11:16 15/11/2010

Hệ thống đồng tiền kép - Bài toán hóc búa của Cuba

Tờ Infolatam số ra mới đây đã đăng bài phân tích của Giáo sư Alejandro Pavel Vidal, chuyên gia kinh tế Cuba, về những khó khăn trong lĩnh vực tài chính tiền tệ của nước này do hệ thống đồng tiền kép đem lại (đồng peso thường và đồng CUC có thể chuyển đổi được).

Tờ Infolatam số ra mới đây đã đăng bài phân tích của Giáo sư Alejandro Pavel Vidal, chuyên gia kinh tế Cuba, về những khó khăn trong lĩnh vực tài chính tiền tệ của nước này do hệ thống đồng tiền kép đem lại (đồng peso thường và đồng CUC có thể chuyển đổi được). Giáo sư Alejandro Pavel Vidal cho rằng, Cuba cần phá giá cả 2 đồng tiền để có thể loại bỏ hệ thống đồng tiền kép và khắc phục những mất cân đối trong hệ thống tài chính. Việc ra đời đồng tiền CUC đã dẫn nền kinh tế Cuba tới chỗ ngày càng kiệt quệ và nước này cần phải sửa chữa chính sách tiền tệ này.

Đồng peso của Cuba (Ảnh: Internet)

Lẽ ra vào cuối năm 2009, Cuba đã phải phá giá đồng peso chuyển đổi hay còn gọi là CUC (1 CUC có giá trị tương đương 24 peso nội tệ hoặc 1,2 USD) cũng như đồng peso nội tệ. Tuy vậy, Ngân hàng Trung ương Cuba lại tiếp tục theo đuổi chính sách của một nền kinh tế "thủ công" đồng thời ban hành một văn bản khẳng định giá trị của đồng CUC trong nhập khẩu cũng như chi trả các khoản nợ đối với đối tác nước ngoài. Cuba hoàn toàn quên rằng đồng CUC chỉ được sử dụng tại Cuba. Văn bản này lại càng làm cho việc xóa bỏ chế độ đồng tiền kép tại Cuba trở nên xa vời hơn. Đồng CUC sẽ buộc phải phá giá để có được giá trị thực. Hệ thống doanh nghiệp và ngân hàng Cuba sẽ không thể hội nhập nền kinh tế thế giới nếu như Cuba không có một đồng tiền có giá trị trao đổi thực sự và sẽ đẩy nền kinh tế nước này tới khả năng đôla hóa trở lại.

Bên cạnh đó, việc phá giá đồng peso nội tệ tiếp tục bị trì hoãn. Việc xóa bỏ hệ thống hai đồng tiền sẽ mất nhiều năm bởi sự chênh lệch giá trị quá lớn giữa đồng CUC và đồng peso. Việc phá giá càng bị trì hoãn thì kỳ vọng về việc nền kinh tế Cuba sẽ chỉ có một đồng tiền duy nhất càng trở nên xa vời.
Việc phá giá cả hai đồng tiền sẽ đem lại nhiều thách thức cho nền kinh tế Cuba như việc ngân hàng và doanh nghiệp sẽ không đạt được thỏa thuận. Tuy vậy, cái lợi của việc phá giá là đồng tiền là giá trị trao đổi, với một tỷ giá làm cho nền kinh tế trở nên minh bạch hơn, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, củng cố thị trường nội địa và giúp ích cho việc xóa bỏ hệ thống đồng tiền kép.

Theo ông Vidal, những khó khăn tài chính của Cuba cũng khó bằng hay thậm chí còn khó hơn những khó khăn tiền tệ. Khả năng thanh khoản của Cuba đang ở trong tình trạng khủng hoảng có hệ thống và chưa có lối thoát. Cho dù Cuba không bao giờ thông báo con số dự trữ ngoại tệ, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy cuộc khủng hoảng đã minh chứng việc Ngân hàng Trung ương Cuba không có đủ dự trữ ngoại tệ cho những trường hợp khẩn cấp, kể cả đồng CUC cũng như ngoại tệ. Trước tình trạng này, ngân hàng đòi hỏi sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tuy vậy, những tác động của khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu đã không cho phép Vênêxuêla, đồng minh chính trị và kinh tế số một của Cuba, ra tay giúp đỡ La Habana trong lĩnh vực tài chính. Cuba cũng không thể vay tiền từ Trung Quốc, Nga hay Braxin. Khủng hoảng tiền tệ dẫn đến khủng hoảng lòng tin, khi mà ngân hàng mất khả năng thanh toán với các đối tác nước ngoài. Những gì mà hệ thống tài chính Cuba đã nỗ lực phấn đấu trong suốt những năm 1990 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cuba cũng không thể vay tiền từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) vì không là thành viên của các tổ chức này.

Năm 2009, Chính phủ Cuba cũng đã thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", giảm 37,3% kim ngạch nhập khẩu, đầu tư giảm 16% và giảm thâm hụt ngân sách bằng đồng peso từ 6,9% GDP xuống còn 5% GDP. Dự kiến trong giai đoạn 2010 - 2011, thâm hụt ngân sách của Cuba sẽ tiếp tục giảm, chủ yếu nhờ việc cắt giảm 1 triệu lao động trong thành phần kinh tế nhà nước.

Chính sách tiết kiệm về lâu dài sẽ góp phần tạo nên sự ổn định trong hệ thống tiền tệ và tài chính. Việc giảm thâm hụt tài chính đối với đồng peso làm giảm lạm phát. Giảm nhập khẩu cho phép giảm thâm hụt thương mại, nhờ đó ngân hàng đã bắt đầu thanh toán với các đối tác và dần dỡ bỏ việc phong tỏa tiền gửi trong tài khoản. Tuy vậy, tình trạng khó khăn tài chính của Cuba còn phải rất lâu mới có thể giải quyết được hoàn toàn.

Ngoài ra, Chính phủ Cuba cũng đang từng bước tiến hành cải cách cơ cấu. La Habana đang tìm cách tăng lương cho người lao động trong khu vực nhà nước, thay thế nhập khẩu, thúc đẩy phát triển kinh tế, tuy nhiên việc Cuba muốn thay đổi mô hình nhà nước quản lý tập trung tới mức độ nào vẫn còn là một bí ẩn. Chính phủ Cuba đã thông báo cho phép phát triển thành phần kinh tế tư nhân, mở cửa cho các công ty nhỏ và hợp tác xã, nới lỏng hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

Giáo sư Vedal kết luận: Chính sách thắt lưng buộc bụng cùng với những thay đổi về cơ cấu của nền kinh tế hoàn toàn ăn khớp với nhau. Việc phá giá đồng CUC và đồng peso vẫn sẽ là mấu chốt của "trò chơi ghép hình" này. Nếu nền kinh tế Cuba lúc này có một nguồn thu ngoại tệ đáng kể như việc tìm thấy dầu khí ở vùng Vịnh Mêhicô hay việc Mỹ dỡ bỏ luật cấm công dân nước này tới Cuba du lịch thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Các mảnh của "trò chơi ghép hình" này sẽ chỉ được ghép xong hoàn toàn nếu Cuba thực hiện một cách triệt để và sâu sắc quá trình chuyển đổi nền kinh tế tập trung.

Diệu Hương (P/v TTXVN tại Cuba)