04:07 29/04/2015

Hành trình nhà báo Mỹ lật tẩy vụ thảm sát Mỹ Lai

46 năm sau khi vụ thảm sát Mỹ Lai được báo chí đưa ra công luận, Seymour Myron Hersh - tác giả loạt bài điều tra, mới có dịp đặt chân tới Mỹ Sơn, Quảng Ngãi.

46 năm sau khi vụ thảm sát Mỹ Lai được báo chí đưa ra công luận, Seymour Myron Hersh - tác giả loạt bài điều tra, mới có dịp đặt chân tới Mỹ Sơn, Quảng Ngãi.

Trải nghiệm thực tế này giúp Hersh hoàn tất phóng sự “Hiện trường tội ác: Hành trình tới Mỹ Lai và những bí mật của quá khứ”, được đăng tải trên tờ “The New Yorker” hôm 30/3 vừa qua. Đó là một cách nhìn đa chiều hơn của Hersh về sự kiện Mỹ Lai, giúp độc giả hiểu được hành trình lao động không biết mệt mỏi của một nhà báo người Mỹ - người quyết theo đuổi sự thật tới cùng.

Nhà báo Seymour M. Hersh (phải) thăm Khu Chứng tích Sơn Mỹ.
Ảnh: Baoquangngai.vn



Con mương, cánh đồng ở Mỹ Lai - địa điểm chứng kiến tội ác của lính Mỹ ngày nào, đã thay đổi theo thời gian. Nhưng ký ức về quá khứ thì vẫn như đang hiện ra trước mắt Hersh. Đó là ngày 16/3/1968, những binh sĩ Mỹ thuộc đại đội Charlie dưới quyền chỉ huy của trung úy William Calley đã xả súng, giết hại hàng trăm người dân Việt Nam vô tội, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em. Để đưa được tội ác tày trời này ra ánh sáng không phải là một điều đơn giản, khi mà chính quyền Mỹ tìm cách bưng bít vụ việc, trong khi Hersh lúc đó chỉ là một nhà báo trẻ mới 32 tuổi.

Hersh bắt đầu nghề báo vào năm 1959, khởi nghiệp là phóng viên cho một tờ báo địa phương ở Chicago. Bước ngoặt đưa Hersh đến với thể loại điều tra là khi ông chuyển sang làm việc cho hãng tin AP (1963), chuyên theo dõi các hoạt động của Bộ Quốc phòng, Lầu Năm Góc, nhất là tình hình chiến sự tại Việt Nam. Sau năm 1968, Hersh trở thành nhà báo tự do và đây cũng là quãng thời gian mà ông có điều kiện chuyên tâm theo dõi, tìm hiểu, phỏng vấn những quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.

Hersh lờ mờ biết đến vụ thảm sát Mỹ Lai vào đầu năm 1969, khi nghe Geoffrey Cowan - một luật sư trẻ theo quan điểm phản chiến, kể câu chuyện một lính Mỹ “điên loạn” đã giết hại nhiều dân thường Việt Nam. Cùng thời điểm này, Ronald Ridenhour - một cựu binh Mỹ, người từng là phóng viên chiến trường tại Việt Nam - đã gửi bức thư 2.000 từ tới 30 quan chức trong chính quyền Mỹ, tố cáo về một vụ thảm sát “đẫm máu, đen tối” của lính Mỹ tại Việt Nam, nhưng không được Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và đồi Capitol phản hồi. Những thông tin này khiến Hersh tò mò và máu nghề nghiệp trỗi dậy. Ông quyết tâm theo đuổi hành trình tìm kiếm sự thật.

Con mương nơi nhiều người dân vô tội bị lính Mỹ bắn chết trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: New Yorker



Lần theo những manh mối ban đầu, Hersh tiếp cận một nhân vật ở Lầu Năm Góc từng quen biết trước kia khi còn làm việc ở AP. Người này có dáng đi cà nhắc do bị trúng đạn ở đầu gối khi tham chiến tại Việt Nam và mới được phong tướng. Gặp nhau, Hersh buông lời bông đùa: “Có vẻ như nhờ viên đạn chì kia mà anh được lên tướng đấy… thế còn cái gã bắn chết bao nhiêu người vô tội thì sao”. Thật không ngờ, người này khẽ vỗ tay xuống đệm ghế và buột miệng: “Hersh ơi, Calley chẳng nhắm bắn ở tầm cao như vậy đâu” (ám chỉ việc trung úy William Calley dồn người dân nằm xuống hào và xả súng điên loạn). “Ngay lúc này, tôi biết rằng mình đã nắm trong tay một chuyện tày trời”, Hersh chia sẻ.

