04:13 29/04/2015

Hét giá phòng hàng chục triệu đồng tại Sa Pa là sốt ảo

Theo ông Nguyễn Văn Hinh, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, “cháy” phòng nghỉ không có nghĩa là khách đã đặt hết phòng, mà do xuất hiện một chiêu thức kinh doanh "găm phòng lừa khách, tạo nên cơn sốt ảo để đẩy giá lên".

Thâm nhập thực tế tại Sa Pa (Lào Cai) dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 mới biết, nhiều nhà nghỉ bình dân vẫn treo biển "còn phòng cho thuê". Tuy nhiên, nếu từ xa gọi điện hoặc vào mạng để đặt phòng nghỉ dịp này thì chỉ nhận được câu trả lời là "Đã hết phòng từ cách đây một tháng", hoặc giá phòng "sao" là từ vài chục triệu đồng trở lên. Vấn đề này gây xôn xao trong dư luận, làm mất hình ảnh vốn thân thiện, mến khách của Sa Pa.

Nhiều du khách có nhu cầu tới Sa Pa tham quan, nghỉ dưỡng trong dịp này. Ảnh: Thanh Hà


Theo ông Nguyễn Văn Hinh, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, “cháy” phòng nghỉ không có nghĩa là khách đã đặt hết phòng, mà do xuất hiện một chiêu thức kinh doanh "găm phòng lừa khách, tạo nên cơn sốt ảo để đẩy giá lên".

Bằng chứng là, trước đó, ngày 28/4, UBND huyện Sa Pa đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xác minh thông tin và đã phát hiện, xử phạt hàng trăm triệu đồng đối với 8 doanh nghiệp kinh doanh khách sạn trên địa bàn đã đăng thông tin không chính xác trên các trang web: Agoda.com và Booking.com để quảng cáo rao bán giá phòng nghỉ, gồm: Khách sạn Sunny Mountain, Panorama Sa Pa, Elite Sa Pa, Sa Pa Lodge, Elysian Sa Pa, Royal Sa Pa, Eden Sa Pa và Nam Cang Riverside Lodge.

Hành vi của 8 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú khi niêm yết giá tại các trang web Agoda.com và Booking.com đã vi phạm nghiêm trọng Điều 14, Nghị định 109/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 24/9/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, khách sạn Sunny Mountain View Sa Pa thuộc Công ty Cường Hương và Royal View Sa Pa thuộc Công ty Hoàng Gia, mỗi khách sạn bị phạt 25 triệu đồng. Còn 6 khách sạn tư nhân: Panorama Sa Pa, Elite Sa Pa, Sa Pa Lodge, Elysian Sa Pa, Eden View Sa Pa và Nam Cang Riverside Lodge, mỗi khách sạn bị phạt 12,5 triệu đồng.

Theo giải trình của các đối tượng bị xử phạt, 2 trang web này là hai trang mạng bán phòng nghỉ khách sạn trực tuyến mạnh nhất hiện nay, thu hút tới 50% lượng khách đặt phòng trên toàn cầu, có văn phòng đặt ở nước ngoài. Để thu hút khách đặt phòng, các khách sạn trên đã hợp đồng với hai trang mạng này với qui định: Mỗi ngày, 8 khách sạn chỉ mở bán hai phòng trên mỗi trang mạng, mọi liên hệ với hai trang mạng chỉ thông qua email.

Theo kết luận của đội kiểm tra liên ngành, đây là hành vi kinh doanh không lành mạnh, có động cơ xấu, gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch Sa Pa trong những ngày qua.

Theo ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, từ năm 2015 trở đi, UBND huyện Sa Pa đã và sẽ áp dụng phương án quản lý du lịch mới bằng việc xếp 10 loại hình dịch vụ đưa vào phương án quản lý giá là kinh doanh dịch vụ lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn), kinh doanh lữ hành, dịch vụ ăn uống, dịch vụ cho thuê phương tiện, cà phê - giải khát, dịch vụ giải trí, nhiếp ảnh, bán vé du lịch, vận tải hành khách bằng ô tô và xe ôm.

Điểm mới của quy định là các điểm niêm yết bảng giá phải dễ xem, dễ nhìn thấy, kể cả việc phải tôn trọng quy định về kích cỡ bảng niêm yết giá. Việc kiểm tra các loại hình dịch vụ này cũng được giao cho từng cơ quan cụ thể, hoặc các tổ công tác liên ngành để tránh chồng chéo trong xử lý các trường hợp vi phạm. Đây không phải là phương án áp dụng riêng cho thời điểm này mà là cơ sở để hình thành ý thức kinh doanh có tính bền vững đối với người làm dịch vụ liên quan tới du lịch tại Sa Pa trong những năm tới.


VT (TTXVN)