11:07 03/11/2014

Hàng Việt ngày càng khó vào siêu thị

Siêu thị là một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đường vào siêu thị đối với hàng hóa “made in Việt Nam” hiện nay lại không hề đơn giản...

Siêu thị là một kênh phân phối hàng hóa hiệu quả trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đường vào siêu thị đối với hàng hóa “made in Việt Nam” hiện nay lại không hề đơn giản...

SIÊU THỊ TẠO THẾ ĐỘC QUYỀN HƯỞNG LỢI

Các doanh nghiệp (DN) cho biết đang bị “vướng” bởi các điều khoản mà siêu thị đưa ra, trong đó có nhiều điều khoản vô lý, khiến hàng hóa của họ không vào được siêu thị. DN sản xuất không có lãi, người tiêu dùng phải mua hàng giá cao, siêu thị đứng giữa thì luôn được hưởng lợi.

Chiết khấu 25-30%, thanh toán chậm

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, đại diện các DN không khỏi bức xúc trước mức chiết khấu quá cao mà các siêu thị đưa ra khiến DN không thể chịu đựng nổi.

Nếu như không có khuyến mãi, nhiều hàng hóa trong siêu thị có giá bán cao hơn các cửa hàng bán lẻ. Ảnh: Thu Hồng


Hiện nay, gốm Chu Đậu được phân phối chủ yếu tại hệ thống siêu thị Hapro của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (công ty mẹ). Còn tại các hệ thống siêu thị khác, do các siêu thị thường áp mức chiết khấu cao nên công ty cũng đưa hàng vào bán nhưng lãi không bao nhiêu. Thậm chí, đối với hệ thống siêu thị Big C, DN vẫn chưa thể đưa hàng vào được vì mức chiết khấu lên đến 25 - 30%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

Nhiều mặt hàng không thể đưa vào siêu thị là một sự thiệt thòi cho cả ba bên. Người sản xuất hàng hóa thiệt thòi bởi họ không tiêu thụ được sản phẩm ở những nơi có giá cao cũng như không tạo được nguồn tiêu thụ ổn định. Người mua bị thiệt thòi bởi không tiếp cận được nguồn sản phẩm tin cậy qua những kênh mua sắm rộng rãi và chính thức. Bản thân siêu thị cũng bị thiệt bởi họ phải phụ thuộc vào những nguồn cung mà họ tự “thiết kế”. Nói chung điều này tạo ra sự thiệt thòi cho xã hội.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ Công chúng, Siêu thị Big C

Với nhiệm vụ giúp nhà sản xuất hoàn tất thủ tục giấy tờ, hướng dẫn kỹ thuật đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó tăng số lượng nhà cung cấp địa phương, chúng tôi đã hợp tác thương mại thành công với 22 nhà cung cấp. Qua đó, bổ sung thêm 113 mặt hàng mới vào danh mục phân phối của Big C. Hiện chúng tôi đang đàm phán với 15 nhà cung cấp địa phương khác, tăng tốc hoàn thiện các khâu cuối cùng để ký hợp đồng.

Việc áp dụng hình thức chiết khấu được áp dụng với những loại hàng hóa được bán tại siêu thị theo hình thức ký gửi. Tức là, DN chi trả chiết khấu theo thỏa thuận để gửi bán hàng hóa tại siêu thị. Mức chiết khấu cao là yêu cầu đề ra của hầu hết các hệ thống siêu thị hiện nay nếu như DN muốn đưa hàng hóa vào siêu thị của họ. Ông Phương Trường Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty gốm Chu Đậu cho biết, với mức chiết khấu cao, giá các sản phẩm bị đẩy lên cao nên hàng hóa của DN không thể cạnh tranh với mặt hàng gốm trôi nổi bán trên thị trường.

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, giá nhiều mặt hàng trong siêu thị như rau xanh, bánh kẹo, đồ tiêu dùng… cao hơn tại các chợ, cửa hàng bán lẻ từ 2.000 - 7.000 đồng. Tại siêu thị CT Mart (Cầu Giấy - Hà Nội), một hộp bánh Chocopie Orion 12 chiếc có giá 52.500 đồng/hộp, kẹo hương cốm Tràng An 23.000 đồng/gói, Lipton Ice Tea loại 16 gói nhỏ giá 30.500 đồng/hộp… Tuy nhiên, tại một cửa hàng bánh kẹo - nước giải khát trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy - Hà Nội), giá của các mặt hàng này lần lượt chỉ là 50.000 đồng, 17.000 đồng, 29.000 đồng.

Anh Nguyễn Quang Vinh, chủ cửa hàng bánh kẹo trên đường Nguyễn Phong Sắc cho biết, nếu như không có các chương trình khuyến mãi, giá các sản phẩm ở siêu thị lúc nào cũng cao hơn ít nhất 1.000 - 2.000 đồng/sản phẩm so với giá tại các cửa hàng bán lẻ. Như vậy, có thể thấy, chủ yếu do chiết khấu cao, giá các loại hàng hóa trong siêu thị đã phải chịu quá nhiều chi phí nằm ngoài chi phí sản xuất.

Đối với sản phẩm được bán cho siêu thị theo hình thức mua đứt bán đoạn thì siêu thị lại ép DN bằng cách ấn định giá thấp hơn hẳn giá DN bán ngoài thị trường hoặc mua hàng của DN nhưng lại lấy thương hiệu riêng của siêu thị cho sản phẩm. Ông Trần Hữu Thái, Giám đốc Công ty Thương mại và Đầu tư Đức Giang lấy dẫn chứng: “Một chiếc áo sơ mi chúng tôi bán trên thị trường với giá 100.00 đồng như khi đưa vào siêu thị thì họ chỉ đồng ý nhập hàng với giá 70.000 đồng. Với mức giá ấn định ở mức thấp hơn hẳn so với giá chung trên thị trường thì DN hầu như không có lãi”. Việc siêu thị lấy thương hiệu riêng của siêu thị gắn cho sản phẩm còn làm cho DN mất đi quyền quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, để tiêu thụ được hàng hóa, nhiều DN vẫn đang phải chấp nhận cách làm này.