Seymour Myron Hersh sinh ngày 8/4/1937, tại Chicago, bang Illinois, trong một gia đình người Do Thái di cư sang Mỹ. Ông là phóng viên kì cựu chuyên về thể loại phóng sự điều tra, từng làm việc cho các tờ báo, tạp chí tên tuổi như AP, The New York Times, Times… và hiện nay là The New Yorker. Hơn 50 năm làm báo, Hersh đã xác lập được phong cách riêng biệt, thường được gọi là nhà báo “đối lập” với chính quyền Mỹ. Ngoài thảm sát Mỹ Lai, ông còn nổi tiếng với các loạt bài phanh phui hoạt động mờ ám của CIA tại Chile (1974), hành vi ngược đãi tù nhân của lính Mỹ tại nhà tù Abu Ghraib (2004), bằng chứng ngụy tạo của Mỹ về “vũ khí hủy diệt hàng loạt” ở Iraq (2007)…

Nhân chứng mà ông tìm gặp trước tiên là binh nhì Paul Meadlo - kẻ được cho là “tích cực nhất” trong vụ thảm sát, cùng với Calley. Meadlo lúc này đã trở về Mỹ, sống cùng gia đình trong một nông trại ở New Goshen, bang Indiana và bị cụt chân phải do dính mìn chỉ một ngày sau khi nhẫn tâm xả súng ở Mỹ Lai. “Chúng tôi đi càn ở Mỹ Lai… Khi tới nơi, chúng tôi bắt đầu tập trung người dân lại thành từng nhóm. Có khoảng 40 - 45 người, đứng theo một vòng tròn ở giữa thôn. Calley bảo tôi và vài người nữa canh chừng. Khoảng 10 phút sau, Calley quay lại và nói: “Làm đi. Tao muốn chúng chết. Calley bắn vào dân làng và ra lệnh cho tôi làm tương tự”, Meadlo kể với giọng đều đều đáng sợ, không quên nói thêm rằng chỉ mình anh ta đã bắn chết 15 người.

Trở lại với hành trình điều tra Calley, Hersh đọc được một bài viết ngắn đăng trên tờ Times, nói về việc tên trung úy này bị buộc tội tàn sát một số lượng lớn dân thường Việt Nam. Qua các mối quan hệ sẵn có trong quãng thời gian tác nghiệp ở Lầu Năm Góc, Hersh đã tiếp cận được hồ sơ kết tội Calley và các binh sĩ thuộc quyền trong đại đội Charlie liên trong vụ thảm sát Mỹ Lai, sau khi lục quân Mỹ cho mở cuộc điều tra nội bộ về sự kiện này. Đến lúc này, ông biết rằng điều cần làm nhất là phải có được lời kể của Calley, để bài viết thực sự có tính thuyết phục. Ngày 11/11/1969, Hersh phỏng vấn Calley - kẻ mà ông mường tượng không khác gì “con quỷ satan” tại căn cứ quân sự Fort Benning, nơi Calley bị giam giữ, quản thúc. Hai người có cuộc nói chuyện thâu đêm và Calley đã thuật lại cả câu chuyện mà hắn ta cùng đám binh sĩ thuộc quyền đã giết hại “kẻ thù” ở Mỹ Lai như thế nào.

Quá trình phỏng vấn Calley, Meadlo cùng hàng chục những người khác có liên quan đến sự kiện Mỹ Lai đã giúp cho Hersh có được nguồn thông tin quan trọng. Thời điểm này cũng là lúc mà nhiều phóng viên Mỹ trực tiếp có mặt tại Việt Nam như Homer Bigart, Bernard Fall, David Halberstam, Neil Sheehan, Malcolm Browne… liên tục có các bài tường thuật về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tất cả họ đều cùng phát đi một thông điệp: Cuộc chiến này là vô nhân đạo, Mỹ thất bại về mặt chiến lược, thực tế trên chiến trường không giống như những gì mà Washington và chính quyền Sài Gòn tung ra trước công luận. Kết hợp lại, Hersh đã có được tư liệu “sống” để hoàn thành loạt bài phóng sự điều tra 5 kỳ.

