09:22 03/09/2015

Hàng Việt gánh thêm nhiều sức ép - Bài cuối

Để tăng khả năng cạnh tranh cho hàng Việt, nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm hay tạo ra những đặc tính sáng tạo riêng cho sản phẩm.

 TÌM BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ

Để tăng khả năng cạnh tranh cho hàng Việt, nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm hay tạo ra những đặc tính sáng tạo riêng cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc giải bài toán cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của DN, mà còn cần sự hỗ trợ từ chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Khai thác tối đa lợi thế riêng

Để cạnh tranh với gốm sứ Trung Quốc, Công ty gốm sứ Quang Vinh đã chọn đầu tư về mẫu mã, thiết kế theo hướng hàng thủ công mang phong cách châu Âu. Ông Lê Ngọc Thạch, Phó giám đốc công ty cho biết, tuy chỉ sản xuất lô hàng quy mô nhỏ, chỉ vài trăm sản phẩm nhưng nếu tinh xảo hơn hàng Trung Quốc, có kiểu dáng riêng thì vẫn tiêu thụ tốt.

Hàng giá rẻ Trung Quốc không chỉ cạnh tranh với hàng Việt tại thị trường nội địa mà tại nhiều thị trường khác như châu Âu, nó cũng là đối thủ của hàng Việt. Do đó, theo ông Thạch, DN cần tận dụng lợi thế tại các thị trường mà Việt Nam đã kí kết hiệp định thương mại tự do, nơi mà gốm Việt Nam có thể được hưởng thuế suất 0%, trong khi hàng Trung Quốc vẫn phải chịu thuế cao.

Là một thương hiệu có tiếng trong làng đồ chơi Việt, Tosy đã chinh phục nhiều thị trường bằng những sản phẩm công nghệ cao như đĩa bay, robot. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh với đồ chơi Trung Quốc, chiến lược sản phẩm của Tosy tập trung vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm độc đáo, sáng tạo.

“Tosy chỉ làm những sản phẩm chưa có trên thị trường để tạo nên ưu thế cạnh tranh tuyệt đối. Sử dụng các nguyên vật liệu có xuất xứ rõ ràng và đảm bảo quy trình sản xuất để đưa ra những sản phẩm an toàn và có chất lượng cao cho các em nhỏ. Sản phẩm đồ chơi của Tosy có hàm lượng trí tuệ cao, sử dụng công nghệ do các kỹ sư của Tosy tự nghiên cứu chế tạo để giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng”, bà Phạm Huyền Trang, Trưởng phòng PR Công ty CP Robot Tosy chia sẻ.

Hiện nay, đồ chơi của Tosy được bán rộng rãi khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ các siêu thị, nhà sách, cửa hàng đồ chơi lớn cho đến các phố đồ chơi nổi tiếng như Lương Văn Can tại Hà Nội. Ngoài ra, Tosy đã xuất khẩu đến hơn 60 nước trên thế giới, các thị trường lớn nhất là Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore…

Trong ngành dệt may, để sản phẩm có thể “đấu” với hàng Trung Quốc trên sân nhà sau khi đã “tung hoành” khắp thế giới, bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, các DN cần đầu tư cho hệ thống phân khối như hệ thống siêu thị Vinatex mart. Đây là nơi đặt hàng cho các DN, buộc các DN phải nâng cao năng lực, cải tiến mẫu mã, chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Để có được mức giá rẻ, hàng Trung Quốc phải sản xuất theo quy mô lớn, thậm chí cực lớn. Trong khi đó, đa phần hàng Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ nên muốn giảm giá cũng không đơn giản. Bởi vậy, theo bà Dung, các DN cần chuyên môn hóa sản phẩm dệt may, không sản xuất nhỏ lẻ, trùng lặp nhau như hiện nay. Còn ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng đề nghị các hộ gia đình, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng nhỏ lẻ phải liên kết sản xuất thì mới có cơ hội giảm giá thành.

Đồng bộ chính sách hỗ trợ

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì việc mất lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc sẽ có tác hại nghiêm trọng. Đặc biệt, cuối năm 2015, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực gồm 10 nước ASEAN và 6 quốc gia khác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, New Zealand có thể được kí kết, hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam và các nước ASEAN sẽ chịu thuế suất 0%. Như vậy, chắc chắn hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng nhanh chóng. Nguy cơ hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các DN, qua đó tác động ngược trở lại kinh tế vĩ mô. Nếu không có biện pháp đối phó thì DN sẽ thất bại trong cuộc cạnh tranh này.

Tuy nhiên, theo ông Khương, việc đối phó với hàng Trung Quốc sẽ không chỉ thuộc về riêng DN. Phía Nhà nước cần có chính sách kinh tế hợp lý như kiểm soát buôn lậu, điều hành tỷ giá… để hài hòa giữa mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển của DN.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cũng có chung quan điểm là các DN Việt Nam đang phải chịu cạnh tranh một cách không công bằng với hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng lậu và gian lận thương mại. Ông Nghĩa cho rằng, chỉ khi nào buôn lậu biên giới bị siết chặt thì DN sống được, còn không thì DN cũng bó tay. “Dù tiết kiệm chi phí sản xuất đến mấy cũng không thể hạ giá ngang hàng lậu trốn thuế được. Nếu không loại bỏ được hàng lậu, hàng nhái với giá siêu rẻ thì hàng Việt Nam luôn bị đặt vào thế bất lợi về giá”, ông Nghĩa nhận định.

Hoàng Dương - Hải Yên