09:11 08/09/2012

Hậu 11/9 - Cuộc chiến không có hồi kết

Trải qua 11 năm, cuộc chiến chống khủng bố đã không làm thay đổi diện mạo an ninh cho nước Mỹ và thế giới, mà thậm chí còn khiến tình hình bất ổn lan rộng.

11 năm trước, sự kiện 11/9 đã làm kinh hoàng nước Mỹ, cướp đi hơn 3.000 sinh mạng. Việc Tòa tháp đôi bị biến thành đống gạch vụn và Lầu Năm góc bị tấn công đã làm sụp đổ hình ảnh về một đất nước vốn được coi là pháo đài bất khả xâm phạm trên thế giới.


Gần một tháng sau thảm họa, chính quyền của Tổng thống Mỹ George Bush vào thời điểm đó đã phát động cuộc chiến chống khủng bố với chiến trường đầu tiên là Ápganixtan.


Tuy nhiên, nếu như khủng bố là cớ để ông Bush đưa quân đến quốc gia Nam Á này thì hai năm sau đòn tấn công phủ đầu vào Irắc cũng với lý do tương tự đã khiến thế giới nghi ngờ về chân tướng thực sự của cuộc chiến này.


Vì cho đến khi cuộc chiến Irắc kết thúc, nước Mỹ vẫn chưa tìm ra được bằng chứng nào để thuyết phục thế giới rằng Irắc của ông Saddam Hussein ngày đó là một mối đe dọa khủng bố đối với an ninh toàn cầu.


Trải qua 11 năm, cuộc chiến chống khủng bố đã không làm thay đổi diện mạo an ninh cho nước Mỹ và thế giới, mà thậm chí còn khiến tình hình bất ổn lan rộng. Ngay tại nước Mỹ, không ít lần Bộ Quốc phòng phải đặt các căn cứ quân sự trên toàn quốc ở mức báo động cao nhất.


Việc Mỹ sa lầy tại hai chiến trường Irắc và Ápganixtan cũng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Hai cuộc chiến đã làm hơn 6.000 lính Mỹ thiệt mạng và 45.000 người bị thương. Không dừng lại ở đó, hai cỗ máy chiến tranh này ngốn hàng nghìn tỷ USD từ ngân sách, góp phần đẩy nợ công của Mỹ lên tới 16.000 tỷ USD, gần chạm mức 16.390 tỷ USD - mức trần nợ công mà chính quyền Mỹ hồi năm ngoái đã rất khó khăn mới tăng lên được.


Hậu quả là nền kinh tế tiếp tục trì trệ, làm gia tăng sự bất mãn trong người dân, nguyên nhân làm tăng tỷ lệ các vụ bạo lực tại Mỹ.


Trên thế giới, ngay tại hai chiến trường đầu tiên mà Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, chiến tranh không những không đem lại một môi trường an ninh như lời hứa của Oasinhtơn mà thậm chí đã gây ra những tàn phá nặng nề.


Các vụ tấn công khủng bố tiếp tục xảy ra hàng ngày khiến cho hai quốc gia này, dù hơn 10 năm nằm trong sự bảo trợ quân sự của Mỹ, vẫn là những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Chiến tranh làm hàng trăm nghìn dân thường Ápganixtan và Irắc thiệt mạng, hàng triệu người rơi vào cảnh tỵ nạn và nền kinh tế kiệt quệ.


Không dừng lại ở đó, Mỹ đã khiến mối quan hệ giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo trở nên căng thẳng khi nhiều quốc gia như Iran, Irắc Xyri, Libi, Yêmen, bị Mỹ liệt vào diện chứa chấp khủng bố. Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng giờ đây đã lan rộng ra phạm vi toàn cầu và các vụ tấn công khủng bố cũng xảy ra khắp nơi trên thế giới.


Nước Mỹ sau vụ 11/9 đã trở thành một trong những nơi nguy hiểm trên thế giới với hàng loạt mối đe dọa an ninh. Và cũng từ sau ngày 11/9/2001, thế giới trở nên nguy hiểm hơn khi nước Mỹ phát động cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu, một cuộc chiến không có biên giới và không biết bao giờ mới có hồi kết.



Cẩm Tuyến