05:23 02/05/2012

Hàng tồn kho giảm, xuất khẩu tăng cao

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 2/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết: Ở một số ngành hàng, tình trạng tồn kho hàng hóa đã phần nào được giảm bớt.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 2/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết: Ở một số ngành hàng, tình trạng tồn kho hàng hóa đã phần nào được giảm bớt. Tuy nhiên, để kích thích tiêu thụ hàng hóa mạnh hơn nữa thì cần có những biện pháp tổng thể để kích thích cả sản xuất và tiêu dùng.

Hàng tồn kho giảm

Nếu như tháng 3, mặt hàng phân bón bị tồn kho tới 1,5 triệu tấn thì trong tháng 4 đã tiêu thụ được 1 triệu tấn. Theo Bộ Công Thương, tồn kho phân bón giảm là do trong tháng 4/2012, các địa phương đang chuẩn bị bước vào sản xuất vụ lúa hè thu, nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng mạnh. Giá phân bón đã tăng trở lại (đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long) do giá xăng dầu tăng đã khiến cước phí vận chuyển nhích lên và tâm lý mua hàng tích trữ để chuẩn bị vào vụ hè thu, trong khi lượng hàng tồn kho không còn nhiều. Tuy nhiên, nguồn cung phân bón trong nước vẫn được đảm bảo, nông dân không lo thiếu hàng.

Hệ thống tự động bốc xếp sản phẩm tại kho hàng của Nhà máy Đạm Cà Mau. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Đối với các doanh nghiệp ngành thép, hiện vẫn đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản phẩm sắt thép xuất khẩu ước đạt 438.000 tấn, tăng 46,6% so với cùng kỳ. Giá thép và nhu cầu tiêu thụ thép cũng được các chuyên gia thương mại dự báo có thể tăng trong thời gian tới do giá phôi, thép phế và giá khoáng sản, phế liệu nhập khẩu cho ngành thép đang có xu hướng tăng. Bên cạnh đó thị trường bất động sản dần phục hồi do lãi suất huy động giảm, tín dụng bất động sản được nới lỏng hơn cũng khiến cho tiêu thụ của ngành thép “khởi sắc” hơn.

Trong tháng 4/2012, tình hình tiêu thụ than vẫn ở mức thấp. 4 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ than của riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chỉ đạt gần 13,0 triệu tấn, giảm 9,0% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu ước đạt 3,9 triệu tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ. “Than tiêu thụ chậm nên tồn kho tăng cao, đặc biệt tại các kho cảng, tính đến cuối tháng báo cáo than tồn ước đạt 8,38 triệu tấn, trong đó than thành phẩm là 5,97 triệu tấn”, đại diện Bộ Công Thương nói.

Mặc dù có ý kiến cho hàng tồn kho tăng cao là một biểu hiện của suy thoái kinh tế. Nhưng đại diện Bộ Công Thương cho rằng, kinh tế có biểu hiện suy giảm nhưng chưa thể gọi là suy thoái. Bởi, nếu suy thoái là tăng trưởng âm liên tiếp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì và sản xuất công nghiệp tháng 4 đã tăng trở lại.

Bốc hàng container tại cảng Cát Lái. Ảnh: Hà Thái-TTXVN


Để giải quyết tình trạng tồn kho hàng hóa, Bộ Công Thương cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ cả về kinh tế vĩ mô và nỗ lực của doanh nghiệp. Một số ngành hàng cần được kích thích tiêu thụ thông qua việc tháo gỡ khó khăn về chính sách và nguồn vốn. Ví dụ, nếu thị trường bất động sản khởi sắc thì tiêu thụ sắt thép, xi măng mới khả quan... Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa thông qua việc tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phối hợp đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt... Nhưng, các doanh nghiệp cũng cần cải tiến khâu quản lý, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, cố gắng từng bước nâng cao năng suất, hạ giá thành, giảm chi phí, nâng cao cạnh tranh.

Xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, 4 tháng năm 2012, xuất khẩu tăng cao hơn nhiều so với nhập khẩu (xuất khẩu tăng 22,1%, nhập khẩu tăng 4,4%). Hoạt động xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu do sự đóng góp của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay: Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2012 của cả nước tăng hơn 6 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng hơn 5,6 tỷ USD. Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 33,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của các mặt hàng công nghiệp cũng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu. Các mặt hàng có kim ngạch lớn như hàng dệt và may mặc, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ đạt tốc độ tăng trưởng từ 9 - 20%; hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng 154,0%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 98,6%.

Bên cạnh những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, một số yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu đó là: Giá cả hầu hết mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2011; lượng gạo và cà phê xuất khẩu giảm cũng làm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm thêm. Tính chung 4 tháng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông sản chính giảm khoảng 82 triệu USD so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 33,6 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt hơn 16,1 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 48,0%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 17,4 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 52,0% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 4/2012, Bộ Công Thương đã tiếp tục rà soát và cập nhật danh mục các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để có biện pháp kiểm soát nhập khẩu. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mới, có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Minh Phương