Nhiều DN còn bức xúc vì các siêu thị thanh toán lãi cho DN khá chậm, thậm chí vi phạm hợp đồng. Theo ông Trần Hồng Khanh, Giám đốc bán hàng Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Vifon, công nợ tại siêu thị ít nhất 30 - 45 ngày mới được thanh toán nên DN phải có một quỹ tài chính khá lớn mới kéo dài được.

Cùng quan điểm, ông Trần Hữu Thái cho biết: “Hợp đồng chúng tôi kí với Metro phải sau 90 ngày mới được thanh toán một lần. Điều này không khác gì việc các siêu thị đang chiếm dụng vốn của DN. Trong thời gian đó, chúng tôi không có tiền để tái đầu tư”. Còn ông Phương Trường Thanh cũng cho biết, việc bán hàng tại siêu thị chỉ như “kí gửi hàng hóa” bởi lãi thanh toán có khi chậm cả tháng.

Từ qui định đến “lót tay”

Các siêu thị đang đưa ra nhiều quy định mà DN khó có thể thực hiện được. Với các siêu thị, việc tuyển chọn những mặt hàng tốt nhất, những DN uy tín nhất là điều phù hợp. Tuy nhiên, các siêu thị hiện nay đang đưa ra nhiều quy định mà DN khó có thể thực hiện được. Chẳng hạn, với mặt hàng bún, tại TP Hồ Chí Minh có hàng chục DN đạt chuẩn theo công bố của Sở Y tế nhưng số lượng DN đưa bún, bánh phở vào được siêu thị lại rất ít. Một chủ DN sản xuất bún đạt chuẩn tại quận Thủ Đức cho biết: “Khi nộp hồ sơ vào siêu thị Co.opmart, DN phải mất gần một năm mới được siêu thị ký hợp đồng tạm trong 3 tháng với số lượng rất hạn chế”.

Tương tự, với sản phẩm ổi Đông Dư, mặc dù rất nổi tiếng trên thị trường nhưng hầu như vắng bóng trong siêu thị. Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Hợp tác xã Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Giống ổi Đông Dư của chúng tôi đã có được thương hiệu riêng và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Chúng tôi cũng mong muốn đưa ổi vào siêu thị nhưng các siêu thị lại đặt ra yêu cầu ổi phải bán được hết trong ngày và phải bảo quản được lâu. Điều này là rất khó với chúng tôi”. Hay như sản phẩm gốm Chu Đậu như đã nói ở trên, siêu thị yêu cầu DN phải có giấy chứng nhận chất lượng men gốm, mà theo đại diện của DN, ở trong nước không có đơn vị nào cấp loại giấy tờ này.

Các siêu thị lí giải việc đưa ra nhiều điều kiện, tiêu chuẩn như vậy là để đảm bảo hàng hóa trong siêu thị có chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, tâm lý “chê” hàng Việt cũng là một lí do. Đại diện hệ thống siêu thị Saigon Co.op cho biết, vì số lượng quầy kệ có hạn nên không thể ngay lập tức thay thế những nhãn hàng có doanh số ổn định bằng các nhãn hàng hoàn toàn mới. Vị đại diện này cho biết thêm, đa số các DN vừa và nhỏ trong nước sản xuất ít ổn định, mẫu mã và chất lượng, tính năng sản phẩm thiếu sáng tạo, không nắm bắt được xu hướng nên rất khó tạo được ưu thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các DN, phóng viên báo Tin Tức lại ghi nhận được một câu chuyện khác. Thực tế, đưa hàng vào siêu thị lớn như Co.opmart, Big C khó tới mức cứ 10 DN nộp hồ sơ thì may ra có 1 DN được chấp nhận. Một chuyên gia kinh tế cho biết, đang xảy ra tình trạng siêu thị lớn ép giá người sản xuất, nghĩa là để vào được những siêu thị lớn, các DN cùng sản xuất một loại sản phẩm phải cạnh tranh mạnh mẽ.

Và để mọi chuyện được thuận lợi, các DN đều phải “lót tay” cho siêu thị. Đây là thực tế vẫn đang xảy ra nhưng ít DN nào muốn nói ra. Một đại diện công ty gốm Chu Đậu chia sẻ, DN còn phải “lót tay” cho cả người nhập hàng để hàng được bán sớm hơn. “Việc sắp xếp hàng hóa trong siêu thị cũng là cả một vấn đề. Hàng gốm cao cấp của chúng tôi lại bị xếp chung với thuốc lá, kem đánh răng nên người tiêu dùng ít chú ý. Nếu muốn được bày bán ở các vị trí đẹp, chúng tôi lại phải chi tiền để thiết kế lại các giá, kệ trưng bày hàng tại siêu thị”, vị này cho biết.

Như vậy có thể thấy, để hàng hóa của mình có thể trụ được trên gian hàng siêu thị, các DN sản xuất thường phải chịu rất nhiều điều kiện. Ngậm ngùi về điều này, ông Trần Hữu Thái (Công ty Thương mại và Đầu tư Đức Giang) cho biết, chỉ coi bán hàng tại siêu thị như một hình thức quảng cáo thương hiệu tới người tiêu dùng là chính chứ không mong gì có lãi.

Thu Hồng - Lê Nghĩa