03:13 29/03/2012

Hé lộ sự can dự của Tây Ban Nha trong chiến tranh VN

Kênh truyền hình Historia (Lịch sử) của Tây Ban Nha ngày 28/3 đã khởi chiếu bộ phim tài liệu mang tên “Những người Tây Ban Nha trong chiến tranh Việt Nam”, đề cập tới sự can dự của quốc gia châu Âu này trong cương vị đồng minh của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Kênh truyền hình Historia (Lịch sử) của Tây Ban Nha ngày 28/3 đã khởi chiếu bộ phim tài liệu mang tên “Những người Tây Ban Nha trong chiến tranh Việt Nam”, đề cập tới sự can dự của quốc gia châu Âu này trong cương vị đồng minh của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

 

Được khởi quay tháng 12/2010 và kéo dài hơn 10 tháng, bộ phim tập hợp cảm nhận về những trải nghiệm của những người trong cuộc, trong đó có tướng Antonio Velázquez, từng là bác sĩ trung úy quân y trong chiến tranh Việt Nam, và đại úy Ramón Gutiérrez de Terán, từng làm y tá và là một trong những người có thời gian tham gia lâu nhất “Nhóm quân y giúp đỡ miền Nam Việt Nam”.

 

Các nhân viên quân y Tây Ban Nha trong chiến tranh Việt Nam.


Theo ông Velázquez, cũng như tại Irắc mới đây, vì Mỹ không muốn bị chỉ trích tiến hành chiến tranh đơn phương nên kéo Liên hợp quốc vào cuộc, lúc đó Mỹ muốn lôi kéo một số nước khác tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.

 

Có được sự hiện diện của quân đội Tây Ban Nha cùng với quân đội các nước đồng minh khác như Ôtxtrâylia, Niu Dilân, Philípin và Anh… sẽ là một thắng lợi về mặt tuyên truyền đối với Mỹ, vì vậy năm 1965, đích thân Tổng thống Lyndon B. Johnson đề nghị Thống tướng Francisco Franco– nhà độc tài trị vì Tây Ban Nha từ năm 1936 đến năm 1975- cử quân sang Việt Nam.

 

Theo một số tài liệu, do có sự tranh luận gay gắt giữa Bộ trưởng Chiến tranh, nhân vật muốn gửi quân sang Việt Nam, và Bộ trưởng Ngoại giao, người phản đối đề xuất này, tướng Franco đưa ra một quyết định mang tính thỏa hiệp: cử lính quân y, là lực lượng không ra trận trực tiếp sang Việt Nam.

 

Nhóm quân y đầu tiên gồm 12 người (4 bác sĩ, 7 y tá và 1 sĩ quan quân nhu) đến Việt Nam năm 1966 và làm việc tại bệnh viện Trương Công Định ở tỉnh Gò Công (trước đây). Bệnh viện là một tòa nhà xuống cấp với 150 giường bệnh và thiếu thốn thiết bị. Chỉ trong 6 tháng đầu tiên, nhóm này đã chăm sóc hơn 23.000 người, trong đó có binh lính Mỹ, ngụy bị thương và cả thường dân Việt Nam.

 

Trong thời gian từ năm 1966 đến 1971, Tây Ban Nha đã cử 3 đội với gần 30 nhân viên quân sự tham gia “Nhóm quân y giúp đỡ miền Nam Việt Nam” làm việc tại bệnh viện trên, trong đó có một số người đến Việt Nam làm việc 2 lần, thậm chí có người tham gia 3 lần.

 

Vì không muốn công khai với dân chúng sự ủng hộ của Madrid đối với Mỹ, tướng Franco ra lệnh giữ bí mật các cuộc viễn chinh này. Các nhân viên quân y sang Việt Nam “không kèn không trống” và sau khi kết thúc nhiệm vụ, năm 1971, cũng không được chào đón và vẫn được lệnh phải giữ im lặng.

 

Bức màn bí mật về sự can dự của Tây Ban Nha tại cuộc chiến tranh Việt Nam đã được nhà báo Tây Ban Nha Alejandro Ramírez vén mở với cuốn sách “Tại sao chúng ta không chiến đấu tại Việt Nam” xuất bản năm 2005. Ấn phẩm này là cơ sở để các nhà làm phim thực hiện bộ phim tài liệu kéo dài 55 phút này.

 

Bộ phim là một phần của một chương trình đặc biệt về Việt Nam được chiếu trên Kênh Lịch sử trong tháng 3, trong đó kênh còn trình chiếu một bộ phim tài liệu khác về chiến tranh Việt Nam và phim tài liệu “Hồ Chí Minh và nền độc lập của Việt Nam”, trong đó nêu bật vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.


Quang Sơn