05:10 20/05/2011

Hết lòng đóng góp cho nghệ thuật dân tộc Khmer

Tuy chỉ mới ở tuổi 37, nhưng Thạch Thanh Xuân được xem là một trong những nghệ nhân trẻ tài năng hiếm có trong giới nghệ thuật dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh.

Tuy chỉ mới ở tuổi 37, nhưng Thạch Thanh Xuân được xem là một trong những nghệ nhân trẻ tài năng hiếm có trong giới nghệ thuật dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh. Ca múa nhạc, dàn dựng chương trình, chơi nhạc cụ, phối khí, làm dàn nhạc ngũ âm…, lĩnh vực nào anh cũng am tường và thực hiện rất tốt. Không chỉ thế, hơn 20 năm qua, anh còn là người thầy tận tâm đem hết tài năng của mình đào tạo cho lớp trẻ, góp phần giữ gìn và phát huy nền nghệ thuật đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.

Sinh ra trong một đại gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật ở khóm 1, phường 8, TP Trà Vinh, nên từ bé Thạch Thanh Xuân đã được làm quen với lời ca, điệu múa và chơi một số loại nhạc cụ. Năm 7 tuổi, phát hiện Thanh Xuân có năng khiếu nghệ thuật, nên ông ngoại là Trương Đen và cha là Thạch Suôl, những nghệ nhân chơi nhạc cụ và làm nhạc cụ dân tộc Khmer nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long, đã hết lòng đào tạo truyền nghề cho cháu, con. Nhờ vậy, năm lên 8 tuổi, cậu bé Xuân đã biết hát, đánh trống, kéo đàn. Năm 1990, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trà Vinh đã chiêu sinh Thanh Xuân vào học lớp sơ cấp ca múa nhạc tại đoàn. Vốn có năng khiếu, cùng với niềm đam mê nghệ thuật, nên khi khóa học kết thúc, Thanh Xuân được xếp loại giỏi và được tiếp tục đưa đi học khóa sáng tác tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng. Sau 3 năm học, Thanh Xuân được nhận về công tác tại Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trà Vinh.

Thạch Thanh Xuân bên nhạc cụ nghệ thuật dân tộc Khmer.


Thạch Thanh Xuân tâm sự: “Tôi đến với nghệ thuật ngoài lòng đam mê còn có thêm trách nhiệm là góp sức mình để phát huy nền nghệ thuật của dân tộc lên tầm cao hơn và sâu rộng hơn. Bởi đây là tâm nguyện của ông và cha tôi, những người đã đeo đuổi nghệ thuật gần suốt cuộc đời…”. Với tâm nguyện đó, năm 2002, anh rời sân khấu và đem hết tài năng của mình truyền dạy cho các em nhỏ có năng khiếu và lòng yêu thích nghệ thuật. Bất cứ chùa Khmer nào tổ chức lớp học và mời anh đến dạy múa hát, dạy đánh nhạc ngũ âm, anh đều nhận lời. Là nghệ nhân tài năng và được đào tạo chuyên nghiệp nên các lớp do anh giảng dạy đều đạt chất lượng rất cao. Từ trước đến nay, việc dạy đánh nhạc ngũ âm chủ yếu là cách cầm tay truyền nghề. Nhưng anh đã nghiên cứu và biên soạn hẳn một giáo án kết hợp lý thuyết với thực hành giúp người học tiếp thu nhanh.

Tiếng lành đồn xa, nhiều năm nay các trường văn hóa nghệ thuật ở Cần Thơ, Hậu Giang đã mời anh giảng chuyên về nhạc ngũ âm.

Không chỉ là người thầy giảng dạy, với vốn kiến thức nghệ thuật sâu sắc, Thạch Thanh Xuân còn được các nơi nhờ anh hỗ trợ làm các tiết mục văn hóa văn nghệ dân tộc Khmer, như: Xây dựng kịch bản, dàn dựng chương trình ca múa nhạc dân tộc Khmer… Năm 2007, anh được Đài Truyền hình CVTV2 mời dàn dựng chương trình “Sắc màu phum sóc” phát trên sóng. Cuối năm 2008, Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ tổ chức ở TP Cần Thơ, 4 tiết mục do anh dàn dựng và phối khí cho đơn vị tỉnh Hậu Giang đã đoạt huy chương vàng và bạc. Cũng tại ngày hội này, tiết mục hòa tấu ca múa nhạc “Ngày vui được mùa” của đoàn TP Cần Thơ do anh dàn dựng, phối khí âm nhạc cũng đoạt huy chương vàng.

Bên cạnh hoạt động về lĩnh vực ca múa nhạc, Thạch Thanh Xuân còn là nghệ nhân làm nhạc cụ dân tộc Khmer giỏi nghề. Nhiều năm nay, anh cùng cha đã làm hàng trăm bộ nhạc cụ ngũ âm, trống chánh điện, trống cơm, trống sadam, đờn cò, đờn gáo, đờn bán nguyệt, đờn tà khê cung cấp cho nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nghệ nhân Thạch Thanh Xuân tâm sự: “Dưới sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào Khmer đã khá hơn trước rất nhiều nên nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của mọi người ngày càng lớn hơn, cao hơn. Nghĩ đến điều này, tôi luôn tự nhủ là phải không ngừng học tập và nghiên cứu nghệ thuật. Là một nghệ nhân mà sáng tác được nhiều ca khúc, điệu múa hay, truyền dạy được cho nhiều thế hệ trẻ để cùng góp sức giữ gìn, phát huy nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc thì có niềm vui nào bằng…”.

Phúc Sơn