11:23 18/11/2012

Hạnh phúc “nghiệp” cầm chèo

Tháng 11 hàng năm, khắp phum sóc Khmer Sóc Trăng lại bừng lên không khí hào hứng của ngày hội Ok Om Bok - đua ghe ngo. Đâu đâu người ta cũng xôn xao bàn chuyện tập luyện của đội ghe bổn sóc, hay chuyện bổn sóc lân cận vừa đóng mới và sắp hạ thủy một chiếc ghe...

Tháng 11 hàng năm, khắp phum sóc Khmer Sóc Trăng lại bừng lên không khí hào hứng của ngày hội Ok Om Bok - đua ghe ngo. Đâu đâu người ta cũng xôn xao bàn chuyện tập luyện của đội ghe bổn sóc, hay chuyện bổn sóc lân cận vừa đóng mới và sắp hạ thủy một chiếc ghe, rồi cùng nhau dự đoán năm nay có bao nhiêu chiếc ghe tham gia tranh tài, đội nào sẽ vô địch... Cứ thế, câu chuyện được kéo dài cho đến ngày khai hội.

 

Đua ghe ngo - môn thể thao truyền thống của dân tộc Khmer. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

 

Là môn thể thao truyền thống của dân tộc Khmer nên đua ghe ngo dành được rất nhiều sự quan tâm của phum sóc. Để được trở thành một tay bơi đại diện cho phum sóc tham gia tranh tài vào ngày hội, những tay bơi nghiệp dư, mà phần đông đều là nông dân này, phải trải qua những vòng tuyển chọn kỹ lưỡng với giai đoạn tập luyện khó khăn; để rồi cuối cùng, những tay đua ưu tú nhất, khỏe mạnh nhất, dẻo dai nhất mới là những người được chọn.


Với đồng bào Khmer, chiến thắng của đội ghe là vinh quang, niềm kiêu hãnh của phum sóc. Hiểu như thế để thấy được sự quan trọng và sự quyết tâm, sự vinh hạnh của những tay bơi chủ lực. Vì có ý nghĩa quan trọng như thế nên khi đã gắn bó với môn thể thao này, những người trót “mang nghiệp” cầm chèo luôn “truyền” lại cảm hứng cho người thân trong gia đình. Thậm chí, nhiều thế hệ trong một gia đình cứ nối tiếp nhau là những tay bơi chủ lực của phum sóc.


Chúng tôi tìm đến một gia đình có 3 thế hệ đang nối tiếp nhau tập luyện và thi đấu môn thể thao này. Đó là gia đình cụ Lý Sơn (ngụ ấp An Hòa 2, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề), một gia đình tâm huyết, có nhiều thế hệ là những tay bơi kỳ cựu của đội ghe chùa Prếk Om Pu (Tầm Vu). Ở tuổi gần 90, cụ Sơn được xem là tay bơi cao niên còn sót lại từ thời ghe ngo diễn ra ở Vàm Dù Tho (thuộc xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên). Khi đó, ghe ngo còn là những chiếc ghe độc mộc được làm từ những cây sao cổ thụ, không phải ghe ghép miếng ván như ngày nay. Đồng đội của cụ Sơn giờ chẳng còn bao nhiêu và người còn đủ nhiệt huyết về “nghiệp” cầm chèo này cho con cháu chắc chẳng còn ai ngoài cụ.


“Nghiệp” cầm chèo của cụ đã được truyền lại cho con trai là Lý Sửng. Anh Sửng đã được nối nghiệp của cha hơn 20 năm. Đến năm 2009, khi chiếc ghe ngo độc mộc của chùa Prếk Om Pu đã xuống cấp và không thể tham gia thi đấu được nữa, anh cũng xin “giải nghệ”. Năm vừa rồi, khi nhà chùa có chiếc ghe ngo mới chuẩn bị tham dự giải đua ghe ngo - Lễ hội Ok Om Bok, anh Sửng được Ban quản trị bầu chọn trong ban huấn luyện đội ghe chùa. Thấy vậy, con trai của anh là Lý Hồng Chung tiếp tục nối nghiệp cha và ông nội. Lý Hồng Chung cho biết: “Cháu rất tự hào khi ông nội và cha mình là những người đã hết mình cống hiến cho ghe ngo. Nối nghiệp gia đình, cháu sẽ cố gắng tập luyện thật tốt để không phụ lòng gia đình và phum sóc”.


Không chỉ có thế hệ trước “truyền” lại lòng đam mê cho con cháu mà hiện nay, không hiếm những gia đình, có cả vợ chồng, anh chị em trong nhà lẫn con cái đều đam mê với môn thể thao này. Có nhiều gia đình, cả mấy chị em đều cùng nhau tập luyện, cùng nhau đi thi đấu. Ngày trước, thông thường chỉ có đàn ông tham gia môn thể thao này. Nhưng những năm gần đây, phụ nữ cũng hào hứng không kém. Để tiện cho việc luyện tập của các đội nữ, nhà chùa sẽ bố trí chị em luyện tập trước, đội tuyển nam luyện tập sau, vừa để các tay chèo nam chỉ bảo kỹ thuật cho chị em, vừa để cổ vũ tạo thêm sinh khí, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao trong phum sóc và tạo thêm mối quan hệ khăng khít trong cộng đồng.


Khi “nghiệp cầm chèo” đã ngấm vào “máu”, chị em cũng sôi nổi chẳng kém đấng mày râu. Chị Sơn Thị Út cùng em gái là Sơn Thị Hậu ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú luôn có mặt đúng giờ để tập luyện tại chùa Tưk Pray. Cả nhà chị ai cũng tham gia tập luyện. Chị Út cho biết: “Tham gia thi đấu không chỉ để giữ gìn bản sắc môn thể thao truyền thống của dân tộc mà còn là dịp để chị em thể hiện tài năng và tinh thần thể thao”.


Với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền Sóc Trăng nhằm khơi dậy, giữ gìn môn thể thao truyền thống, rồi đây sẽ có ngày càng nhiều hơn nữa các gia đình, dòng họ tiếp tục cống hiến cho người hâm mộ những cuộc đua cuộc bứt phá ngoạn mục tại lễ hội Ok Om Bok hằng năm. Thành công trong mỗi kỳ lễ hội là tín hiệu đáng mừng góp phần cho việc quảng bá hình ảnh du lịch gắn liền với lễ hội không chỉ riêng Sóc Trăng mà còn cho cả khu vực ĐBSCL.


Chanh Đa