11:23 30/11/2011

Hấp dẫn thị trường Xuđăng, Ai Cập - Bài cuối: Không từ chối “thiên đường”

Tin tức nóng về các cuộc biểu tình ở thủ đô Cairô (Ai Cập) những ngày cuối tháng 11 đã không làm chùn bước “đoàn quân” DN Việt Nam đến với thị trường này. Và không phụ lòng người, “thiên đường” Ai Cập hiện ra với hết những ngỡ ngàng này tới ngỡ ngàng khác…

Tới Ai Cập vào buổi tối. Con đường từ sân bay quốc tế Cairô tới trung tâm thủ đô không thể dùng từ khác hơn là hoành tráng và lộng lẫy không kém một quốc gia châu Âu nào, với đèn đường cùng các loại biển hiệu lấp lánh. Chật cứng xe ô tô, các cửa hàng, siêu thị chen nhau, mời gọi sự khám phá về sức sống của một thành phố hiện đại chứ không phải chỉ như được biết đến là nơi huyền bí, cố xưa. Điều này cũng đã phần nào nói lên sự hấp dẫn của Ai Cập.

Thống đốc thủ đô Cairô tiếp đoàn doanh nghiệp Việt Nam.


“Chắc với một thị trường nóng như thế này thì hàng Việt Nam khó mà len chân vào!”. Đây là nhận xét từ cảm nhận ban đầu của nhiều DN trong đoàn. Nhưng, thật bất ngờ: Thực tế hoàn toàn ngược lại! Ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên giữa các DN tại Cairô và đoàn DN Việt Nam, đã thấy ngay sự hồ hởi, trông đợi từ phía bạn đối với đối tác Việt Nam. Rất nhiều DN Ai Cập cho biết muốn tìm đối tác cung cấp hàng nông sản như cà phê, chè, hạt tiêu; hàng dệt may; da giày… của Việt Nam, vì các mặt hàng này được tiêu thụ mạnh ở Ai Cập và hàng Việt Nam đã phần nào có được sự tín nhiệm của người tiêu dùng nước sở tại.

Ở chiều ngược lại, ông Sameh Ghoneim, chuyên gia xuất khẩu của Công ty Modern Waterproofing, chuyên về các sản phẩm chống thấm trong xây dựng cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi đã được tiêu thụ tương đối tốt ở Việt Nam và chúng tôi rất muốn tìm một nhà phân phối chính thức ở đất nước các bạn”. Các lĩnh vực du lịch, xây dựng, truyền thông… cũng đặc biệt được đối tác Ai Cập mong muốn hợp tác với Việt Nam. “Chúng tôi đang tập trung vào phát triển các cao ốc, khu đô thị, các tour du lịch… Có một số dự án phù hợp có thể hợp tác với các bạn Việt Nam và chúng tôi sẽ dành nhiều sự ưu đãi, giúp đỡ khi các bạn đầu tư vào Cairô”, Thống đốc thủ đô Cairô trong buổi tiếp đoàn DN Việt Nam khẳng định.

Mặt hàng giày dép của Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Ai Cập.

“Ai Cập là quốc gia có hoạt động thương mại lớn nhất khu vực Bắc Phi. Giữa hai nước có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Thị trường Ai Cập không yêu cầu quá cao về chất lượng, chỉ cần giá cả và mẫu mã phù hợp. Đây là những điểm rất thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông thủy sản, dệt may, điện tử, thiết bị nông nghiệp…”, ông Phan Minh Quang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ai Cập, nói.

Một điều dễ dàng nhận thấy là tình hình bất ổn ở Ai Cập đã ảnh hưởng tương đối lớn đến hiệu quả thương mại, đầu tư vào nước này, năm nay khách du lịch cũng giảm tới một nửa so với năm ngoái. Thế nhưng, về tiềm năng, đây vẫn là thị trường hết sức hấp dẫn, là thiên đường cho nhiều lĩnh vực, hàng hóa. Đặc biệt, ngay tại thời điểm được cho là Ai Cập lâm vào bất ổn chính trị sâu sắc nhất thì hàng hóa của Việt Nam xuất sang Ai Cập vẫn tăng mạnh. Nếu năm 2010 xuất khẩu của ta sang Ai Cập đạt 174 triệu USD thì từ đầu năm đến nay đã đạt 220 triệu USD và dự kiến cả năm đạt 250 triệu USD.

Có một thực tế là do thông tin về tình hình chính trị ở Ai Cập đã khiến đất nước này dường như vắng bóng hơn các nhà đầu tư. Khác với sự tấp nập của các chuyến viếng thăm để tìm hiểu cơ hội hợp tác của những năm trước đây, từ đầu năm đến nay cũng chỉ có duy nhất đoàn DN Việt Nam lần này qua Ai Cập tìm cơ hội cho mình. Dù không thể phủ nhận Ai Cập chưa có một chính phủ ổn định, nhưng có đến thực tế tại đất nước này ngay vào những ngày nóng nhất, ngay trước khi tiến hành bầu cử ngày 28/11, mới thấy điều ngỡ ngàng nữa là, ngoại trừ số ít điểm tập trung biểu tình, còn lại cuộc sống nơi đây vẫn nhộn nhịp và bình yên. Đặc biệt, nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân rất lớn; nhu cầu đầu tư của Cairô nói riêng và Ai Cập nói chung cũng rất lớn.

“Xuđăng và cả Ai Cập dù vẫn chưa ổn định về chính trị, nhưng cả hai nước này đều đang có các động thái tích cực để ổn định tình hình. Điều đặc biệt nhất là cả hai nước đều có nhiều tiềm năng, hiếu khách và an ninh vẫn đảm bảo; hai dân tộc đều thân thiện và tử tế; đều có mối quan hệ tốt đẹp và truyền thống với Việt Nam. Quan trọng là cả hai thị trường đều cần nhiều hàng hóa từ Việt Nam. Đây chính là lý do chúng tôi tổ chức đoàn DN Việt Nam xúc tiến thương mại tại hai thị trường này”, bà Trần Uyên Phương- Lãnh sự danh dự của Xuđăng tại TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Cũng chính nhờ chuyến đi thực tế “mắt thấy tai nghe” này mà nhiều DN trong đoàn DN Việt Nam tới Xuđăng, Ai Cập lần này đã hẹn ngày trở lại để tìm kiếm “thiên đường” làm ăn cho chính DN mình.

Bài và ảnh: Ninh Hồng Nga