10:16 08/10/2012

Hãy gởi cho tôi một lá thư

Mỗi ngày, anh phát thư đi chiếc xe máy với hai túi xách hai bên đều ghé nhà tôi để đưa thư. Nhiều khi thư của những nhà khác anh cũng gởi để tôi đưa giùm. Cái thú mỗi ngày đợi anh đưa thư cũng là một phần của niềm vui.

Mỗi ngày, anh phát thư đi chiếc xe máy với hai túi xách hai bên đều ghé nhà tôi để đưa thư. Nhiều khi thư của những nhà khác anh cũng gởi để tôi đưa giùm. Cái thú mỗi ngày đợi anh đưa thư cũng là một phần của niềm vui. Nhưng dẫu mỗi ngày tôi đều nhận thư, nhưng rất nhiều năm nay rồi tôi nhớ rõ là trong đủ loại thư từ đó không hề có một lá thư viết tay. Cụ thể hơn là các báo, tạp chí gởi biếu, là các giấy mời đi họp, các giấy tờ thông báo… và tất cả các loại giấy tờ ấy đều đánh vi tính, in màu hay in trắng đen, chỉ duy nhất tên người nhận trên bì thư còn có dấu vết của người viết, bởi có khi chữ ký cũng là chữ ký in một bản, photo ra nhiều bản, đóng dấu đỏ lên thành hợp lệ.


Trong cái bình thường của những chồng báo chí, những lá thư mời họp, thông báo ấy… bỗng dưng tôi vu vơ nghĩ đến chuyện tự dưng có người viết thư cho mình và rồi tôi cũng tự trách mình lâu quá chẳng viết thư cho ai. Bây giờ gởi bài qua tòa soạn báo bằng email. Buổi sáng đi cà phê mang theo chiếc máy tính, mang theo cái USB 3G, chỗ nào không có Wifi thì gắn USB 3G vào mà làm việc, mà chuyển bài, chuyển ảnh, viết thư. Mọi sự liên lạc với nhau đều qua điện thoại, qua email. Thậm chí đến bây giờ tiền bạc gởi cho nhau cũng qua tài khoản, rất ít khi gởi qua bưu phiếu, khiến cô nhân viên bưu điện bỗng dưng thấy vắng mặt khách quen. Con cái, bạn bè cũng vậy, cũng gởi cái thiệp điện tử hoặc nhắn tin chúc mừng nhân ngày sinh nhật, ngày cưới. Gần như không còn ai viết thư. Vợ chồng hàng ngày gặp nhau, nói chuyện dăm ba câu, rồi việc ai tự người đó làm. Có khi đi công tác dăm ba ngày hoặc cả tháng, cũng chẳng viết thư về, mà lên mạng, mở webcam ra trò chuyện.


Rồi tình cờ đọc báo, có bài viết hiện tại Bưu điện Sài Gòn còn một ông cụ ngồi viết thư thuê. Có dăm lần tôi ghé bưu điện ấy nhưng không gặp ông, đâm lo vì giờ này chẳng ai thuê viết thư nữa.


Rồi trong những vội vã, nghĩ về những lá thư viết tay, tôi sực nhớ trong ngăn tủ đựng đồ vật của mình có một hộp bánh quy bằng sắt, trong đó có những lá thư. Những lá thư từ cái thuở hai vợ chồng bắt đầu làm quen nhau, dẫu chỉ ở trong lòng thành phố mà vẫn gởi qua bưu điện. Đến những lá thư khi đi học đại học, người ở Sài Gòn, người ở Đà Lạt. Những lá thư với những cảm xúc mà khi gọi điện khó nói thành lời, những lá thư luôn có chữ ký, có tái bút. Có những lá thư viết mấy trang giấy học trò không đủ, phải lấn sang lề tờ giấy. Những lá thư xưa ấy đã ngả vàng. Khi rảnh rang, hai vợ chồng đem ra mà đọc, cùng khúc khích cười. Vẫn trong chiếc hộp bánh quy bằng sắt ấy, có những bức thư tình của những cô bạn gái thời xưa, những lá thư chơi trò tìm bạn bốn phương. Có lá thư viết nắn nót trong khuôn hình trái tim bằng bảy màu mực, có lá thư kèm vào trong đó một bông hoa mimosa, một chiếc lá vàng và rất nhiều thứ mà cái thuở học trò ngây thơ nghĩ ra. Và khi giở chồng thư theo thời gian đã nhạt nhòa chữ, vết mực đã nhạt màu ấy mà nhớ lại từng kỷ niệm nhỏ khờ khạo, từng bước chân hẹn hò khuya trên phố... Những người quen ấy giờ phiêu bạt nơi nào cũng không biết nữa. Để tìm kiếm những kỷ niệm xưa ấy, lên Google bấm tên người tìm kiếm, nói theo kiểu bạn bè: “Cái gì không tìm được cứ vào Google”. Nhưng đâu phải ai cũng có mặt trên Google...


Thế rồi, trong ánh nắng chiều vàng trên con phố buồn buồn, người đưa thư dừng lại. Lần đầu tiên trong mấy năm trời anh đưa cho tôi một lá thư. Đó là một lá thư thật sự. Cô gái không biết mặt là sinh viên ở một trường đại học ở Hà Nội, đọc xong một câu chuyện của tôi trên báo, cô đã lên Google tìm kiếm địa chỉ và gởi một lá thư. Lá thư dài 12 trang giấy học trò ấy, có thể cô viết cả một đêm, đã mang lại cho tôi niềm vui không gì tả được. Niềm vui vì mình còn nhận được lá thư viết tay, mừng vì có một cô sinh viên thay vì vào mạng chơi game, đọc các câu chuyện của các ca sĩ diễn viên lộ hàng, mang bầu, hát nhép... lại ngồi viết một lá thư.
Tôi không biết bao lâu mình sẽ nhận được một lá thư nữa. Nhưng cứ hy vọng là người đưa thư vẫn còn đưa những lá thư tay vượt đường xa đến một ngôi nhà nào đó...



Khuê Việt Trường