08:08 24/08/2011

Hậu 11/9 - Quân đội Mỹ thay đổi và kiệt sức

Sau vụ tấn công khủng bố 11/9, quân đội Mỹ tự nhận thấy mình chưa sẵn sàng cho việc phát động cuộc chiến chống lại quân nổi dậy ở Irắc và Ápganixtan, do đó buộc phải có một sự thay đổi đầy tốn kém, và hậu quả là lực lượng này kiệt sức sau một thập kỷ phải chiến đấu.

Sau vụ tấn công khủng bố 11/9, quân đội Mỹ tự nhận thấy mình chưa sẵn sàng cho việc phát động cuộc chiến chống lại quân nổi dậy ở Irắc và Ápganixtan, do đó buộc phải có một sự thay đổi đầy tốn kém, và hậu quả là lực lượng này kiệt sức sau một thập kỷ phải chiến đấu.

Dù chỉ mất vài tuần để đánh bại Taliban ở Cabun và Saddam Hussein ở Bátđa, song quân đội Mỹ đã nhanh chóng nhận ra rằng họ rơi vào một cuộc chiến kéo dài mà họ thì lại chưa được đào tạo để đối phó với quân nổi dậy có trong tay những vũ khí thô sơ nhưng nguy hiểm.

Theo James Dobbins, cựu Đại sứ Mỹ và hiện là thành viên nhóm cố vấn của công ty RAND, chính quyền thời Tổng thống Bush tiến hành chiến tranh với “một sự tự tin thái quá vào hiệu quả của một cuộc chiến tranh công nghệ cao để đối phó với những kẻ thù có công nghệ thấp và sự ác cảm đối với toàn bộ khái niệm về xây dựng đất nước”.

Từ bỏ những chiến thuật chống chiến tranh du kích sau chiến tranh tại Việt Nam, các tướng lĩnh quân đội Mỹ nay lại phải học lại cách chiến đấu với các tay súng được trang bị AK và bom tự chế. Để tránh thương vong, lục quân và hải quân Mỹ tích cực chuyển sang áp dụng học thuyết chống du kích, đánh dấu một sự chuyển đổi mạnh mẽ cách huấn luyện truyền thống phổ biến vào những năm 1990 sau chiến tranh vùng Vịnh lần đầu tiên. Kết quả, những cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan - ban đầu được dự tính chỉ là những cuộc xâm lược trong thời gian ngắn - biến thành những dự án xây dựng đất nước, tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD và huy động hàng chục ngàn binh sĩ.

Cuộc chiến tranh ở Irắc đang kết thúc song cuộc xung đột ở Ápganixtan tiếp tục bước sang năm thứ 10, với gần 100.000 binh lính Mỹ đang đóng quân và dự kiến được rút dần trong vòng 4 năm tới.

Theo Cục Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, kể từ năm 2001, “cuộc chiến chống khủng bố” và các chiến dịch tại Ápganixtan và Irắc đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ 1.280 tỷ USD, trong đó 63% là ở Irắc.

Trong khi các chính trị gia thề ngăn chặn một vụ tấn công nữa sau vụ 11/9, chi phí quân sự đã tăng gần gấp đôi và các cơ quan tình báo và an ninh nội địa được mở rộng, cho thấy một sự thay đổi mạnh mẽ nhất của “quốc gia an ninh” này kể từ những ngày đầu Chiến tranh Lạnh. Một thế hệ mới các sĩ quan hiếu chiến lên nắm quyền, đứng đầu là Tướng David Petraeus, người đã được Oasinhtơn ca ngợi là có công khôi phục nỗ lực chiến đấu ở Irắc.
Song những năm tháng chiến tranh kéo dài đã tiêu tốn nhân lực một cách khủng khiếp, với hơn 6.000 lính Mỹ chết và 45.000 người khác bị thương, bên cạnh tỷ lệ ngày càng tăng các vụ tự sát và các vấn đề về sức khỏe tâm lý của các quân nhân.

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Brown, gần 2/3 trong tổng số 1,25 triệu cựu chiến binh đã trở về với “những vết thương vô hình”, bao gồm căng thẳng hậu chấn thương và thương tổn não. Các sĩ quan cao cấp cảnh báo quân đội đang tiến gần tới điểm nguy hiểm và thúc giục phải cho binh lính thêm thời gian ở nhà giữa các chuyến hành quân.

Trong khi đội quân những người tình nguyện này đang mang gánh nặng của cuộc chiến tranh tiếp tục kéo dài, phần đông người dân Mỹ đã trở nên lãnh đạm với các cuộc chiến này, tăng thêm khoảng cách giữa binh lính và dân thường.

Cuộc chiến cũng phá hoại hình ảnh của Mỹ ở nước ngoài và làm tăng thêm những hạn chế đối với quyền lực quân đội Mỹ, khi mà nhiều người Mỹ giờ đây trở nên cảnh giác hơn về sự can thiệp ra nước ngoài, nhất là khi không có sự trợ giúp từ các nước đồng minh.

Trước khi mãn nhiệm chức bộ trưởng quốc phòng vào tháng 6/2011, Robert Gates đã đưa ra dự báo về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lớn khác cho quân đội Mỹ. Hồi tháng 2, ông nói: “Theo tôi, bất kỳ một bộ trưởng quốc phòng tương lai nào khuyên tổng thống đưa quân đội Mỹ tới châu Á, Trung Đông hay châu Phi đều phải xem lại cái đầu của ông ta”.

TTK (Theo AFP)