06:22 27/06/2012

Hệ lụy của việc không có chỗ chơi

Thực trạng thiếu sân chơi hiện nay đã dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em như: Dễ sa đà vào những trò chơi không lành mạnh, nghiện game với những trò chơi bạo lực hay tình dục ảo, tụ tập đánh nhau… Thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như đuối nước, tai nạn giao thông.

Thực trạng thiếu sân chơi hiện nay đã dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em như: Dễ sa đà vào những trò chơi không lành mạnh, nghiện game với những trò chơi bạo lực hay tình dục ảo, tụ tập đánh nhau… Thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như đuối nước, tai nạn giao thông.


Rối nhiễu tâm lý


Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Tại điều 17, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của nước ta quy định rõ: “Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi”. Cũng theo đó, Quyết định 37/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ đã ra quy định tạo môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, đến nay việc thiếu trầm trọng sân chơi cho trẻ em đã gây nên những hệ lụy khôn lường.

Nghỉ hè, bé Nam và bé Chi ở xóm 4, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì chỉ chơi quanh quẩn ở nhà. Các em rất cần những sân chơi an toàn, bổ ích. Ảnh: Hoàng Dương


Khoa học đã chứng minh, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh góp phần quan trọng giúp trẻ phát triển và hình thành thể chất, trí tuệ và nhân cách một cách toàn diện. Sau một năm học căng thẳng, dịp hè là thời điểm giúp các em lấy lại cân bằng. Do thiếu sân chơi, các em không được vận động, phải gò bó trong nhà. Điều này gây ra tâm ký ức chế, xu hướng tự kỷ và trầm cảm. Thêm vào đó, lối sống khép kín, lười vận động sẽ dẫn tới tính lười nhác, ích kỉ cho trẻ. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trẻ em sống khép kín có xu hướng sử dụng bạo lực cao hơn trong các hành vi ứng xử.


Ngoài những kiến thức học được ở nhà trường, trẻ cần có thời gian vui chơi để hoàn thiện những kỹ năng mềm, phát triển nhân cách và hòa nhập với cộng đồng. Nếu trẻ học quá nhiều, không có vui chơi sẽ dẫn đến những rối nhiễu về tâm lý và bị mất cân bằng. Tình trạng đó kéo dài mà không được phát hiện, tư vấn sớm giúp trẻ giải tỏa thì khoảng 2 năm sau, đứa bé sẽ bị rối loạn tâm thần. Theo thống kê, số trẻ bị rối nhiễu tâm lý chiếm 18 – 25% trẻ em cả nước. Đặc biệt, số lượng này ở thành thị nhiều hơn nông thôn.


Đuối nước và tai nạn giao thông


Theo ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dịp hè, học sinh không có điểm vui chơi, trường học đóng cửa, cha mẹ phải đi làm, không có điều kiện cho trẻ đi chơi. Nhiều cha mẹ nhốt con trong nhà để làm bạn với ti vi, máy tính, tưởng rằng như vậy là đảm bảo an toàn cho con. Nhưng làm như vậy lại dẫn đến nhiều nguy cơ khác, con em họ có thể vào những trang web đen, chơi game bạo lực… Trẻ em bị xâm hại bởi những trò chơi thiếu lành mạnh này sẽ trở thành những sát thủ bạo lực, nguy hiểm nhất là nhiều em còn sa vào game tình dục ảo, bị nghiện sex…


Cũng theo ông An, việc thiếu sân chơi hiện nay dẫn đến tình trạng số trẻ em chết do tai nạn thương tích ngày một tăng, nhất là vào dịp hè. Ước tính năm 2010 có hơn 8.000 trẻ tử vong, tức là hàng ngày có 24 trẻ em chết do tai nạn thương tích. Trong đó, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong, chiếm khoảng 50%, tiếp đó là tai nạn giao thông.


Một điều đáng ngạc nhiên là Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về tình trạng trẻ em chết do đuối nước. Theo thống kê năm 2010, Hà Nội có 131 trẻ chết do đuối nước. Nhiều người dân Thủ đô không thể quên vụ 4 em nhỏ tại Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) chết trong hố nước công trình đường dẫn nút giao thông Phú Đô, đại lộ Thăng Long vào tháng 8/2011. Không có chỗ chơi an toàn, trẻ em phải đổ ra đường phố, vỉa hè để chơi. Không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra vì trẻ em chơi thể thao ngoài đường. Những vụ việc đau lòng đó đã khiến không ít người lo lắng về việc thiếu sân chơi cho trẻ em mỗi dịp hè.


Chung sức vì tương lai


Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời luôn luôn quan tâm và chăm sóc trẻ em. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc ngày 25/8/1959, Người đã dạy: “Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội, chúng đều vui, đều học... Tức là trẻ em cần có môi trường vui chơi lành mạnh để có thể học tập và sáng tạo, phát triển một cách toàn diện.


Thực trạng thiếu trầm trọng các điểm vui chơi cho trẻ em đã từng được chất vấn tại các kì họp HĐND TP Hà Nội nhưng dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em… Tuy nhiên, đến nay mới có 38,4% xã, phường có điểm vui chơi cho trẻ em đạt tiêu chuẩn.


Thiết nghĩ, đã đến lúc trách nhiệm tạo ra sân chơi cho trẻ không chỉ dựa vào Nhà nước mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi gia đình, khu phố, cấp chính quyền và đoàn thể cần chung sức, quan tâm bằng những hành động cụ thể, thiết thực hằng ngày đối với trẻ em, tạo cho các em những sân chơi ngay tại môi trường các em sinh sống.


Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng An chia sẻ: “Hà Nội là Thủ đô nhưng rất thiếu điểm vui chơi cho trẻ em. Trong khi một số tỉnh, thành khác thì không thiếu. Ví dụ ở Đà Nẵng, người ta đã xã hội hóa việc xây dựng sân chơi cho trẻ, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Họ xây dựng những khuôn viên dọc sông Hàn với những tấm rào chắn rất an toàn, chiều chiều trẻ em có thể đến đó để đá cầu, đá bóng, chơi trò chơi… Có lẽ Hà Nội cũng cần học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng và nhiều nơi khác, tạo thêm thật nhiều sân chơi để các em có thể phát triển một cách toàn diện nhất”.

Thu Trang - Hoàng Dương