Đến đây, một vấn đề khác lại nảy sinh, đó là phải tìm được một tòa soạn có đủ “dũng cảm” để đưa sự thực ra trước công luận. Hersh lúc này đã ít nhiều xác lập được tên tuổi trong làng báo chí tại Mỹ, thế nhưng nhiều tờ báo có tiếng đã từ chối đăng bài của ông với lý do “nhạy cảm”. Dường như không ai muốn là người đầu tiên “nổ súng” trong bối cảnh chính quyền Washington phải đối mặt với làn sóng phản chiến đang ngày một dâng cao. "Khi đó tôi cảm thấy rất kinh ngạc. Tôi đã nắm trong tay những bằng chứng xác thực về tội ác to lớn mà lính Mỹ gây ra ở Việt Nam… Thế mà truyền thông chính thống không muốn dính líu đến sự việc này", Hersh kể. Cuối cùng, Hersh tìm đến tờ báo nhỏ Dispatch News Service có trụ sở ở Washington, theo quan điểm phản chiến, chuyên đưa tin về cuộc chiến ở Việt Nam. Chủ của hãng tin này là David Oblst, người hàng xóm của Hersh.

Bài viết đầu tiên chính thức được đăng tải ngày 13/11/1969, tức là gần hai năm sau khi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai. Loạt bài điều tra ngay lập tức gây chấn động dư luận tại Mỹ cũng như toàn thể nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đã có tới 36 tờ báo, tạp chí danh tiếng như Time, Life, Newsweek... đồng loạt đưa vụ Mỹ Lai lên trang nhất. Tạp chí Times thậm chí còn ví “cuộc khủng hoảng lương tâm” do Calley gây ra còn nghiêm trọng hơn nhiều so với “cơn chấn động” từ vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Những phát hiện về Mỹ Lai đã đưa tên tuổi của Hersh vượt khỏi biên giới nước Mỹ, mang lại cho ông giải thưởng Pulitzer, giải báo chí danh giá nhất thế giới. Loạt bài cũng đẩy phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ lên nấc mới, với cuộc tuần hành của 500.000 người ngay tại thủ đô Washington hôm 15/11/1969, đòi Mỹ chấm dứt can dự tại Việt Nam.

Với quá trình điều tra dày công về thảm sát Mỹ Lai, đã có lúc Hersh cho rằng mình biết tường tận, hiểu thấu sự thật. Sự thực không phải vậy - Hersh thừa nhận khi ông trở lại Việt Nam và lần đầu tiên đặt chân tới “hiện trường tội ác” tại Mỹ Lai tháng 12/2014. Chuyến đi đã cho ông có cái nhìn đa chiều hơn về tội ác mà lính Mỹ đã gây ra đối với người dân Việt Nam. Gần nửa thế kỉ đã qua, nhưng đau thương mất mát thì gần như chưa thể phai nhòa. Nỗi đau hiện hình khi Hersh tới thăm Bảo tàng chứng tích Mỹ Sơn, nơi trưng bày những hình ảnh, tư liệu về tội ác của lính Mỹ trong chiến tranh, với những dòng chú thích: Đã có 504 thường dân vô tội bị giết chết, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già; 24 gia đình ba thế hệ bị giết sạch. Ở tầng sâu hơn, đau thương là điều còn lại đọng sau khi Hersh có các cuộc tiếp xúc, phỏng vấn với những “nhân chứng sống” của thảm sát Mỹ Lai, những người nói rằng họ có thể “tha thứ”, nhưng không thể “lãng quên”, rằng không chỉ có một mà rất nhiều Mỹ Lai khác trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Ở phía bên kia, Calley là người duy nhất trong vụ thảm sát bị một tòa án của Lục quân Mỹ kết tội năm 1971, với mức án chung thân vì tội thảm sát dân thường. Thế nhưng Tổng thống Richard Nixon đã ngay lập tức can thiệp, chỉ đạo phóng thích Calley khỏi nhà tù, đưa về quản thúc tại gia. Tháng 11/1974, tức là chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi ông Nixon rời nhiệm sở, Calley chính thức được trả tự do. Ở tuổi 71, Calley hiện vẫn “sẵn lòng” trả lời phỏng vấn về những gì từng diễn ra ở Mỹ Lai một khi nhận được tiền thù lao…

Hoài Thanh (Tổng hợp)