhiều vở chèo để đời và đến nay tất cả những ai biết hát chèo ở làng Khuốc đều thuộc, điển hình như vở “Ngày trở về''. Nhiều hoạt cảnh của vở chèo đã khiến người xem không cầm được nước mắt đó là hình ảnh anh bộ đội đi chiến đấu bị thương không còn nguyên hình dạng của mình, bị nhiễm chất độc da cam. Anh đã không cho phép mình trở về quê hương đoàn tụ với người vợ với mong muốn để vợ tìm chỗ nương tựa mới... Hay còn nhiều vở chèo mà đến nay đã trở thành thương hiệu của làng Khuốc mỗi khi đi diễn ở các nơi như “Tống Trân Cúc Hoa”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Tuyết dạt sông Thương”, “Lạnh lẽo”, “Hà vị”, “Bay bổng”...

Không nghĩ đến những đòi hỏi danh lợi nào khác ngoài việc hát và sáng tác. Vì thế mà cả trước đây cũng như bây giờ mặc dù thiếu thốn nhiều về trang phục, kinh phí nhưng các ông hát vẫn hay, vẫn sáng tác các vở chèo đi vào lòng người mà không nơi đâu có được.

Thu Thủy